Thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội đang rất quan tâm và bức xúc trước hành vi rải đinh trên một số đoạn đường có nhiều phương tiện giao thông đường bộ lưu thông thuộc địa bàn Đồng Nai và tỉnh Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh.
Thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội đang rất quan tâm và bức xúc trước hành vi rải đinh trên một số đoạn đường có nhiều phương tiện giao thông đường bộ lưu thông thuộc địa bàn Đồng Nai và tỉnh Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh. Dư luận bức xúc vì hành vi rải đinh không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản mà còn có nguy cơ tước đoạt sinh mạng của người điều khiển phương tiện giao thông. Nhiều tác giả đã trình bày quan điểm về xử lý hành vi rải đinh đăng trên một số phương tiện thông tin và các cơ quan chức năng tại một số địa phương còn đang có nhiều ý kiến khác nhau trong việc xử lý hành vi này. Nhằm góp phần cùng các thông tin đại chúng, các cơ quan chức năng và nhân dân nhận thức về phương hướng xử lý các hành vi rải đinh theo đúng quy định của pháp luật, để phòng ngừa và đấu tranh loại bỏ các hành vi này ra khỏi đời sống xã hội, tôi xin nêu quan điểm của mình như sau:
Hành vi rải đinh trên đường có thể phân hai trường hợp để xử lý.
Trường hợp thứ nhất, đối tượng rải đinh bị các cơ quan chức năng kịp thời bắt giữ, hậu quả chưa xảy ra. Với trường hợp này, người rải đinh dù chỉ nhằm mục đích để các phương tiện giao thông đường bộ đi qua sẽ cán vào và bị hư hỏng vỏ xe, nhưng luật buộc họ phải nhận thức được phương tiện đang lưu thông nếu cán phải đinh có khả năng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, sức khỏe, tính mạng. Do vậy, đối tượng thực hiện hành vi rải đinh trên đường đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cản trở giao thông”, theo quy định tại điều 203 khoản 4 Bộ luật Hình sự (nếu có đủ các yếu tố chủ thể theo quy định của pháp luật về độ tuổi, đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự...). Theo đó:
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây cản trở giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5-30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm:
...;
b) Đặt trái phép chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường bộ;
...
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nếu không được ngăn chặn kịp thời thì bị phạt tiền từ 5-20 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3-12 tháng.
Trường hợp hành vi rải đinh đã gây ra thiệt hại về tài sản, gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe, làm chết người..., thì đối tượng rải đinh sẽ bị xử lý về các điều, khoản tương ứng quy định trong Bộ luật Hình sự.
Thực tế, trong những năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự tại Đồng Nai đã đưa nhiều vụ án về hành vi rải đinh trên đường ra truy tố, xét xử về tội “Cản trở giao thông ”, như vụ cha con ông Tống Duy Ch., Tống Duy S., bị các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Long Thành khởi tố, xét xử với mức án đối với Tống Duy Ch. là 1 năm tù và Tống Duy S. 2 năm tù. Việc xử lý các vụ án hình sự về hành vi rải đinh trên đường đã có tác dụng hết sức hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và hạn chế rất nhiều hành vi phạm tội tương tự xảy ra trong thời gian dài trên địa bàn tỉnh.
Thạc sĩ luật LÊ ĐỨC XUÂN