Báo Đồng Nai điện tử
En

Phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái:
luật sư tiếp tục đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự đối với lãnh đạo các bưu điện được miễn tố

09:04, 25/04/2008

Sáng 25-4, ngày thứ 10 phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái tiếp tục phần tranh tụng. Bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo thuộc nhóm tội "Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng", các luật sư cho rằng, cáo buộc của Viện KSND đối với các bị cáo nguyên là lãnh đạo trong ngành bưu điện là không thỏa đáng.

Quang cảnh phiên tòa ngày 24-4-2008.

Sáng 25-4, ngày thứ 10 phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái tiếp tục phần tranh tụng. Bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo thuộc nhóm tội "Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng", các luật sư cho rằng, cáo buộc của Viện KSND đối với các bị cáo nguyên là lãnh đạo trong ngành bưu điện là không thỏa đáng. Luật sư Bùi Quang Nghiêm đặt vấn đề: Điều không công bằng và bất hợp lý ở chỗ, từ năm 1999 đến năm 2005, cả 38 bưu điện trên cả nước đều có những vi phạm khi hợp đồng mua bán vật tư, thiết bị của "tập đoàn" CIP của Nguyễn Lâm Thái - kể cả hình thức giao dịch, giá cả đều giống nhau. Thế nhưng, chỉ có 33 cán bộ lãnh đạo của 12 đơn vị bưu điện bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật sư Nghiêm cũng cho rằng, vì chứng cứ quy kết các bị cáo phạm tội còn mỏng, không thuyết phục nên đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung, như vậy là trái luật (mặc dù thực tế nhiều phiên tòa vẫn diễn ra việc này), thay vào đó, Hội đồng xét xử ĐN yêu cầu cơ quan tố tụng xác định chính xác mức độ thiệt hại thì mới xử lý đúng người, đúng tội được.

Cùng quan điểm với luật sư Nghiêm, các luật sư Phan Trung Hoài, Bùi Văn Thấm, Nguyễn Minh Tâm đề nghị việc truy tố, xử lý hình sự đối với nguyên giám đốc 38 bưu điện trong cả nước phải được thực hiện một cách công tâm. Luật sư Hoài thắc mắc, theo quy định, với mức vi phạm từ 100 triệu đồng trở lên phải bị áp dụng về mặt hình sự. Trong khi đó, cơ quan điều tra lại quyết định, 26 lãnh đạo bưu điện đã khắc phục toàn bộ thiệt hại, có thái độ thành khẩn nên được khoan hồng. Thực tế, 12 lãnh đạo bưu điện hiện là bị cáo đang phải đối mặt với tù tội cũng đã bỏ tiền túi ra khắc phục thiệt hại như VNPT chỉ đạo. Vì vậy, sẽ là thiếu sót và sẽ dẫn tới tình trạng bỏ lọt người, lọt tội, nếu HĐXX không quan tâm tới vấn đề này, chắc chắn các bị cáo sẽ không "tâm phục, khẩu phục". Riêng các luật sư Trương Thị Hòa và Nguyễn Hồng Bách lập luận, cơ sở, chứng cứ để quy kết các bị cáo nói chung và thân chủ của luật sư nói riêng về tội "cố ý làm trái" không rõ ràng. Luật sư dẫn chứng, các bị cáo khi phạm tội trong hoàn cảnh khách quan, họ bị tác động trong việc thực hiện quy chế đấu thầu, thẩm định giá; các bị cáo không hề biết rõ hành vi mua sắm thiết bị vật tư của Nguyễn Lâm Thái đã gây hậu quả nghiêm trọng...

Nguyễn Lâm Thái trong phần tự bào chữa.

Trước đó, trong ngày 24-4, bào chữa cho Nguyễn Lâm Thái, hai luật sư Nguyễn Đăng Quang và Trịnh Anh Dũng cho rằng, bị cáo Thái bị Viện KSND cáo buộc tội danh lừa đảo là không có cơ sở. Theo luật sư, hành vi của Thái và đồng phạm thực tế chỉ là lừa dối, một tội danh độc lập mà Bộ luật Hình sự quy định. Bởi, quá trình làm ăn, việc các bưu điện mua thiết bị của "tập đoàn" CIP là sự tự nguyện trên cơ sở thỏa thuận của hai bên. Việc Thái bán giá các mặt hàng cao hơn thị trường có sự thỏa thuận và đồng tình của cơ quan thẩm định giá - nếu có sai (giá cao) thì có phần trách nhiệm của đơn vị thẩm định (Trung tâm thẩm định giá Bộ Tài chính). Trong  phần tự bào chữa, Nguyễn Lâm Thái bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc mà Viện KSND đã luận tội, nhất là bản cáo trạng của Viện KSND tối cao sai cả "chất" lẫn "lượng". Theo bị cáo Thái, cơ quan điều tra đã hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế của "tập đoàn" CIP, vì cho đến hôm nay, không có ai kiện ai. Điểm đáng chú ý khi Thái đặt câu hỏi là, vì sao chỉ có lãnh đạo 12 bưu điện bị truy tố, còn những bưu điện khác lại được miễn, dù tất cả đều có những hành vi sai phạm như nhau...

T.N

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích