Từ năm 2004, Ngân hàng công thương Việt Nam chi nhánh Khu công nghiệp Biên Hòa gặp phải khó khăn lớn khi hai khách hàng là Công ty TNHH Viko Glowin (khu công nghiệp Biên Hòa I) và Công ty liên doanh rượu sâm-panh Mat-xcơ-va (khu công nghiệp Biên Hòa II) không chịu trả khoản nợ ngân hàng tổng cộng trên 100 tỷ đồng, khiến ngân hàng này phải chịu lỗ lã trên 2 năm liền. Vì sao lại như vậy?
Từ năm 2004, Ngân hàng công thương Việt Nam chi nhánh Khu công nghiệp Biên Hòa gặp phải khó khăn lớn khi hai khách hàng là Công ty TNHH Viko Glowin (khu công nghiệp Biên Hòa I) và Công ty liên doanh rượu sâm-panh Mat-xcơ-va (khu công nghiệp Biên Hòa II) không chịu trả khoản nợ ngân hàng tổng cộng trên 100 tỷ đồng, khiến ngân hàng này phải chịu lỗ lã trên 2 năm liền. Vì sao lại như vậy?
Công ty Viko Glowin (VK) là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc, hoạt động sản xuất ở Khu công nghiệp Biên Hòa (KCNBH) I, có quan hệ tín dụng với Ngân hàng công thương Việt Nam chi nhánh Khu công nghiệp Biên Hòa (viết tắt là Ngân hàng KCNBH) từ năm 1998. Trong những năm đầu Công ty VK hoạt động có hiệu quả, quan hệ vay trả có uy tín với ngân hàng. Đến đầu năm 2004, Công ty VK có xáo trộn trong bộ máy quản lý, Công ty Glowin mẹ ở Hàn Quốc bị tòa tuyên bố phá sản. Do vậy, Công ty VK bắt đầu có dấu hiệu mất khả năng chi trả nợ vay cho Ngân hàng KCNBH. Trước đó vào tháng 10 năm 2003, Công ty VK ở Đồng Nai đã chuyển hơn 51,75 tỷ đồng vay của Ngân hàng KCNBH cho Công ty VK Hà Nội mới tách ra (tiền thân công ty này là nhà máy sản xuất của VK Đồng Nai tại thủ đô Hà Nội) mà không trình báo Ngân hàng KCNBH. Đến năm 2005, nợ quá hạn của Công ty VK Đồng Nai bắt đầu phát sinh. Đến cuối tháng 2-2008, dư nợ của VK Đồng Nai với Ngân hàng KCN Biên Hòa là trên 23,87 tỷ đồng VN và trên 3,22 triệu đô-la Mỹ. Hiện nay Công ty VK Đồng Nai chỉ sản xuất cầm chừng với khoảng 130 công nhân, khả năng trả số nợ quy ra tiền VN là hơn 70 tỷ đồng không thể thực hiện. Từ khi Công ty Glowin (mẹ) ở Hàn Quốc phá sản, Công ty VK Đồng Nai đã được chuyển nhượng qua nhiều chủ đầu tư (đều ở Hàn Quốc). Cụ thể, đầu năm 2004 Công ty Glowin Hàn Quốc phá sản nên Công ty VK Đồng Nai được chuyển nhượng cho Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc. Đến tháng 11- 2004, Công ty VK Đồng Nai lại được chuyển nhượng cho Công ty KD Partner. Tháng 12-2005, VK Đồng Nai được thay đổi chủ đầu tư là Công ty Everwill, và đến tháng 12-2007, VK Đồng Nai lại được chuyển nhượng cho Công ty Everpia. Công ty Everpia tiếp nhận VK Đồng Nai và dùng kế "hoãn binh" là xin được tiếp tục gia hạn nợ, nhưng Ngân hàng KCNBH không đồng ý vì đã hết thời hạn đáo nợ và công ty cũng đã được gia hạn nợ quá nhiều lần. Sau đó Công ty Everpia xin được "trả góp", mỗi lần khoảng 200.000 đô-la Mỹ nhưng rốt cuộc cũng không thực hiện được lần nào.
Tài sản thế chấp trên giấy tờ của Công ty VK Đồng Nai quy đổi ra tiền VN khoảng trên 96,2 tỷ đồng. Thực trạng của các tài sản thế chấp gồm các công trình kiến trúc (nhà, xưởng) chưa hoàn công, chưa được cấp chứng thư sở hữu, chưa đăng ký giao dịch đảm bảo. Máy móc, thiết bị đã hết hạn bảo hiểm từ tháng 12-2007 và vẫn chưa được tiếp tục mua bảo hiểm trong năm mới. Do vậy, Ngân hàng KCNBH đang thuê Trung tâm thẩm định giá Đồng Nai xác định lại giá trị thực của Công ty VK Đồng Nai và đề xuất phương án bán nợ công ty này để thu hồi vốn cho ngân hàng.
Đối với Công ty liên doanh rượu sâm-panh Mat-xcơ-va, công ty này vay vốn ngân hàng KCNBH từ năm 2003 trong lúc bên liên doanh nước ngoài vẫn chưa góp đủ vốn (khoảng 1,2 triệu đô-la Mỹ). Vì vậy khi đi vào sản xuất (năm 2004), công ty gặp khó khăn về tài chính phải ngưng sản xuất ngay trong năm và không trả được nợ. Ngân hàng KCNBH đã khởi kiện công ty này, và bản án phúc thẩm đã buộc công ty này phải trả cho ngân hàng trên 25,3 tỷ đồng VN, trên 546,5 ngàn đô-la Mỹ, trên 497 ngàn đồng Ơ-rô (Euro), quy ra tiền VN khoảng hơn 45 tỷ đồng. Công ty sâm-panh Mat-xcơ-va đang bị kê biên tài sản để thi hành án (giá trị tài sản thế chấp gồm nhà xưởng, thiết bị chưa có chứng thư sở hữu, chưa đăng ký giao dịch đảm bảo trị giá quy ra tiền VN khoảng trên 54 tỷ đồng).
Thanh Toàn