Theo quy định của Luật Dân quân tự vệ (DQTV) đã được Quốc hội thông qua ngày 23-11-2009 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2010), công dân trong độ tuổi từ 18-45 đối với nam và từ 18-40 đối với nữ, có nghĩa vụ tham gia DQTV. Luật này quy định: tháng 4 hàng năm, Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức đăng ký lần đầu cho công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV. Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở lập kế hoạch đăng ký, quản lý DQTV rộng rãi. Công tác triển khai thực hiện luật này trên địa bàn Đồng Nai hiện nay ra sao?
Theo quy định của Luật Dân quân tự vệ (DQTV) đã được Quốc hội thông qua ngày 23-11-2009 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2010), công dân trong độ tuổi từ 18-45 đối với nam và từ 18-40 đối với nữ, có nghĩa vụ tham gia DQTV. Luật này quy định: tháng 4 hàng năm, Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức đăng ký lần đầu cho công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV. Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở lập kế hoạch đăng ký, quản lý DQTV rộng rãi. Công tác triển khai thực hiện luật này trên địa bàn Đồng Nai hiện nay ra sao?
* Tất cả địa phương đều đã triển khai
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, Trung tá Lê Quang Thịnh, Trưởng ban DQTV - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cho biết: Thực hiện Quyết định số 289/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch triển khai Luật DQTV, kế hoạch số 3678/KH-BQP của Bộ Quốc phòng về việc tổ chức tập huấn triển khai thực hiện Luật DQTV, trong tháng 2-2011, UBND tỉnh đã tổ chức hai lớp tập huấn ở cấp tỉnh nhằm triển khai cho cán bộ chủ chốt của các cấp, ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị quán triệt về Luật DQTV và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đến nay, tất cả 11/11 huyện, thị xã và TP.Biên Hòa đã tổ chức tập huấn, triển khai Luật DQTV; 28 xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai. Trung tá Lê Quang Thịnh cũng cho biết thêm, theo kế hoạch đề ra, đến ngày 10-4, 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh phải hoàn thành công tác tập huấn, triển khai Luật DQTV và đến ngày 30-4, công tác đăng ký lần đầu cho công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV trên toàn tỉnh cũng sẽ được hoàn tất.
Song song đó, các huyện, thị xã Long Khánh và TP.Biên Hòa cũng xây dựng kế hoạch thực hiện Luật DQTV, bảo đảm chế độ chính sách, trang phục cho lực lượng DQTV. Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Tô Thành Liêm, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự TP.Biên Hòa cho hay, trong năm 2011, thành phố sẽ tập trung kiện toàn, nâng cao chất lượng toàn diện của lực lượng DQTV, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Mục tiêu của thành phố trong thời gian tới là xây dựng lực lượng DQTV đảm bảo đạt từ 15-20% trong tổng số cán bộ, công nhân viên chức, lao động của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn; công tác huấn luyện được thực hiện thường xuyên, đúng quy định và bám sát thực tế yêu cầu nhiệm vụ.
* DQTV được hưởng chế độ chính sách theo quy định của pháp luật
Luật DQTV quy định đầy đủ về nghĩa vụ tham gia DQTV; tổ chức, nhiệm vụ, hoạt động của DQTV; chế độ, chính sách đối với DQTV và trách nhiệm quản lý nhà nước về DQTV.
Theo đó, DQTV là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác; là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là lực lượng bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh. Lực lượng này được tổ chức ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã), gọi là dân quân; được tổ chức ở cơ quan của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức), gọi là tự vệ.
Dân quân tự vệ gồm DQTV nòng cốt và DQTV rộng rãi. DQTV rộng rãi là những công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV đã được đăng ký, quản lý để sẵn sàng mở rộng lực lượng và huy động khi có lệnh của cấp có thẩm quyền. DQTV nòng cốt là lực lượng được tuyển chọn vào phục vụ có thời hạn trong các đơn vị DQTV, đây chính là điểm để phân biệt đối với DQTV rộng rãi. DQTV nòng cốt gồm: DQTV cơ động; DQTV tại chỗ; DQTV biển; DQTV phòng không, pháo binh, công binh, trinh sát, thông tin, y tế...
Cũng theo quy định của Luật DQTV, công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia DQTV nòng cốt được Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp giấy chứng nhận hoàn thành nghĩa vụ tham gia DQTV nòng cốt. Công dân đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia DQTV nòng cốt nhưng còn trong độ tuổi quy định (tại Điều 9) thì chuyển sang DQTV rộng rãi hoặc được đăng ký vào quân nhân dự bị theo quy định của pháp luật. Cán bộ, chiến sĩ DQTV bị ốm, bị tai nạn, bị thương trong khi thực hiện nhiệm vụ, nếu chưa tham gia bảo hiểm y tế thì được thanh toán tiền khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp làm nhiệm vụ nếu bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu bị chết thì được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí. Cán bộ, chiến sĩ DQTV làm nhiệm vụ theo quyết định điều động của cấp có thẩm quyền, nếu bị thương thì được xét hưởng chính sách như thương binh; nếu hy sinh được xét công nhận là liệt sĩ theo quy định của pháp luật.
Phạm Hoàng Thái