Báo Đồng Nai điện tử
En

Phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái: Viện kiểm sát bác bỏ quan điểm của các luật sư bào chữa

09:05, 05/05/2008

Ngày thứ 13 (ngày 5-5) phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái chuyển sang phần tranh luận của đại diện Viện kiểm sát tỉnh giữ quyền công tố tại phiên tòa theo ủy quyền của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.

Ngày thứ 13 (ngày 5-5) phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái chuyển sang phần tranh luận của đại diện Viện kiểm sát tỉnh giữ quyền công tố tại phiên tòa theo ủy quyền của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.

 

Đại diện Viện kiểm sát tranh luận tại phiên tòa.

 

Một trong những vấn đề được các bị cáo, luật sư bào chữa nhắc đến nhiều nhất trong suốt quá trình xét xử là kết quả giám định thiết bị, vật tư mà các bưu điện mua của Nguyễn Lâm Thái cũng như cách tính thiệt hại đã được vị đại diện Viện kiểm sát (VKS) tập trung tranh luận làm rõ. Theo VKS, các giám định viên là những người có đủ trình độ, kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ được giao với tinh thần vô tư, khách quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm của mình (như lời ông tổ trưởng giám định Dương Văn Hòa đã nhiều lần khẳng định tại phiên tòa). Công tác giám định trong vụ án được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Ngoài thời gian làm việc tại cơ quan điều tra, các giám định viên đã đi thực tế tại một số bưu điện để trực tiếp kiểm tra, xem xét các thiết bị đã mua của Nguyễn Lâm Thái. Trên cơ sở kết quả giám định, Cơ quan điều tra và VKS đã thống nhất phương thức tính thiệt hại theo hướng có lợi cho các bị cáo. Cơ quan điều tra đã thông báo cho các bị cáo về kết luận giám định giá và cách tính thiệt hại, các bị cáo đều không có ý kiến khiếu nại và nộp tiền khắc phục hậu quả. Tại phiên tòa, các bị cáo và luật sư bào chữa cho mình chỉ đưa ra khiếu nại một cách chung chung là giá vật tư, thiết bị theo kết luận giám định quá thấp mà không đưa ra được căn cứ xác đáng để xác định giá của thiết bị vật tư Thái đã bán cho các bưu điện... Ý kiến các luật sư cho rằng cơ quan giám định không tuân theo Nghị định 26/2005/NĐ-CP của Chính phủ về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, đại diện VKS cho rằng theo nguyên tắc giám định tư pháp thì giám định viên tư pháp được toàn quyền sử dụng kiến thức, phương pháp khoa học... để kết luận về giá bán theo yêu cầu của cơ quan tố tụng mà không nhất thiết phải tuân theo trình tự, thủ tục quy định tại nghị định 26. Bởi nghị định này áp dụng cho việc định giá tài sản trong khi trong vụ án là giám định thiệt hại; Nghị định 26 chỉ buộc áp dụng khi cần phải giám định tài sản nhưng trong vụ án này chưa xuất phát nhu cầu phải giám định tài sản; tài sản khi mua có hồ sơ, có ghi chủng loại... đủ để đối chiếu giá bán qua giám định với giá bán theo hợp đồng. Nếu xảy ra trường hợp cơ quan tố tụng có nghi vấn hàng giao không đúng như hồ sơ mua bán hoặc VNPT yêu cầu với tư cách bị hại thì mới giám định tài sản theo Nghị định 26... Về số tiền thiệt hại trong vụ án hơn 30 tỷ đồng, tuy VNPT không yêu cầu nhưng đây là tài sản nhà nước nên các cơ quan tố tụng có nghĩa vụ thu hồi tài sản thất thoát về cho nhà nước. Các bị cáo nguyên lãnh đạo bưu điện sai phạm gây thất thoát tài sản nhà nước phải nộp tiền khắc phục hậu quả là hoàn toàn phù hợp quy định của pháp luật.

Nguyễn Lâm Thái tại phiên tòa ngày 5-5-2005.

 

Ngoài ra, đại diện VKS cũng nêu ra những ý kiến tranh luận về các vấn đề liên quan đến tội danh, nhân thân từng bị cáo, đường lối xử lý vụ án... trên cơ sở bác bỏ những quan điểm bào chữa của các luật sư mà theo VKS đa phần là phiến diện, chủ quan thiếu căn cứ... và một số vấn đề đã được làm rõ tại tòa. Vị đại diện VKS cũng không đồng tình với đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung của các luật sư bào chữa vì: "Không có căn cứ cho thấy sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự; việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án chỉ gây lãng phí công sức, tiền bạc, ảnh hưởng xấu đến quyền lợi các bị cáo đang bị tạm giam...".

Hôm nay (ngày 6-5), phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận đi sâu vào những vấn đề cụ thể đối với từng bị cáo.

Phạm Mai

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích