Báo Đồng Nai điện tử
En

Phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái:
Cán bộ bưu điện Bình Định - nhận tiền nhưng không tư lợi (!?)

10:04, 16/04/2008

Ngày 16-4, phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái tiếp tục ngày làm việc thứ năm với phần xét hỏi các bị cáo nguyên là cán bộ lãnh đạo bưu điện các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Cần Thơ. Một lần nữa, các bị cáo lại tỏ ý thắc mắc về cách tính thiệt hại trong vụ án mà cơ quan điều tra căn cứ từ cơ quan thẩm định giá đã đưa ra.

Ngày 16-4, phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái tiếp tục ngày làm việc thứ năm với phần xét hỏi các bị cáo nguyên là cán bộ lãnh đạo bưu điện các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Cần Thơ. Một lần nữa, các bị cáo lại tỏ ý thắc mắc về cách tính thiệt hại trong vụ án mà cơ quan điều tra căn cứ từ cơ quan thẩm định giá đã đưa ra.

 

Bị cáo Nguyễn Văn Thịnh

* Không cố ý làm trái (!?)

 

Theo cáo trạng truy tố, Bưu điện Bình định đã ký 23 hợp đồng kinh tế với các công ty con của Nguyễn Lâm Thái để mua bán các loại vật tư, thiết bị trị giá hơn 6,2 tỷ đồng. Quá trình thực hiện hợp đồng, các cá nhân nguyên là cán bộ lãnh đạo Bưu điện tỉnh Bình Định đã làm trái các quy định của Nhà nước về quy chế quản lý đầu tư, xây dựng, mua sắm thiết bị, vật tư; quy chế đấu thầu... gây thiệt hại tài sản của Nhà nước hơn 4,8 tỷ đồng. Bưu điện Phú Yên ký 13 hợp đồng với Nguyễn Lâm Thái gây thiệt hại hơn 2,8 tỷ đồng; Bưu điện Cần Thơ ký 11 hợp đồng gây thiệt hại hơn 2,2 tỷ đồng.

Tại tòa, các bị cáo thuộc bưu điện 3 tỉnh đều nói việc bị truy tố về hành vi cố ý làm trái theo khoản 3 là quá nặng. Bởi họ không cố ý làm trái mà chỉ sai sót về thủ tục hành chính, hoặc do chỉ đạo từ cấp trên (các bị cáo không là giám đốc), họ không hợp thức hóa hồ sơ như các bưu điện khác khi ký hợp đồng với Nguyễn Lâm Thái. Các bị cáo khẳng định, do không biết nên để xảy ra sự việc. Nếu biết là sai họ đã không cố ý làm trái pháp luật bởi nhiều người trong số họ có thành tích trong chiến đấu bảo vệ đất nước, trong lao động và được khen thưởng rất nhiều... Bị cáo Nguyễn Văn Thịnh (nguyên giám đốc Bưu điện Bình Định) khai, quá trình ký hợp đồng có xem xét thư chào hàng những thiết bị, vật tư cùng loại của nhiều doanh nghiệp, nhưng: "Đây là sản phẩm chuyên dụng, thời điểm này thị trường ở Bình Định không có bán, không có nguồn nào khác ngoài hàng của Nguyễn Lâm Thái". Mặt khác, với sự tin tưởng vào văn bản thẩm định giá của Trung tâm thẩm định giá Bộ Tài chính mà Thái đưa nên các bưu điện tin tưởng mua hàng. Bị cáo Lê Thanh Hùng (nguyên phó giám đốc Bưu điện Bình Định) trình bày: "Theo quy định từ năm 1999 về trước, Bưu điện tỉnh được phép ký những hợp đồng mua sắm trang thiết bị có giá dưới 500 triệu đồng. Cuối năm 1999 có quy định mới nhưng chưa có thông tư hướng dẫn nên khi thực hiện đầu tư, mua sắm trang thiết bị gặp khó khăn. Từ đó có một số hợp đồng thực hiện chưa đầy đủ với các quy định sau này". Như các bị cáo khác, ông Hùng cho rằng cơ quan chức năng tính số thiệt hại từ việc mua bán vật tư, thiết bị quá lớn là chưa chính xác mà phải tính bằng: "Tổng giá trị trong hợp đồng trừ cho giá thiết bị được giám định cộng với chi phí vận chuyển, lắp đặt, thuế VAT...". Bị cáo Hùng khai, khi được tại ngoại đã lên mạng Internet tìm hiểu về giá các thiết bị vật tư cùng loại của nhiều hãng thì thấy giá mua hàng của Thái thời điểm xảy ra vụ án không chênh lệch lắm. Cùng với ý kiến này, nguyên giám đốc Bưu điện Phú Yên, Phạm Hồng Khanh đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại số thiệt hại trong vụ án bởi: "Nó là mấu chốt quan trọng, ảnh hưởng đến rất nhiều bị cáo trong vụ án".

 

* Nhận tiền nhưng không tư lợi (!?)

 

Về những sai phạm khi ký hợp đồng kinh tế với Thái, đa số bị cáo các bưu điện đều cho rằng mình không có mục đích vụ lợi cá nhân. Riêng Bưu điện Bình Định lại có 3 bị cáo nhận tiền của Thái. Tại tòa, bị cáo Thịnh thừa nhận 2 lần nhận phong bì tổng cộng 15 triệu đồng: "Lúc đang làm việc thì Nguyễn Lâm Thái đưa phong bì, không biết là gì bên trong, sau giờ làm việc mở ra coi mới biết đó là tiền". Tương tự, kế toán trưởng Nguyễn Văn Bằng nhận 15 triệu đồng, phó phòng kế hoạch Đinh Công Bửu nhận 3 triệu đồng bồi dưỡng của Nguyễn Lâm Thái, nhưng tất cả nói không vì mục đích vụ lợi cá nhân trong quá trình ký kết, thanh toán hợp đồng mua sắm thiết bị với Thái (!?). Khi được tòa hỏi về việc đưa tiền bồi dưỡng cho các quan chức bưu điện, Thái nói: "Nếu nói không có thì không có khối óc, mà nếu nói có thì không có trái tim. Chi tiết cụ thể do lâu quá em không nhớ". Giám đốc Bưu điện Cần Thơ Ngô Quang Thạch cho biết: "Quá trình giao dịch, Thái có để quên một phong bì 30 triệu đồng trên bàn làm việc. Tôi đã mời các Phòng Tài chính, Kế hoạch đến lập biên bản và trả lại Thái số tiền này". Tòa hỏi Thái: "Có hay để quên phong bì như vậy không?". "Con người ai không một lần bị quên", Thái ngông nghênh trả lời.

 

 Từ trái qua: Các bị cáo Lê Thanh Hùng, Phạm Hồng Khanh, Nguyễn Văn Hoàng và Ngô Quang Thạch tại phiên tòa

 

Đối với việc nộp tiền khắc phục hậu quả, các bị cáo đều khai: "Do có văn bản chỉ đạo của Tổng công ty bưu chính viễn thông cũng như quá trình điều tra, cơ quan điều tra cho biết "cấp trên" chỉ đạo khắc phục hậu quả sớm sẽ xem xét xử lý hành chính hoặc đình chỉ điều tra nên chạy tiền để nộp".

Hôm nay (17-4), tòa sẽ tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo nguyên là cán bộ lãnh đạo bưu điện tỉnh Cà Mau, Đồng Nai.

Phạm Mai

 

Tin xem nhiều