Báo Đồng Nai điện tử
En

Tai nạn giao thông có giảm nhưng vẫn còn lo!

09:04, 11/04/2008

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, trong quý I-2008, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn Đồng Nai đã giảm về số vụ lẫn số người chết và bị thương (giảm 39% số vụ, 36% số người chết, 43% số người bị thương nặng). Đây là kết quả đáng mừng, tuy nhiên trên một số địa bàn, tuyến đường, an toàn giao thông vẫn còn tiềm ẩn những mối lo.

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, trong quý I-2008, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn Đồng Nai đã giảm về số vụ lẫn số người chết và bị thương (giảm 39% số vụ, 36% số người chết, 43% số người bị thương nặng). Đây là kết quả đáng mừng, tuy nhiên trên một số địa bàn, tuyến đường, an toàn giao thông vẫn còn tiềm ẩn những mối lo.

 

Quốc lộ 20 có mặt đường hẹp, không bảo đảm ATGT nhưng đến nay vẫn chưa được nâng cấp mở rộng.

Ông Nguyễn Văn Điệp, Giám đốc Sở Giao thông - vận tải, Phó trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh băn khoăn với tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) gia tăng cá biệt ở huyện Xuân Lộc. Mặc dù hiệu quả của việc giảm TNGT qua các đoạn đường trên quốc lộ 1A được lắp dải phân cách (DPC) trụ nhựa dẻo ở tim đường đã thấy rõ, nhưng trên địa bàn huyện Xuân Lộc vẫn còn nhiều đoạn chưa được lắp DPC (chưa đạt đủ kích thước bề ngang mặt đường theo quy định của Cục đường bộ VN). Do vậy, TNGT giữa các phương tiện giao thông vẫn có điều kiện xảy ra ở các đoạn đường này, làm cho Xuân Lộc vẫn bị tăng TNGT so với các huyện khác trên quốc lộ 1A đã được lắp tương đối đủ DPC. Đây là điều nằm ngoài khả năng quyết định của tỉnh, dù UBND tỉnh Đồng Nai sẵn sàng ứng kinh phí lắp đặt DPC trên toàn tuyến quốc lộ 1A qua địa bàn. Khu quản lý Đường bộ 7 cũng ủng hộ chủ trương này của tỉnh, nhưng do bị vướng quy định của Cục quản lý đường bộ VN nên vẫn còn một số đoạn chưa lắp đặt được DPC. Và do vậy, Xuân Lộc vẫn còn có thể bị gia tăng TNGT khi vẫn còn nhiều đoạn quốc lộ chưa có DPC.

Điều băn khoăn khác được nhiều người quan tâm và cũng nằm ngoài khả năng quyết định của tỉnh, đó là tình trạng xuống cấp và mất an toàn trên quốc lộ 20. Ông Phạm Văn Dung, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, Trưởng Ban ATGT huyện cho biết, mặt đường quốc lộ 20 quá hẹp lại xuống cấp nên gây nhiều nguy hiểm khi lưu thông. Chẳng hạn hiện nay, chỉ có phần đường dành cho ô tô còn tương đối tốt, do vậy các loại xe hai bánh chen chúc nhau chạy ra phần đường này nên rất dễ xảy ra TNGT. Đáng sợ nhất là tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu của các loại xe, nhất là xe tải ben. Chủ tịch UBND huyện Định Quán, ông Phạm Quí Ngọc cũng có nhận định giống như trên. Ông Ngọc cho biết, TNGT trên quốc lộ 20 thường xảy ra nhiều vào thời điểm từ 20 giờ đến sáng. Cũng trong thời gian này, các loại xe tải chở rau, chở quặng từ tỉnh Lâm Đồng về phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá tải... càng làm cho đường sá mau xuống cấp và nguy hiểm. Dù đường sá xuống cấp như vậy nhưng lại chỉ được đơn vị quản lý (cấp trung ương) sửa chữa, dặm vá sơ sài làm mặt đường càng mau xuống cấp hơn. Theo Giám đốc Sở Giao thông - vận tải Nguyễn Văn Điệp, trong khi chờ được xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (khoảng 19.000 tỷ đồng) thì quốc lộ 20 cũng cần phải được nâng cấp, mở rộng để đáp ứng lưu lượng giao thông ngày càng gia tăng bởi hoạt động giao thương, du lịch từ các tỉnh phía Nam và Đồng Nai với tỉnh Lâm Đồng.

Bên cạnh nỗi lo về đường sá, xe cộ lưu thông gây nguy hiểm, còn có những nỗi lo về những phát sinh sau khi thực hiện các biện pháp ATGT. Chẳng hạn sau khi áp dụng quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) đối với người đi mô tô, xe máy thì phát sinh nhiều người sắm xe đạp điện để khỏi đội MBH. Hiện nay số lượng người đi xe đạp điện (thực chất là xe máy điện) ngày càng gia tăng. Tốc độ xe đạp điện cũng khá cao (30 đến 40km/giờ) nên sẽ gây nguy hiểm nếu xảy ra TNGT. Do vậy cũng cần nên quy định đội MBH với đối tượng này.

Nhiều tuyến đường nội bộ các khu công nghiệp trong tỉnh làm gờ giảm tốc không theo quy định nào. Có nơi làm gờ giảm tốc quá cao có thể gây ra TNGT. Công nhân ở các khu công nghiệp vào giờ tan ca túa ra đường đi bộ không theo một luật lệ nào. Ngay cả công nhân đi mô tô, xe máy cũng bất chấp Luật Giao thông. Đây là giới lao động nhập cư từ các miền quê nên ý thức chấp hành Luật Giao thông không tốt, do vậy cần phải tăng cường tuyên truyền phổ biến Luật Giao thông cho công nhân ở các khu công nghiệp.

Tình hình chấp hành đội MBH chỉ được thực hiện tốt ở đô thị, ở các vùng nông thôn đã tái diễn tình trạng nhiều người không đội MBH khi đi mô tô, xe máy. Sắp tới Công an tỉnh sẽ có cao điểm xử phạt vi phạm này. Quốc lộ 15 từ vòng xoay Tam Hòa đến giáp quốc lộ 51 có mật độ dân nhập cư tham gia lao động ở khu công nghiệp Biên Hòa II ngày càng gia tăng. Do vậy, mật độ người và phương tiện tham gia giao thông ở đây ngày càng cao. Cần thiết phải tăng cường hơn nữa lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông và hệ thống đèn đường, biển báo... mới mong bảo đảm ATGT trên tuyến quốc lộ này. Để giữ vững kết quả kéo giảm TNGT ở Đồng Nai trong thời gian qua, thiết nghĩ các vấn đề tồn tại nêu trên cần sớm được khắc phục.

Thanh Toàn

 

Tin xem nhiều