Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái: Nhiều bị cáo chối tội

09:04, 11/04/2008

Trong hai ngày 10, 11-4, phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái chuyển sang phần thẩm vấn. Ngoài bị cáo đầu vụ Nguyễn Lâm Thái, các bị cáo thuộc nhóm tội "Lừa đảo", "Trốn thuế" nguyên là kế toán, các giám đốc công ty "con" thuộc tập đoàn CIP (viết tắt từ Trung tâm Bưu chính viễn thông Thái Bình Dương), gồm: Vũ Công Đại, Vũ Anh, Vũ Ngọc Hoan, Nguyễn Quang Huy, Phạm Văn Tiến và Đặng Thị Thu Hà lần lượt trả lời thẩm vấn trước tòa.

Trong hai ngày 10, 11-4, phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái chuyển sang phần thẩm vấn. Ngoài bị cáo đầu vụ Nguyễn Lâm Thái, các bị cáo thuộc nhóm tội "Lừa đảo", "Trốn thuế" nguyên là kế toán, các giám đốc công ty "con" thuộc tập đoàn CIP (viết tắt từ Trung tâm Bưu chính viễn thông Thái Bình Dương), gồm: Vũ Công Đại, Vũ Anh, Vũ Ngọc Hoan, Nguyễn Quang Huy, Phạm Văn Tiến và Đặng Thị Thu Hà lần lượt trả lời thẩm vấn trước tòa.

 

Nguyễn Lâm Thái trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử.

* Các bị cáo không thừa nhận tội lứa đảo 

       

Điểm chung nhất trong phần trả lời thẩm vấn vào sáng ngày 11-4, các bị cáo đều cho rằng mình chỉ là người làm thuê, không nắm rõ các hành vi gian dối của Thái, bởi tất cả mọi hoạt động giao dịch thương mại đều do Thái chỉ đạo thực hiện. Vì vậy, cả 6 bị cáo một mực kêu oan khi bị Viện KSND tối cao kết tội lừa đảo.

Bị cáo Vũ Ngọc Hoan (giám đốc Công ty TNHH siêu điện tử HPT), khi nói về mối quan hệ với Nguyễn Lâm Thái cho biết, Thái gần như là anh em ruột trong gia đình. Chính vì vậy, dù là giám đốc một công ty nhưng những hợp đồng làm ăn do Thái soạn thảo trước, bị cáo Hoan không ngần ngại khi đặt bút ký 24 hợp đồng kinh tế và 29 hóa đơn giá trị gia tăng. Về phần "bổng lộc", bị cáo Hoan cho rằng Thái chỉ trả thù lao trong mỗi lần đi lắp đặt thiết bị cho các đối tác; mỗi lần được "bồi dưỡng" 1,5 triệu đồng. Ngoài khoản này, Hoan không nhận được bất kỳ lợi lộc nào khác từ những hợp đồng đã ký. Mặc dù trong quá trình tạo cơ hội giúp Thái chiếm đoạt gần 7 tỷ đồng của bưu điện các tỉnh, nhưng bị cáo Hoan một mực kêu oan và cho tòa biết, chỉ đến khi bị điều tra, mới biết mình có tội (?). Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Hoan mếu máo nói: "Trong cuộc sống khó khăn, là người làm thuê nên Thái bảo gì tôi buộc phải nghe theo. Bản thân tôi cũng là nạn nhân của "người anh em" Nguyễn Lâm Thái chứ có được lợi lộc gì nhiều đâu. Vì vậy, xin tòa xem xét, giảm nhẹ hình phạt...".  Tương tự, các bị cáo: Nguyễn Quang Huy (giám đốc Công ty TNHH công nghệ mới); Phạm Văn Tiến (giám đốc Công ty TNHH thương mại và quảng cáo Sao Bắc); Vũ Anh (giám đốc Công ty TNHH sách và thiết bị văn hóa xã Hà Nội), Vũ Công Đại (giám đốc Công ty TNHH thương mại kỹ thuật điện tử) đã ký tổng cộng 79 hợp đồng kinh tế bán các thiết bị, vật tư cho bưu điện các địa phương gây thất thoát trên 16 tỷ đồng. Các bị cáo này đều cho rằng, dù là giám đốc nhưng họ phải chịu sự chỉ đạo từ Nguyễn Lâm Thái. Riêng bị cáo Đặng Thị Thu Hà (kế toán tất cả các công ty mà Thái thành lập) cho biết, dù làm kế toán nhiều đơn vị, nhưng chỉ được Thái trả lương tháng 1,5 triệu đồng. Từ năm 2002-2005, Hà giúp Thái sử dụng 63 hóa đơn giá trị gia tăng khống để trốn thuế gần 2,7 tỷ đồng. Khi được hỏi, vai trò của kế toán là gì khi đồng lõa, tham gia các vụ việc lừa đảo của Nguyễn Lâm Thái, bị cáo Hà cho rằng, là cấp dưới, sống nhờ vào đồng lương ít ỏi do Thái trả nên không có quyền quan tâm vào chuyện của "sếp", bởi nếu không làm theo sẽ bị đuổi việc. Do đó, bị cáo Hà nói bị Viện KSND tối cao quy kết tội trốn thuế là quá nặng...    

 

Nguyễn Lâm Thái cùng đồng phạm là giám đốc các công ty "con".

    

* Nguyễn Lâm Thái từng có ý định... tự tử

 

Về phần Nguyễn Lâm Thái, khi đứng trước vành móng ngựa trả lời thẩm vấn, vẫn với thái độ ngông nghênh và có biểu hiện "nửa tỉnh nửa mơ", đã bị đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai giữ quyền công tố tại tòa nhiều lần nhắc nhở. Đại diện Viện KSND còn nhấn mạnh: Bị cáo Nguyễn Lâm Thái đã hai lần bị tù giam (năm 1987 và 1991), vì vậy, bị cáo có nhiều "kinh nghiệm" trả lời "lòng vòng" mỗi lần ra trước vành móng ngựa.

 

Nguyễn Lâm Thái được nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe tại tòa.

Nói về giá thiết bị, vật tư đã bán cho bưu điện các tỉnh, Nguyễn Lâm Thái cho rằng, cơ quan điều tra và Viện KSND tối cao quy kết các bị cáo tội lừa đảo là không khách quan và không có cơ sở. Theo Thái, thời buổi kinh tế thị trường thì việc mua bán đều được thực hiện theo sự thỏa thuận của hai bên. Đó là chuyện "thuận mua vừa bán", tập đoàn CIP không có quyền ép giá. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước có các kỹ sư, chuyên viên kinh tế đủ năng lực và trình độ để có thể biết giá CIP đưa ra có hợp lý không. Do vậy, "có mười Thái" cũng không thể lừa được nhiều đơn vị như vậy. Giải trình lý do hàng hóa của CIP bán ra quá cao so với thực tế, Thái cho rằng ngoài giá trị bản thân hàng hóa, còn phải tính vào tất cả các chi phí như: Tiền vé máy bay cho nhân viên vào Nam ra Bắc giao dịch, tiền thuế, tiền ăn ở, chế độ bảo hiểm và cả những "chi phí đau khổ" không nói ra được. Đặc biệt, Thái cho rằng một trong những lý do giá hàng hóa Thái bán quá cao là do CIP có chế độ "siêu hậu mãi", đảm bảo hàng hóa được bảo hành vĩnh viễn. Nguyễn Lâm Thái ví von về hàng hóa của mình: "Giống như một lon bia, khi được bán ở chợ giá khác nhưng khi đem vào khách sạn 5 sao thì giá khác". Hay: "Cùng việc thuê huấn luyện viên (HLV) cho đội tuyển bóng đá. Nếu thuê HLV nội giá vài triệu, nhưng khi thuê HLV ngoại thì giá đương nhiên phải cao hơn gấp nhiều lần...". Nguyễn Lâm Thái cho biết, trong quá trình bị điều tra, Thái bị ép cung, bị phạm nhân cùng phòng đánh sưng mắt trước sự chứng kiến của điều tra viên nên lời khai tại cơ quan điều tra chỉ đúng 50%. Thái chờ đợi ra tòa để khai lại cho đúng. Thái cũng cho biết khi bị quy kết tội lừa đảo, Thái từng có ý định tự tử. Nhưng vì con gái bé bỏng viết thư van xin bố hãy cố sống, đồng thời Thái nghĩ hành động như thế là trốn tránh trách nhiệm nên từ bỏ ý định tự tử.

 

Cuộc "đấu khẩu" giữa luật sư và giám định viên về việc thẩm định giá thiết bị  

Chiều ngày 11-4, Hội đồng xét xử dành trọn thời gian để luật sư đặt câu hỏi đối với ông Dương Văn Hòa - tổ trưởng Tổ thẩm định giá (Bộ Tài chính) để làm rõ mức thiệt hại từ hành vi mua bán vật tư, thiết bị cho bưu điện các tỉnh với giá được nâng khống nhiều lần mà Nguyễn Lâm Thái và đồng phạm bị cáo buộc. Phiên tòa trở nên căng thẳng với những lần nổi nóng, từ chối trả lời của ông Hòa khi bị các luật sư hỏi dồn khiến hội đồng xét xử phải nhiều lần nhắc nhở các luật sư nên đi vào trọng tâm và tránh đặt câu hỏi trùng lắp.

Ông Hòa cho biết, khi định giá sản phẩm mà Thái bán cho các bưu điện  tỉnh, tổ giám định tiến hành khảo sát giá sản phẩm cùng loại được bán trên thị trường TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội của 10 doanh nghiệp không liên quan đến vụ án để tính mức giá chung có lợi cho Thái. Căn cứ pháp lý để thẩm định giá dựa vào các văn bản quản lý giá các mặt hàng thuộc danh mục do Nhà nước quản lý. Những lập luận này được các luật sư đi sâu vào phân tích để "phản pháo" và chỉ ra những thiếu sót trong quá trình thẩm định giá để cơ quan điều tra xác định thiệt hại trong vụ án. Theo các luật sư, khi định giá sản phẩm trong vụ án này, tổ giám định đã không căn cứ vào Nghị định 26 ngày 2-3-2005 quy định về việc giám định thiệt hại phải tiến hành ở thời điểm nơi xảy ra vụ án mà chỉ căn cứ vào những hàng hóa do cơ quan điều tra đưa ra là không đúng. Việc lấy giá chung ở thị trường TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội để xác định giá bán sản phẩm ở bưu điện các tỉnh như Phú Yên, Bình Định... cũng không hợp lý vì còn phải cộng vào các chi phí di chuyển, ăn ở, tiền thuế... Đặc biệt, thời điểm bán sản phẩm cho các bưu điện diễn ra nhiều năm từ 1999-2004 nhưng chỉ tính một giá cho sản phẩm là không hợp lý. Với các sản phẩm là phù điêu, cơ quan thẩm định giá lại căn cứ vào giá thành làm ra sản phẩm mà không xét đến yếu tố quảng cáo, trang trí và đặc biệt là phần sáng tạo "trí tuệ" thì chưa ổn. Căn cứ pháp lý mà tổ thẩm định dựa vào chỉ áp dụng cho loại hàng hóa thuộc danh mục Nhà nước quản lý giá, trong khi những sản phẩm Thái bán nằm ngoài danh mục này...

Tạ Nguyên - Thế Phiệt

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều