Báo Đồng Nai điện tử
En

Phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái: Các bị cáo nguyên cán bộ bưu điện chỉ thiếu trách nhiệm… (!?)

03:04, 29/04/2008

Phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái ngày 29-4 tiếp tục phần bào chữa của những bị cáo nguyên lãnh đạo bưu điện các tỉnh: Đồng Nai, An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Bình Định và Phú Yên.

Phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái ngày 29-4 tiếp tục phần bào chữa của những bị cáo nguyên lãnh đạo bưu điện các tỉnh: Đồng Nai, An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Bình Định và Phú Yên. Như các bị cáo nguyên cán bộ bưu điện khác, lời luật sư bào chữa cùng phần tự bào chữa của các bị cáo này tiếp tục nêu ra những lý lẽ biện minh cho hành vi sai phạm là không cố ý, không vụ lợi, không biết việc mình làm là sai phạm đến khi được cơ quan điều tra giải thích… Tất cả đều cho rằng bị truy tố hành vi cố ý làm trái là quá nặng mà lẽ ra cơ quan chức năng chỉ nên truy cứu hành vi "thiếu tinh thần trách nhiệm"… như lời luật sư  Bùi Quang Nghiêm bào chữa cho bị cáo Phạm Chương, nguyên giám đốc Bưu điện Đồng Nai. Theo luật sư Nghiêm, nguyên nhân bị cáo Phạm Chương sai phạm chắc chắn có “sự mong muốn của VNPT rằng bưu điện các tỉnh nên hoặc phải ký hợp đồng mua vật tư, thiết bị của Nguyễn Lâm Thái. Đó là yếu tố quyết định khi bị cáo đặt bút ký hợp đồng…”. Luật sư Nghiêm còn viện dẫn: “Giai đoạn 1999-2005, Bưu điện Đồng Nai được VNPT cho phép đầu tư mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng để phát triển, mở rộng mạng lưới bưu điện huyện, tỉnh. 2 tỷ đồng thiệt hại trong các hợp đồng với Nguyễn Lâm Thái chỉ là con số rất nhỏ so với số vốn đầu tư. Trong khi cả ngàn tỷ đồng đầu tư làm đúng, chỉ có 2 tỷ đồng làm sai thì có phải là lỗi cố ý (!?).”…

Để làm rõ phần giám định thiệt hại, Hội đồng xét xử lại cho mời ông Dương Văn Hòa - Tổ trưởng tổ giám định tư pháp giải thích thêm về cách tính toán giá trị thiết bị, vật tư mà bưu điện các tỉnh mua của Nguyễn Lâm Thái trong giai đoạn 1999-2005. Tại tòa, ông Hòa khẳng định bảng giá mà các giám định viên đưa ra là lấy theo giá trung bình cao nhất của thiết bị, vật tư theo từng thời điểm, từng hợp đồng… Một lần nữa ông Hòa khẳng định tổ giám định là cơ quan chuyên môn, làm việc theo pháp luật quy định và chịu trách nhiệm về việc làm của mình trước pháp luật. Đồng thời, ông cũng lưu ý các luật sư trong phát biểu của mình cần cẩn trọng, tránh xúc phạm đến các giám định viên vốn là những người có nghiệp vụ chuyên môn trong lĩnh vực mình phụ trách.

Sau phần bào chữa của tất cả 46 bị cáo, phiên tòa tạm nghỉ đến ngày 5-5-2008 với phần tranh luận của vị đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa.

Phạm Mai

 

 

Tin xem nhiều