Chẳng biết vô tình hay hữu ý, trong một ngày mà Tòa án nhân dân tỉnh đã đưa ra xét xử 2 vụ án giết người. Trớ trêu thay, những kẻ thủ ác ấy đã sát hại chính những người thân yêu, ruột thịt của mình.
Chẳng biết vô tình hay hữu ý, trong một ngày mà Tòa án nhân dân tỉnh đã đưa ra xét xử 2 vụ án giết người. Trớ trêu thay, những kẻ thủ ác ấy đã sát hại chính những người thân yêu, ruột thịt của mình.
* Những án mạng từ trong gia đình
Đứng trước vành móng ngựa là người đàn ông mái tóc đã điểm bạc. Gương mặt ông gầy gò, hốc hác rất đáng thương vì trải qua thời gian giam mình về thể xác cũng như nỗi dằn vặt về lương tâm. Ông bị xét xử về cái tội khiến nhiều người phẫn nộ... tội giết vợ. Trước đây, ông Nguyễn Văn Sang (55 tuổi, ngụ ở phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) cùng vợ, các con có cuộc sống khá đầy đủ và hạnh phúc. Nhưng từ sau cái chết do bệnh tật của người con trai cả khiến họ vô cùng đau đớn. Để quên nỗi đau, vợ ông đã từ bỏ mọi thứ, tìm đến cửa Phật tu hành. Trong một lần nhậu say về nhà, ông Sang cảm thấy trống vắng nên đã đi đến Long Thành thăm vợ. Trên đường đi, ông không quên ghé tiệm tạp hóa mua cà phê, ngũ cốc, gạo... để chu cấp cho vợ. Gặp nhau, ông Sang trao cho bà tiền bảo hiểm của con trai mà ông đã lãnh để bà dùng cất am tu hành. Tuy nhiên, vợ ông cho rằng ông chi xài quá nhiều tiền vào bảo hiểm của con nên giữa hai vợ chồng cãi vả nhau. Tức giận và thiếu kiềm chế do sẵn có rượu trong người, ông Sang xô ngã vợ rồi dùng búa đánh 3 nhát vào đầu vợ khiến bà chết ngay tại chỗ...
Cho đến tận lúc ra tòa, mẹ và các em Trần Minh Hùng (20 tuổi, ngụ ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) vẫn chưa hết bàng hoàng về cái chết của người chồng và cha của họ. Chỉ vì chuyện chiếc xe gắn máy mà giữa Hùng và cha nảy sinh cãi vả. Giận con hỗn hào, cha Hùng dọa đi báo công an xã bắt nhốt con. Để ngăn cha lại, Hùng nhặt cục đá ném về phía cha nhưng không ngờ trúng vào ngực khiến ông này chết ngay sau đó vì bị vỡ tim.
* Nỗi đau người ở lại...
Sau cái chết của mẹ, cha bị bắt giam, các con ông Sang lại lâm vào tình thế vô cùng éo le, thương thì không được nhưng oán giận lại không đành bởi bị cáo và bị hại chính là bậc sinh thành ra họ. Chứng kiến cái chết thảm của mẹ đã là nỗi đau tột cùng, họ làm sao đối diện sự thật khi biết người gây ra cái chết của mẹ chính là cha mình. Nhưng cố nén chịu nỗi đau đến xé lòng, họ vẫn xin hội đồng xét xử cho bị cáo mức án thật nhẹ vì người đó là cha. Tương tự, dù giận kẻ giết cha nhưng mẹ và các em Hùng cũng chỉ biết giận và khóc thương chứ nỡ nào lại kết tội Hùng. Nhà nghèo, cuộc sống gia đình chỉ phụ thuộc vào Hùng và cha với nghề làm rẫy, cuốc mướn. Án mạng xảy ra, người chết, kẻ đi tù, để lại người mẹ yếu đuối cùng đám trẻ nheo nhóc chẳng biết nương tựa vào ai. Nhìn dáng vẻ liêu xiêu mẹ con ấy dắt díu nhau bước ra khỏi tòa mà thấy chạnh lòng cho tương lai bất định của mẹ con họ...
Tại các phiên tòa xử án giết người, vị đại diện viện kiểm sát trong phần luận tội thường nhấn mạnh rằng sinh mạng của con người là thứ tài sản quý giá nhất, thiêng liêng nhất và được pháp luật bảo vệ. Những hành vi xâm phạm nguy hiểm đến tính mạng con người đều bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc. Điều đó được thể hiện qua mức án 16 năm tù đối với ông Sang, 13 năm tù đối với Hùng mà tòa đã tuyên phạt. Nhưng còn những nguyên nhân căn bản, sâu xa hơn cần được nhắc đến, cần được giáo dục thường xuyên hơn là ở đạo đức, lối sống, quan hệ xử sự giữa con người với nhau trong cuộc sống. Chính thói quen hành xử với nhau bằng bạo lực đã gây nên biết bao khổ đau, bất hạnh trong xã hội này.
Phạm Mai