Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngày đầu xét xử vụ án NGUYỄN LÂM THÁI:
Luật sư đề nghị tạm hoãn phiên tòa vì bị cáo chính có dấu hiệu tâm thần

09:04, 09/04/2008

Vào lúc 8 giờ ngày 9-4-2008, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Lâm Thái (46 tuổi, ngụ tại số 5 Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ngoài sự có mặt đầy đủ của 46 bị cáo, đại diện nguyên đơn dân sự, nhân chứng và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, còn có rất đông phóng viên báo chí của trung ương và địa phương đến theo dõi và đưa tin về phiên tòa.

Vào lúc 8 giờ ngày 9-4-2008, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Lâm Thái (46 tuổi, ngụ tại số 5 Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ngoài sự có mặt đầy đủ của 46 bị cáo, đại diện nguyên đơn dân sự, nhân chứng và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, còn có rất đông phóng viên báo chí của trung ương và địa phương đến theo dõi và đưa tin về phiên tòa. 

 

Quang cảnh phiên tòa.

Nhằm phục vụ cho việc thông tin về phiên tòa, Tòa án tỉnh đã chuẩn bị một phòng riêng có truyền hình trực tiếp diễn biến phiên tòa để các nhà báo dễ dàng tác nghiệp. Trước giờ phiên tòa khai mạc, đại diện TAND tỉnh đã cử đại diện tiếp xúc với báo giới thông báo một số quy định, kế hoạch của phiên tòa. Theo đó, phiên tòa dự kiến diễn ra trong một tháng. Trong 3 ngày đầu, tòa sẽ dành trọn thời gian để thẩm vấn lý lịch của 46 bị cáo, các nhân chứng, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và đại diện nguyên đơn dân sự là Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam và 14 bưu điện tỉnh. Đầu tuần sau, tòa sẽ bước vào phần xét hỏi. Đối với báo giới, sau mỗi ngày xét xử, tòa sẽ cung cấp thông cáo báo chí liên quan đến phiên xử. Cuối ngày thứ sáu mỗi tuần tòa cũng sẽ họp báo khoảng một giờ để trả lời những câu hỏi của các nhà báo. Ngoài ra, các nhà báo có chất vấn hay đặt câu hỏi gì với Hội đồng xét xử liên quan đến phiên tòa sẽ gián tiếp chất vấn với Hội đồng xét xử thông qua hộp thư...

Đông đảo phóng viên báo chí trung ương, địa phương tác nghiệp tại tòa.

Hơn 9 giờ, Hội đồng xét xử tiến hành kiểm tra lý lịch tất cả các bị cáo, nhân chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và luật sư bào chữa cho các bị cáo. Dù bị truy tố nhiều tội danh với khung hình phạt đến tử hình nhưng Nguyễn Lâm Thái xuất hiện trước vành móng ngựa với dáng vẻ thư thái và điềm tĩnh khi trả lời những câu hỏi của hội đồng xét xử. Điều đó khiến mọi người dự khán hoàn toàn bất ngờ khi cuối giờ làm việc buổi sáng, luật sư bào chữa cho Nguyễn Lâm Thái cho biết thân chủ của mình có dấu hiệu bệnh tâm thần. Dù trước đó, cơ quan chức năng đã cho bị cáo Thái giám định tâm thần, kết quả hoàn toàn bình thường, đủ khả năng chịu trách nhiệm hình sự, nhưng vị luật sư này lại tỏ ý nghi ngờ tính chính xác của kết quả giám định và đề nghị tòa tạm hoãn để mời giám định viên đến tòa đối chất quá trình thực hiện giám định tâm thần đối với Nguyễn Lâm Thái. Ngoài ra, một luật sư lại đề nghị tòa xem xét lại tư cách hội thẩm nhân dân Nguyễn Thu Liễu, vì bà đang là luật sư tập sự... Tuy nhiên, đầu giờ làm việc buổi chiều, Hội đồng xét xử quyết định phiên tòa vẫn tiếp tục diễn ra bởi pháp luật không có điều khoản cấm luật sư đang tập sự được ngồi hội thẩm. Đối với ý kiến luật sư tỏ ra nghi ngờ kết quả giám định tâm thần Nguyễn Lâm Thái, Hội đồng xét xử cho rằng đây là cơ quan trung lập và họ sẽ chịu trách nhiệm về kết quả giám định của mình. Trong quá trình diễn ra phiên tòa, nếu thấy cần thiết Hội đồng xét xử sẽ cho mời đại diện cơ quan giám định pháp y tâm thần đến tòa để đối chất.

 

Nguyễn Lâm Thái trao đổi cùng đồng phạm trước giờ xét xử.

Tiếp đó, phiên tòa tiếp tục với phần công bố bản cáo trạng của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh (được ủy quyền của Viện kiểm sát tối cao) truy tố 46 bị cáo về các hành vi: "Lừa đảo", "Làm, tàng trữ, lưu hành các giấy tờ có giá giả", "Trốn thuế", "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Thiếu trách nhiệm...". Theo đó, từ năm 1999 đến năm 2005, Nguyễn Lâm Thái đóng vai trò cầm đầu và trực tiếp chỉ đạo "thuộc hạ"  thành lập 7 công ty TNHH, sau đó sử dụng các công ty con này để quan hệ, giao dịch, ký hợp đồng bán vật tư, thiết bị cho các bưu điện. Để đưa các bưu điện "sập bẫy" , Nguyễn Lâm Thái đã sử dụng pháp nhân của các công ty do mình lập ra mua hóa đơn GTGT khống hợp thức hóa thiết bị, vật tư là hàng trôi nổi trên thị trường; rồi tạo dựng, sửa chữa công văn của Tập đoàn Bưu chính - viễn thông Việt Nam và kết luận, trả lời về thẩm định giá của Trung tâm thẩm định giá Bộ Tài chính; sử dụng báo giá, hợp đồng đã ký với bưu điện khác để quan hệ, tạo lòng tin khi ký hợp đồng, chào bán hàng với Bưu điện các tỉnh. Bằng các thủ đoạn gian dối trên, Nguyễn Lâm Thái đã ký được 110 hợp đồng kinh tế với 26 Bưu điện các tỉnh để bán các loại vật tư, thiết bị có tổng trị giá là hơn 31 tỷ đồng, chiếm đoạt tổng cộng  hơn 24 tỷ đồng. Đồng thời, Thái đã chỉ đạo thuộc hạ mua 82 hóa đơn GTGT khống của Lê Thanh Hùng và Nguyễn Tiến Dũng để kê khai đầu vào nhằm trốn thuế tổng số tiền hơn 3,2 tỷ đồng.

Do nội dung bản cáo trạng khá dài (hơn 110 trang) nên dự kiến sẽ đến buổi chiều ngày 10-4, phiên tòa mới kết thúc nội dung công bố cáo trạng để chuyển sang phần thẩm vấn. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc về diễn biến của vụ án.

 

Ngoài bị cáo Nguyễn Lâm Thái bị truy tố về các hành vi: "Lừa đảo", "Làm, tàng trữ, lưu hành các giấy tờ có giá giả" và "Trốn thuế". Các giám đốc, kế toán công ty "con" của Thái gồm: Vũ Anh, Vũ Ngọc Hoan, Vũ Công Đại, Phạm Văn Tiến, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Vi Thành cũng bị truy tố về các hành vi "Lừa đảo" và "Trốn thuế". Riêng kế toán của Thái là Đặng Thị Thu Hà bị truy tố về tội "Trốn thuế". Hai giám đốc lập công ty mua bán hóa đơn GTGT gồm: Lê Thanh Hùng và Nguyễn Tiến Dũng bị truy tố về hành vi "Làm, tàng trữ, lưu hành các giấy tờ có giá giả".

Các bị cáo: Trương Hồng Khoa (cán bộ thuế quận Đống Đa, Hà Nội), Nguyễn Văn Thức, Nguyễn Thị Tuyết Lan (nguyên giám đốc và cán bộ Trung tâm thẩm định giá thuộc Bộ Tài chính) bị truy tố về hành vi: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đối với các cán bộ nguyên giám đốc, phó giám đốc, trưởng - phó phòng kế hoạch và tài chính bưu điện 14 tỉnh: Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Thái Hòa  Bình, Lê Hoài Chương, Đỗ Chí Thiện, Nguyễn Duy Lẩu, Nguyễn Hoàng Nhân, Bùi Trọng Khái, Đào Phú Mỹ, Võ Hữu Thanh, Nguyễn Văn Thịnh, Lê Thanh Hùng, Phạm Chương, Tạ Quang Vĩnh, Nguyễn Văn Kha, Phạm Xuân Cảnh, Nguyễn Văn Bằng, Đinh Công Bửu, Ngô Quang Thạch, Nguyễn Hữu Đức, Lê Quang Trung, Nguyễn Tứ Dũng, Phạm Hồng Khanh, Trần Văn Thịnh, Nguyễn Thị Bốn, Nguyễn Văn Hoàng, Lâm Minh Thủy, Dương Văn Thuần, Bùi Văn Minh, Nguyễn Thị Thu Quyên, Phạm Minh Quang, Lê Anh Hùng, Nguyễn Trường Canh và Nguyễn Thị Tuyết bị truy tố về hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Phạm Mai

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều