Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngày thứ hai xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái:
Nguyễn Lâm Thái chỉ thừa nhận tội trốn thuế!

06:04, 10/04/2008

Ngày 10-4, phiên tòa xét xử Nguyễn Lâm Thái tiếp tục sang ngày thứ hai. Sau khi dành trọn buổi sáng để đại diện Viện kiểm sát (VKS) công bố toàn bộ nội dung bản cáo trạng dài hơn 100 trang, phiên tòa buổi chiều chuyển sang phần thẩm vấn với nhiều tình tiết bất ngờ khá "nóng" từ những lời phản cung của bị cáo Nguyễn Lâm Thái.

>>Ngày đầu xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái

Ngày 10-4, phiên tòa xét xử Nguyễn Lâm Thái tiếp tục sang ngày thứ hai. Sau khi dành trọn buổi sáng để đại diện Viện kiểm sát (VKS) công bố toàn bộ nội dung bản cáo trạng dài hơn 100 trang, phiên tòa buổi chiều chuyển sang phần thẩm vấn với nhiều tình tiết bất ngờ khá "nóng" từ những lời phản cung của bị cáo Nguyễn Lâm Thái.

Nguyễn Lâm Thái trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử

Mở đầu phần thẩm vấn, Nguyễn Lâm Thái là bị cáo đầu tiên được tòa xét hỏi. Với thái độ tự tin, Nguyễn Lâm Thái đã nhiều lần cho rằng, cáo trạng mà Viện KSND tối cao truy tố cơ bản không đúng với thực tế. Với các tội danh: lừa đảo, làm giấy tờ có giá giả, trốn thuế mà Viện KSND Tối cao truy cứu, bị cáo Thái chỉ thừa nhận tội danh trốn thuế. Còn hai tội danh kia, Thái một mực kêu "oan" và viện dẫn: "Việc thành lập "Tập đoàn CIP" (Trung tâm Bưu chính viễn thông Thái Bình Dương) là do nhiều người làm hồ sơ thành lập, bị cáo không trực tiếp và không có quyền một mình điều hành tập đoàn này. Chính vì vậy, cáo trạng quy kết 3 tội danh trên là không có cơ sở". Tiến hành thẩm vấn đối với tội danh lừa đảo, Hội đồng xét xử (HĐXX) đi sâu vào việc thẩm vấn các thủ đoạn chia nhỏ, nâng khống giá thành và sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng để hợp thức hóa đầu vào vật tư, thiết bị khi bán cho các bưu điện hưởng tiền chênh lệch hơn 24 tỷ đồng. Tuy nhiên, Nguyễn Lâm Thái không thừa nhận hành vi nâng khống giá cao gấp nhiều lần giá trị thực để lừa đảo. Thái viện dẫn, hợp đồng mua bán thiết bị, vật tư với các bưu điện là có sự thống nhất giữa hai bên. Những người soạn thảo, thẩm định đều là những kỹ sư, thạc sỹ có trình độ, đủ khả năng chuyên môn để thẩm định. Theo Thái, nền kinh tế thị trường dựa trên cơ sở thuận mua vừa bán, nên việc giá cả hàng hóa như thế nào đều có sự thỏa thuận, thống nhất giữa hai bên. Giải trình lý do hàng hóa của CIP bán ra quá cao so với thực tế, Thái cho rằng ngoài giá trị bản thân hàng hóa, còn phải tính vào tất cả các chi phí như: Tiền vé máy bay cho nhân viên vào Nam ra Bắc giao dịch, tiền thuế, tiền ăn ở, chế độ bảo hiểm và cả những “chi phí đau khổ không nói lên được…”. Đặc biệt, Thái cho rằng, một trong những lý do giá hàng hóa Thái bán quá cao là do CIP có chế độ "siêu hậu mãi", đảm bảo hàng hóa vĩnh viễn, bất chấp mọi lý do, điều kiện. Nguyễn Lâm Thái ví von về hàng hóa của mình: “Giống như một lon bia, khi được bán ở chợ thì giá sẽ khác, nhưng khi đem vào khách sạn 5 sao thì sẽ sẽ khác". Hay: "Cùng việc thuê huấn luyện viên (HLV) cho đội tuyển bóng đá. Nếu thuê HLV nội giá vài triệu, nhưng khi thuê HLV ngoại thì giá đương nhiên phải cao hơn gấp nhiều lần…”. Đối với việc chia nhỏ hàng hóa thành nhiều chi tiết, Thái cho rằng chỉ nhằm để minh bạch, rõ ràng giúp các bưu điện dễ kiểm tra. Trong phần cuối các hóa đơn, chứng từ, Thái đều có ghi số tổng hàng hóa, giá cả nên không thể xem Thái có hành vi "xé nhỏ" hàng hóa để bán với giá cao. Thái dẫn chứng: "Có một hợp đồng mua bán thiết bị, vật tư với bưu điện Cần Thơ có giá trị 217 triệu đồng nhưng: “Tính thiệt hại đến 189 triệu đồng, cộng 21 triệu đồng tiền thuế, Thái lời chỉ có vài triệu đồng…”. Phần trả lời của Nguyễn Lâm Thái đã thực sự làm cho cả hội trường "nóng lên" với sự phản cung khi tòa cho rằng, có sự mâu thuẫn trong lời khai của Thái tại tòa với lời khai khi làm việc với cơ quan điều tra. Thái cho rằng, những gì mình khai tại cơ quan điều tra chỉ đúng 50%, bởi khi lấy lời khai, chỉ có Thái và một điều tra viên, còn lại chữ ký của ai đó Thái không biết! Thậm chí Thái bị ép cung trong quá trình điều tra, bị phạm nhân cùng phòng đánh đập đến sưng mắt trước sự chứng kiến của cán bộ điều tra. Do bị đánh đau nên bị cáo Thái nhận toàn bộ lỗi với mục đích khi ra tòa sẽ khai lại (!?). Tuy phủ nhận hành vi lừa đảo và làm giấy tờ có giá giả nhưng Thái thống nhất quan điểm truy tố của Viện kiểm sát về hành vi mua hóa đơn GTGT để hợp thức hóa đầu vào sản phẩm, nhằm trốn thuế hơn 3 tỷ đồng.

Nguyễn Lâm Thái được nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe tại tòa

Trong quá trình trả lời thẩm vấn, Nguyễn Lâm Thái có biểu hiện mệt mỏi, bị cáo xin được nghỉ để uống thuốc vì bị đau đầu. Trong 15 phút Nguyễn Lâm Thái được nghỉ, Tòa tiến hành thẩm vấn bị cáo Nguyễn Vi Thành, nguyên Phó giám đốc Công ty "con" Thương mại dịch vụ quảng cáo Sao Sáng. Theo cáo trạng, bị cáo Thành đã ký 17 hóa đơn giá trị gia tăng khống với tổng số tiền hàng hóa trên 3,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, bị cáo Thành không thừa nhận trực tiếp ký vào các hóa đơn và cho biết, mình chỉ là người phụ trách kỹ thuật, đi lắp đặt thiết bị mà Công ty Sao Sáng đã hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại điện tử Thăng Long. Không thừa nhận làm nhưng tự xét mình là Phó giám đốc công ty, được chia tỷ lệ tiền lãi 3,5% nên Thành thừa phần hành vi của mình gây ra thiệt hại.

Nguyễn Lâm Thái đưa hồ sơ giải trình việc bị cáo buộc nâng khống giá bán thiết bị, vật tư là không đúng

Theo kế hoạch, phiên tòa sẽ kết thúc vào hồi 16 giờ 30, nhưng do âm thanh tại phiên tòa thường xuyên bị trục trặc nên Chủ tọa phiên tòa quyết định dừng xét xử. Sáng mai, phiên tòa tiếp tục làm việc.

Tạ Nguyện – Phạm Mai

Tin xem nhiều