Đại đội 14 của Tiểu đoàn 174 là đơn vị hỏa lực thuộc Trung đoàn đặc công 113 được trang bị các loại súng ĐKZ 75-82 ly, B41, cối 82 và 12,7 ly cùng tiểu liên AK, thủ pháo, lựu đạn... để phối hợp với đơn vị bạn bảo vệ cầu Mới (Hóa An), cầu Ghềnh ở thị xã Biên Hòa, đón đại quân ta vào giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.
Đại đội 14 của Tiểu đoàn 174 là đơn vị hỏa lực thuộc Trung đoàn đặc công 113 được trang bị các loại súng ĐKZ 75-82 ly, B41, cối 82 và 12,7 ly cùng tiểu liên AK, thủ pháo, lựu đạn... để phối hợp với đơn vị bạn bảo vệ cầu Mới (Hóa An), cầu Ghềnh ở thị xã Biên Hòa, đón đại quân ta vào giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.
Đêm 27 tháng 4 năm 1975, từ căn cứ đóng quân ở các xã Tân Mỹ, nhà Nai (huyện Tân Uyên), bộ đội ta xuất phát hành quân, chiếm lĩnh trận địa và triển khai đào công sự ở khu vực Cầu Hang, xã Hóa An (Biên Hòa). Sáng 28-4, các lực lượng đặc công Trung đoàn 113 đã luồn sâu, ém sát mục tiêu và tiêu diệt một số lực lượng địch bảo vệ cầu Ghềnh, cầu Mới. Bị đánh bất ngờ, chúng rối loạn đội hình, tháo chạy tán loạn. Nhưng do lực lượng ta ít lại xuất hiện sớm giữa hang ổ địch, nên ngay lập tức, chúng huy động máy bay, xe tăng, pháo binh cùng với xung lực từ Sóng Thần, Dĩ An đánh xuống và biệt động quân trong Biên Hòa đánh ra. Suốt ngày 28 và 29-4 quần nhau với giặc, nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta hy sinh. Khẩu súng máy do Đào Công Sự - xạ thủ số 1 của ta đang khạc lửa vào kẻ thù bỗng im lặng vì bị đạn địch bắn trúng, anh đã anh dũng hy sinh vào thời khắc bi tráng ấy cùng 52 đồng đội của mình.
Sau ngày 30-4-1975, số anh em còn lại tổ chức tạm giấu khẩu súng này vào khu vườn của một nhà dân ở ấp Tân Bản, xã Bửu Hòa để tiếp tục làm nhiệm vụ mới. Ít lâu sau đó, đơn vị được lệnh rút về tiếp quản Sài Gòn rồi chuyển quân ra Bắc. Nhiều anh em được giải quyết chính sách về mọi miền quê, thế là khẩu súng - vật chứng của một thời oanh liệt đi vào quên lãng. Gần đây, qua những thông tin của đồng đội trở về thăm chiến trường xưa, đặc biệt là ông Tống Hữu Hiếu ở ấp Tân Bản - chủ nhân của khu vườn nhớ lại địa điểm chôn khẩu súng. Ông Hiếu đã bỏ tiền thuê người đào bới, tìm kiếm nhưng không có kết quả. Đầu tháng 4-2008, Ban liên lạc truyền thống Đoàn đặc công 113 được sự hỗ trợ đắc lực của Hội CCB Công ty xây dựng cấp nước Đồng Nai đã mướn máy rà phế liệu, quyết tâm tìm kiếm. Cuối cùng, tại một góc vườn gần ao cá ông Hai Hiếu, cách mặt đất sâu hơn một mét, khẩu súng 12,7 ly đã lộ ra và được đưa lên trong niềm vui sướng và tràn đầy cảm động của những người có mặt.
Như vậy, sau 33 năm, khẩu súng thân yêu đã từng gắn bó với liệt sĩ Đào Công Sự và đồng đội của anh vừa được tìm thấy.
Nguyễn Quốc Hoàn