Báo Đồng Nai điện tử
En

Phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái:
Các bị cáo nguyên lãnh đạo bưu điện thống nhất lời khai

11:04, 18/04/2008

Liên quan đến vụ án Nguyễn Lâm Thái, có 33 bị cáo nguyên cán bộ lãnh đạo bưu điện 12 tỉnh bị truy tố về hành vi "Cố ý làm trái". Qua 4 ngày thẩm vấn, các bị cáo dần đi đến sự thống nhất trong lời khai nhằm tìm luận điểm làm giảm nhẹ (thậm chí là trốn tránh) hành vi sai phạm.

Liên quan đến vụ án Nguyễn Lâm Thái, có 33 bị cáo nguyên cán bộ lãnh đạo bưu điện 12 tỉnh bị truy tố về hành vi "Cố ý làm trái". Qua 4 ngày thẩm vấn, các bị cáo dần đi đến sự thống nhất trong lời khai nhằm tìm luận điểm làm giảm nhẹ (thậm chí là trốn tránh) hành vi sai phạm.

Từ trái qua: các bị cáo Nguyễn Trường Canh, Ngô Quang Thạch, Phạm Minh Quang

Những luận điểm, chứng cứ được "vin" vào để giải thích như: Không biết các công ty con đến chào hàng đều do Thái điều khiển; các văn bản của Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) chỉ đạo mua thiết bị, vật tư để đảm bảo hệ thống an ninh, quảng bá hình ảnh... nhân dịp SEA Games tổ chức ở Việt Nam; rồi việc Thái khoe quen biết nhiều lãnh đạo cao cấp trên catalogue quảng cáo, những ảnh chụp chung, những cú điện thoại... vô tình trở thành thứ "quyền lực ảo" khiến nhiều người phải mua hàng, như lời bị cáo Lê Quang Trung - nguyên giám đốc Bưu điện tỉnh Bạc Liêu: “Thái đến đề nghị mua hàng là thấy sợ, nhiều lần trốn Thái nhưng không được. Do sợ làm mất lòng Thái méc với các anh ở trên sinh ra phiền phức nên mới ký hợp đồng cho xong". Rồi, việc mua hàng của Thái không qua khảo sát giá, bởi đây là hàng chuyên dụng, thị trường địa phương không có và cũng vì tin tưởng vào bản thẩm định giá của Trung tâm thẩm định giá Bộ Tài chính với dấu mộc đỏ chói mà Thái trưng ra khi chào hàng.

Ngoài những lý do trên, một số bưu điện còn "xuất phát từ nhu cầu thực tế của cơ sở" như lời trình bày của bị cáo Phạm Chương - nguyên giám đốc Bưu điện Đồng Nai: "Xuất phát từ nhu cầu cần thiết của các đơn vị cơ sở cũng như văn bản chỉ đạo của VNPT đóng dấu hỏa tốc, văn bản thẩm định giá của Trung tâm thẩm định giá và nhu cầu khuếch trương hình ảnh đơn vị ở khu vực kinh tế năng động...”. Tất cả đều cho rằng mình chỉ sai sót chứ không cố ý làm trái, bởi đa số không tư lợi cá nhân (dù một số người khai có nhận tiền của Thái), như bị cáo Tạ Quang Vĩnh (nguyên trưởng phòng Kế hoạch Bưu điện Đồng Nai) giải thích:“Việc ký kết hợp đồng có thủ tục hồ sơ, giao nhận hàng, thanh lý, quyết toán đầy đủ nên lúc đó nghĩ mình làm đúng. Đến khi cơ quan điều tra phân tích, chỉ ra những sai sót thì mới biết mình làm sai...". Đặc biệt, vấn đề được tất cả các cựu quan chức bưu điện (kể cả những người được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự) nhắc đến nhiều lần, với thái độ bức xúc là phương pháp tính thiệt hại trong vụ án không khoa học, thiếu thuyết phục của các giám định viên và cơ quan điều tra khiến số thiệt hại quá lớn. Bị cáo Phạm Hồng Khanh (nguyên giám đốc Bưu điện Phú Yên) và các bị cáo khác đã đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại số tiền thiệt hại trong vụ án bởi "nó là mấu chốt quan trọng, ảnh hưởng đến rất nhiều bị cáo trong vụ án". Với những lý lẽ này, cả 33 bị cáo đã đồng đứng tên làm đơn gởi đến hội đồng xét xử xin cứu xét được miễn trách nhiệm hình sự.

Từ trái qua: các bị cáo Nguyễn Văn Vinh, Lê Quang Trung, Lâm Minh Thúy, Dương Văn Thuần

Luôn tìm cách làm giảm tội là điều dĩ nhiên đối với mọi bị cáo. Nhưng điều quan trọng mà các quan chức bưu điện không muốn nhắc đến là tất cả đều sai phạm trong quy chế đầu tư, đấu thầu... khi ký hợp đồng với Nguyễn Lâm Thái gây thiệt hại cho nhà nước hơn 37 tỷ đồng. Đây cũng là mấu chốt của vụ án. Mặt khác, họ nói không biết các công ty con đến chào hàng đều do Thái điều khiển, nhưng các công ty này có cùng địa chỉ hoạt động rõ ràng là một dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, nỗi băn khoăn của các bị cáo tại phiên tòa khiến mọi người phải suy ngẫm khi: "Cùng hành vi sai phạm có bưu điện 38 tỉnh nhưng chỉ có 33 cán bộ bưu điện 12 tỉnh bị truy cứu trách nhiệm hình sự, số còn lại chỉ xử lý hành chính"...

Phạm Mai

 

Tin xem nhiều