Ngày 14-4, phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái tiếp tục ngày làm việc thứ tư. Nếu trước đó, các bị cáo thuộc nhóm tội: "Làm, tàng trữ, lưu hành các giấy tờ có giá giả" và "Thiếu trách nhiệm..." thừa nhận hành vi sai phạm của mình, thì các bị cáo thuộc nhóm tội "Cố ý làm trái...", nguyên là cán bộ Bưu điện các tỉnh lại đùn đẩy trách nhiệm.
Ngày 14-4, phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái tiếp tục ngày làm việc thứ tư. Nếu trước đó, các bị cáo thuộc nhóm tội: "Làm, tàng trữ, lưu hành các giấy tờ có giá giả" và "Thiếu trách nhiệm..." thừa nhận hành vi sai phạm của mình, thì các bị cáo thuộc nhóm tội "Cố ý làm trái...", nguyên là cán bộ Bưu điện các tỉnh lại đùn đẩy trách nhiệm.
* Nhận tội nhưng đùn đẩy trách nhiệm
Phiên tòa xét xử chiều ngày 14-4 đã chuyển sang phần thẩm vấn các bị cáo thuộc nhóm tội "Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Được thẩm vấn trước là các bị cáo thuộc bưu điện hai tỉnh An Giang và Ninh Thuận, nơi bị thiệt hại nhiều nhất từ việc mua bán vật tư, thiết bị sai quy định với Nguyễn Lâm Thái. Được biết, trong quá trình ký hợp đồng mua vật tư, thiết bị, các ông Phan Thanh Xiếu, Bùi Trọng Khái, Đào Phú Mỹ, Võ Hữu Thanh (nguyên cán bộ, lãnh đạo Bưu điện An Giang); Nguyễn Hoàng Nhân, Nguyễn Thái Hòa Bình, Nguyễn Duy Lẩu, Đỗ Chí Thiện, Lê Hoài Chương (nguyên cán bộ, lãnh đạo Bưu điện Ninh Thuận)... đã không thực hiện đúng các quy định về quản lý đầu tư xây dựng và quy chế đấu thầu; không tổ chức đấu thầu, chào hàng cạnh tranh và không tổ chức họp xét thầu. Việc bàn giao nghiệm thu và thanh lý hợp đồng cũng không thực hiện đúng quy định của pháp luật... Hậu quả, Bưu điện An Giang ký với Nguyễn Lâm Thái 30 hợp đồng mua thiết bị được nâng khống, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 10 tỷ đồng. Bưu điện Ninh Thuận ký 19 hợp đồng, gây thiệt hại hơn 4,8 tỷ đồng. Thừa nhận hành vi sai phạm nhưng các bị cáo nguyên là cán bộ ngành bưu điện An Giang đổ trách nhiệm làm theo sự chỉ đạo của Giám đốc Phan Thanh Xiếu (đã chết, nên cơ quan chức năng không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự). Tương tự, tại Bưu điện Ninh Thuận, từ trưởng - phó phòng nghiệp vụ đến phó giám đốc đều cho rằng việc làm sai là do có sự chỉ đạo của giám đốc Nguyễn Hoàng Nhân. Trong khi đó, giám đốc Nhân lại cho rằng mình làm sai là do có sự chỉ đạo miệng của lãnh đạo VNPT bảo mua hàng của Nguyễn Lâm Thái. Tại tòa, ông Nhân tỏ ra bức xúc. Cùng hành vi sai phạm như ông còn có các cán bộ bưu điện của 38 tỉnh, thành nhưng chỉ có 33 cán bộ của 13 bưu điện tỉnh bị truy tố. Ông đề nghị được xem xét xử lý hành chính để có cơ hội rút kinh nghiệm, sửa chữa sai lầm bởi ông phạm tội không vì mục đích vụ lợi. Những cán bộ ở hai bưu điện này cũng tỏ ý thắc mắc về con số thiệt hại quá lớn mà cơ quan điều tra đưa ra trong các hợp đồng mua bán thiết bị, vật tư với Nguyễn Lâm Thái.
* Các giám đốc mua bán hóa đơn GTGT nhận tội
Trước đó, trong buổi sáng 14-4, Hội đồng xét xử thẩm vấn các bị cáo thuộc nhóm tội "Làm, tàng trữ, lưu hành các giấy tờ có giá giả" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Tuy cho rằng bị truy tố với mức hình phạt khá nặng nhưng các bị cáo ở hai nhóm tội này đều nhận tội. Theo đó, Nguyễn Lâm Thái sử dụng pháp nhân của các công ty con do Thái thành lập để bán vật tư, thiết bị với số lượng và trị giá lớn cho nhiều bưu điện trong cả nước. Do các loại thiết bị không rõ xuất xứ, có giá thấp nên để phù hợp với hóa đơn đầu ra xuất bán cho Bưu điện có giá được nâng khống cao nhiều lần, Thái đã mua hóa đơn khống của Lê Thanh Hùng và Nguyễn Tiến Dũng để kê khai đầu vào với giá từ 3%-3,5% tổng giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn. Qua đó, Thái cũng trốn thuế hơn 3,2 tỷ đồng.
Tại tòa, Hùng thừa nhận đã thành lập 4 Công ty TNHH để mua bán hóa đơn GTGT. Sau đó, Hùng bán 78 hóa đơn GTGT liên 2 khống với tổng số tiền hàng ghi trên hóa đơn hơn 34 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhận tội nhưng Hùng cho rằng mình chỉ phạm tội trốn thuế do mua bán hóa đơn chứ không biết mình phạm tội "Làm, tàng trữ, lưu hành các giấy tờ có giá giả". Trong sai phạm của Hùng, còn có sự tạo điều kiện của bị cáo Trương Hồng Khoa - nguyên cán bộ Chi cục thuế quận Đống Đa (Hà Nội). Dù Hùng thành lập nhiều công ty tại cùng một địa chỉ nhưng Khoa không kiểm tra, xác minh thực tế địa điểm hoạt động kinh doanh mà vẫn xác nhận và đề xuất lãnh đạo Chi cục thuế quận bán hóa đơn lần đầu cho các công ty của Hùng. Khi đã mua được hóa đơn của Chi cục thuế, Hùng bán hóa đơn cho nhiều cá nhân để thu lợi bất chính hơn 1 tỷ đồng. Tương tự, Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Việt Thông đã thừa nhận bán cho Nguyễn Lâm Thái 3 hóa đơn GTGT khống liên 2 với tổng số tiền ghi trên hóa đơn hơn 2,7 tỷ đồng, thu lợi 83 triệu đồng.
Đối với Nguyễn Văn Thức (nguyên giám đốc), Nguyễn Thị Tuyết Lan (nguyên cán bộ Trung tâm thẩm định giá, thuộc Bộ Tài Chính), những người bị truy tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tại tòa, bị cáo Thức và Lan thừa nhận, dù không có hợp đồng, không thực hiện việc thẩm định giá theo quy định mà chỉ căn cứ vào các công văn và một số báo giá gửi kèm của các công ty con của Thái để ban hành nhiều văn bản thẩm định giá, thông báo giá bán trên thị trường của các loại thiết bị, vật tư bưu điện để gửi cho các công ty con của Thái. Thái lợi dụng văn bản này để làm bản tham khảo giá khi bán, khiến các Bưu điện phải mua hàng cao hơn giá thị trường (chênh lệch hơn 19 tỷ đồng). Hai bị cáo Thức và Lan thừa nhận hành vi thiếu trách nhiệm nhưng cho rằng không vì vụ lợi cá nhân, không biết mục đích lừa đảo của Thái và chỉ nghĩ các công ty này muốn làm thẩm định giá để "mua các thiết bị camera quan sát, trang trí cơ quan cho hoành tráng", chứ không ngờ...
Phiên tòa sẽ tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo thuộc nhóm tội "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" gồm các nguyên giám đốc, phó giám đốc, trưởng - phó phòng nghiệp vụ bưu điện các tỉnh vào ngày thứ tư 16-4-2008.
Phạm Mai