Đồng Nai là một trong 45 tỉnh, thành được Thủ tướng Chính phủ biểu dương về kết quả kéo giảm được tai nạn giao thông (TNGT) trong đợt Tết Mậu Tý vừa qua. Tình hình TNGT trong 2 tháng đầu năm 2008 ở Đống Nai cũng cho thấy có chiều hướng giảm về số vụ và số người chết. Đây là kết quả đáng phấn khởi của những biện pháp mà ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh và các ban, ngành liên quan thực hiện, đáng được tiếp tục nhân rộng.
Đồng Nai là một trong 45 tỉnh, thành được Thủ tướng Chính phủ biểu dương về kết quả kéo giảm được tai nạn giao thông (TNGT) trong đợt Tết Mậu Tý vừa qua. Tình hình TNGT trong 2 tháng đầu năm 2008 ở Đồng Nai cũng cho thấy có chiều hướng giảm về số vụ và số người chết. Đây là kết quả đáng phấn khởi của những biện pháp mà ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh và các ban, ngành liên quan thực hiện, đáng được tiếp tục nhân rộng.
Thống kê TNGT trong năm 2007 cho thấy, nguyên nhân gây tai nạn chết người chủ yếu do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm các lỗi sau đây: gần 26% lái xe lấn trái; gần 14% người lái xe 2 bánh và đi bộ bất ngờ qua đường; trên 13% vi phạm tốc độ; 10% thiếu chú ý quan sát; gần 9% vượt không đúng luật; trên 6% chuyển hướng không báo hiệu... Các hành vi vi phạm trên nói nôm na là "phóng nhanh, vượt ẩu" đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhưng người tham gia giao thông vẫn cứ vi phạm. Khi không thấy bóng dáng Cảnh sát giao thông (CSGT) trên đường thì một số người điều khiển phương tiện sẵn sàng phóng nhanh, vượt ẩu cho tiện việc của mình. Đây chính là nguyên nhân làm cho TNGT luôn rình rập và xảy ra trên mọi nẻo đường.
Để hạn chế tình trạng trên, không có cách gì hơn là lắp đặt dải phân cách ở tim đường. Trên quốc lộ 1A, các đơn vị thuộc Bộ Giao thông - vận tải đã lắp đặt dải phân cách trụ nhựa dẻo được khoảng 19km trên tổng số 45km cần được lắp đặt. Ở tuyến nội ô, Ban ATGT tỉnh và thành phố Biên Hòa đã lắp đặt dải phân cách bằng trụ sắt từ vòng xoay Biên Hùng đến Đài Kỷ niệm, và từ vòng xoay ngã tư Tân Phong đến ngã ba Hố Nai. Ngoài ra ở hai đầu cầu Hóa An còn được lắp trụ tiêu nhựa để định hướng các phương tiện lưu thông đúng làn, lắp đặt hàng rào hộ lan tránh trường hợp các phương tiện cắt ngang ngay đầu cầu có thể gây tai nạn hoặc ùn tắc giao thông. Cách làm này có thể gây bất tiện và cảm giác làm hẹp phần đường mỗi chiều, nhưng bù lại đã giảm được tình trạng các phương tiện đụng đối đầu nhau. Một số tay lái thích tốc độ cao cũng không dám liều lĩnh phóng nhanh trên đoạn đường có dải phân cách, vì bề rộng mặt đường đã được phân định rõ ràng. Người đi đường cũng không thể bất ngờ qua đường vì đã bị vướng dải phân cách. Chỉ khi đến điểm mở mới có thể qua đường được thì người điều khiển phương tiện không thể không chú ý quan sát. Đánh giá về hiệu quả, Ban ATGT tỉnh đã nhận định: từ khi lắp đặt dải phân cách tim đường trên quốc lộ 1A bằng trụ nhựa dẻo phản quang, đến nay trên 19km quốc lộ mới được lắp đặt qua địa bàn các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, thị xã Long Khánh đã không xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Đáng kể nhất là tai nạn có nguyên nhân do vượt ẩu dẫn đến đụng đối đầu phương tiện đã giảm hẳn. Riêng dải phân cách Tân Phong - Hố Nai mới được lắp đặt ngay trước Tết đã có hiệu quả rõ rệt. Ở đoạn này trong năm 2007 đã có 11 người chết vì TNGT, Tết Đinh Hợi chết 3 người. Trong Tết Mậu Tý nhờ lắp dải phân cách mà đoạn đường này không xảy ra TNGT chết người. Bên cạnh đó, Ban ATGT tỉnh còn lắp đặt các gờ cưỡng bức, đèn chiếu sáng, đèn cảnh báo... ở các điểm, các đoạn đường thường xảy ra TNGT (điểm đen, đường đen) và cũng đã đem lại hiệu quả giảm TNGT rõ rệt. Chẳng hạn đoạn km 1823+600 ở quốc lộ 1A thuộc xã Suối Tre (thị xã Long Khánh) trước đây thường xảy ra TNGT mà không do lỗi kỹ thuật mặt đường. Từ khi đoạn đường này được lắp đặt đèn cảnh báo kết hợp đèn chiếu sáng thì TNGT đã giảm hẳn. Một số điểm đen khác như khu vực cầu Lang Minh đường tỉnh 765 (huyện Xuân Lộc); khúc cua hương lộ 19 (huyện Nhơn Trạch); giao lộ đường Nguyễn Văn Trị với cầu Hóa An từ khi được khắc phục đã không còn xảy ra TNGT chết người.
Trong khi người tham gia giao thông chưa ý thức cao trong việc chấp hành luật, thì những biện pháp kỹ thuật hạ tầng giao thông đã được Ban ATGT tỉnh áp dụng để giảm TNGT đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Để khắc phục được các điểm đen thì cần phải có kinh phí kịp thời và cơ chế đặc thù. Thế nhưng theo ông Dương Danh Quí, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh thì những qui định mới đây của Bộ Tài chính đã hạn chế kinh phí ATGT để khắc phục các điểm đen. Qui định mới này cũng loại bỏ tính chủ động, kịp thời trong hoạt động của ban chỉ đạo ATGT cấp huyện. Các ý kiến về việc điều chỉnh lại nguồn kinh phí ATGT cho hợp lý hơn nhằm kịp thời khắc phục điểm đen, đã được Ban ATGT tỉnh đề đạt với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai trong đợt giám sát mới đây về hoạt động bảo đảm ATGT ở Đồng Nai.
Thanh Toàn