Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngày 9-4-2008: Khai mạc phiên tòa xét xử "tập đoàn" Nguyễn Lâm Thái

10:04, 07/04/2008

Ngày mai (9-4), Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa xét xử Nguyễn Lâm Thái về các tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Trốn thuế" và "Làm, tàng trữ, lưu hành các giấy tờ có giá giả". Cùng bị truy tố tại phiên tòa lần này còn có 45 bị cáo bao gồm: các giám đốc doanh nghiệp, cán bộ nguyên giám đốc, phó giám đốc, trưởng - phó phòng bưu điện của 14 tỉnh, thành...

Ngày mai (9-4), Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa xét xử Nguyễn Lâm Thái về các tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Trốn thuế" và "Làm, tàng trữ, lưu hành các giấy tờ có giá giả". Cùng bị truy tố tại phiên tòa lần này còn có 45 bị cáo bao gồm: các giám đốc doanh nghiệp, cán bộ nguyên giám đốc, phó giám đốc, trưởng - phó phòng  bưu điện của 14 tỉnh, thành...

 

Một trong những tội danh nghiêm trọng mà Nguyễn Lâm Thái bị truy tố là tội lừa đảo khi bán thiết bị, vật tư cho bưu điện nhiều tỉnh, thành để chiếm đoạt số tiền hàng chục tỷ đồng. Theo đó, trong khoảng thời gian từ 1999-2005, Nguyễn Lâm Thái đã thành lập 7 công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) trực thuộc "Tập đoàn CIP" do Thái nắm quyền. Các công ty này đều có trụ sở hoạt động ở số 168 Triệu Việt Vương, quận Hai Bà Trưng (thành phố Hà Nội) và đều thuê Đặng Thị Thu Hà làm kế toán tài chính. Tuy mỗi công ty đều có giám đốc nhưng thực tế Nguyễn Lâm Thái trực tiếp đứng tên giám đốc một công ty, các công ty còn lại Thái giao cho bạn bè, người thân quen đứng tên làm giám đốc trên danh nghĩa, ghi thành viên góp vốn và mọi hoạt động đều do Thái chỉ đạo, điều hành. Mục đích chính của Thái là sử dụng những công ty này vào việc lừa đảo bán hàng cho bưu điện. Thái chỉ đạo các giám đốc công ty TNHH tham gia làm các thủ tục ký các chứng từ như: báo giá, thư chào hàng, hồ sơ dự thầu... theo nội dung Thái yêu cầu để làm hồ sơ "quân xanh, quân đỏ" lúc tham gia dự thầu, đấu thầu chào hàng trong quá trình bán vật tư, thiết bị cho các bưu điện. Thủ đoạn kinh doanh lừa đảo chủ yếu của Thái là mua các thiết bị, vật tư... trôi nổi trên thị trường rồi dùng thủ thuật "hô biến" thành những sản phẩm nổi tiếng trên thế giới để bán cho các bưu điện với giá cao gấp hàng chục lần. Theo đó, Thái cho thu gom các thiết bị, vật tư không rõ nguồn gốc xuất xứ, hoặc mua tại các cơ sở sản xuất giá rẻ rồi chia nhỏ chi tiết vật tư thiết bị, nâng khống giá bán, rồi Thái chỉ đạo cho các giám đốc, kế toán các công ty con của "CIP" mua hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) của các công ty TNHH chuyên bán hóa đơn để kê khai nhằm che giấu nơi mua hàng thực, giá thực, nâng khống giá vật tư đầu vào, trốn thuế GTGT... khiến các bưu điện khi kiểm tra, xem xét đơn giá không xác định được giá chung của toàn bộ sản phẩm và chấp nhận mua với giá cao do Thái đưa ra chào hàng. Qua đó, Thái đã ký 110 hợp đồng kinh tế với 26 bưu điện các tỉnh, thành để bán các loại vật tư thiết bị tổng trị giá hơn 31 tỷ đồng. Trong đó, số tiền Thái và đồng bọn nâng khống để chiếm đoạt hơn 24 tỷ đồng, đồng thời cũng trốn thuế số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng tiền nhà nước, Nguyễn Lâm Thái còn sử dụng những chiêu khác như: thông qua thư tay của lãnh đạo ngành, khoe khoang về các mối quan hệ với sếp lớn, thưởng tiền cho người ở các bưu điện... Để tạo uy tín, đồng thời gây áp lực khiến các bưu điện tin tưởng mua hàng với giá đã được nâng khống, Thái cho in ảnh, ghép ảnh của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao lên catalogue quảng cáo của Tập đoàn CIP rồi đem đến các bưu điện tỉnh giới thiệu. Ngoài ra, để khách hàng tin tưởng giá thiết bị, vật tư "trên trời" do Thái và đồng bọn đưa ra, Thái chủ động làm văn bản đề nghị Trung tâm thẩm định giá (thuộc Bộ Tài chính) thẩm định giá hàng hóa theo đơn giá được nâng khống mà các công ty con của Thái lập sẵn. Dù không thẩm định chính xác giá thiết bị trên thị trường nhưng Nguyễn Văn Thức (nguyên giám đốc) và Nguyễn Thị Tuyết Lan (nguyên cán bộ Trung tâm thẩm định giá) vẫn cấp văn bản thẩm định cho Thái. Khi có văn bản trả lời của Trung tâm thẩm định giá, Thái chỉ đạo nhân viên phô-tô, sửa chữa... để làm phương tiện chào hàng, tạo lòng tin cho các bưu điện làm căn cứ mua hàng với giá cao. Nhưng đáng chú ý là còn có sự tiếp tay, cố ý làm trái của một số cá nhân vốn là giám đốc, phó giám đốc, trưởng - phó phòng nghiệp vụ của các bưu điện tỉnh An Giang, Đồng Nai, Bình Thuận, Thái Nguyên, Phú Yên, Bình Định, Cà Mau, Bạc Liêu... Trong quá trình quan hệ giao dịch với Nguyễn Lâm Thái, lãnh đạo bưu điện các tỉnh không chấp hành đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư, xây dựng, không thực hiện đầy đủ các quy chế đấu thầu, không có báo giá, khảo sát thị trường mà chỉ căn cứ vào đơn báo giá của bên bán. Nhiều quyết định đầu tư không nêu phương thức thực hiện dự án, không ghi thông tin về công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật, hình thức lựa chọn nhà thầu, nguồn vốn đầu tư, thời hạn hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng... gây thiệt hại cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Theo dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong 30 ngày. Ngoài 46 bị cáo bị truy tố về các tội danh: "Lừa đảo", "Làm, tàng trữ, lưu hành các giấy tờ có giá giả", "Trốn thuế", "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Thiếu trách nhiệm...", phiên tòa còn có sự tham gia của hơn 100 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, khoảng 40 luật sư bào chữa cho các bị cáo. Đây là một trong những vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, được các cơ quan chức năng xem là án điểm của cả nước. Báo Đồng Nai sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh nhanh nhất đến bạn đọc những tình tiết đáng chú ý trong thời gian diễn ra phiên tòa.

P.V

Tin xem nhiều