Báo Đồng Nai điện tử
En

Đau lòng... áo trắng!

10:03, 05/03/2008

"Con chỉ đi theo mấy anh chơi chứ đâu biết rằng mình đã phạm tội nghiêm trọng như thế này, con hối hận quá. Con nhớ nhà lắm, xin Hội đồng xét xử cho con được sớm về với gia đình, cho con được đi học, để ba má con bớt khổ", lời nói sau cùng tại tòa của bị cáo 14 tuổi khiến không ít người thấy đau xé lòng.

"Con chỉ đi theo mấy anh chơi chứ đâu biết rằng mình đã phạm tội nghiêm trọng như thế này, con hối hận quá. Con nhớ nhà lắm, xin Hội đồng xét xử cho con được sớm về với gia đình, cho con được đi học, để ba má con bớt khổ", lời nói sau cùng tại tòa của bị cáo 14 tuổi khiến không ít người thấy đau xé lòng.

 

* Từ trộm cắp chuyển qua cướp

 

Mọi chuyện bắt đầu từ suy nghĩ hết sức đơn giản và nông nổi của những chú nhóc mặt còn "búng ra sữa". Những ngày hè năm 2007, Cao Quốc Dương (ngụ ở xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) được mẹ cho phép đến thăm người chị gái đang làm công nhân ở huyện Trảng Bom. Tại đây, Dương gặp lại Nguyễn Thái Sơn (SN 1990), người bạn cùng xóm đang học ở Trường cơ giới 3. Những ngày sống ở khu nhà trọ, do không chịu nổi cảnh vắng vẻ do người chị thường phải đi làm vắng nhà nên Dương hay đến tìm Sơn và những người bạn của Sơn là Bùi Văn Song (SN 1991, học sinh Trường cơ giới 3), Thân Văn Hồng (SN 1988, ngụ ở xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) để chơi game, uống cà phê, trò chuyện cho đỡ buồn. Có lẽ chuyện đau lòng sẽ không xảy ra nếu trong nhóm bạn mới này không có mặt Thân Văn Hồng. Hồng bỏ nhà đang sống lang thang và thường vào chơi với học sinh ở khu ký túc xá Trường cơ giới 3. Trong một lần đi uống cà phê, Hồng rủ rê cả bọn đi ăn cắp gà để tập tành ăn nhậu. Tuổi trẻ hay làm chuyện nông nổi khiến cả 3 chú nhóc còn lại đều đồng ý. Khoảng 23 giờ đêm 27-5-2007, cả 4 kéo nhau đến ấp Phú Sơn (xã Bắc Sơn, Trảng Bom) định ăn cắp gà thì chó sủa nên không thể ra tay. Tuy nhiên, trên đường về, Thân Văn Hồng nảy sinh ý nghĩ điên rồ là rủ cả bọn chặn người đi đường cướp tài sản. Lời rủ rê khủng khiếp ấy rót vào những cái đầu non nớt của các chú nhóc lại khiến chúng răm rắp nghe theo. Thế là, cả bọn đi tìm một gậy sắt, một đoạn tầm vông dài làm hung khí và chọn khu đường vắng để mai phục. Khoảng 24 giờ đêm đó, anh bảo vệ T.C.N. vừa mới tan ca chạy xe gắn máy đến đoạn đường này liền bị cả bọn từ trong bụi rậm xông ra đánh đấm túi bụi. Sau khi đánh anh N. đến ngất xỉu, bọn trẻ lấy chiếc xe máy của anh N. đem về gởi ở nhà người quen của Dương ở phường Tân Biên (TP.Biên Hòa). Hôm sau, khi Song vào lớp học thì 3 kẻ còn lại đèo nhau trên chiếc xe máy đến xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) hái trộm chôm chôm, ăn cắp gà thì bị công an xã bắt giữ. Từ chiếc xe gắn máy, cơ quan điều tra đã lần ra manh mối vụ cướp. Trước khi lôi kéo những chú nhóc này gây ra vụ cướp xe của anh N., tối 7-5-2007, trong lúc đi trên đường ngang nhà anh Châu Thanh Tuấn (ở ấp Quảng Biên, xã Quảng Tiến, Trảng Bom), Hồng phát hiện một chiếc xe gắn máy đang dựng hớ hênh trước cửa bèn mò đến trộm cắp.

 

* Chỉ bởi dại khờ!

 

Phẫn nộ và xót xa, đó là cảm xúc mà những ai tham dự phiên tòa xét xử Dương và đồng bọn vào ngày 26-2-2008. Không phẫn nộ sao được khi biết những kẻ "con nít" kia dám làm chuyện tày trời là vác hung khí rủ nhau đi đánh người cướp tài sản. Nhưng phẫn nộ bao nhiêu mọi người lại càng cảm thấy xót xa bấy nhiêu vì các bị cáo còn nhỏ quá. Không xót xa sao được khi nhìn những khuôn mặt vẫn còn nét ngây ngô chứa lẫn sự thảng thốt của các bị cáo Dương, Sơn và Song khi đứng trước vành móng ngựa. "Con nghĩ chỉ đi theo bắt trộm gà, con nghĩ đi theo mấy anh chơi thôi, chứ không biết rằng đó là những việc làm nguy hiểm"; "Trong lúc ngồi mai phục, con thấy sợ quá nên rủ Dương đi về nhưng ngay lúc đó anh N. chạy đến và anh Hồng bảo ra tay, thế là...", "Con hối hận quá, cho con xin lỗi..." v.v... Những lời ngây ngô chứa lẫn sự hối hận muộn màng của các bị cáo khi trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử khiến người ta cảm thấy đau lòng. Nhưng đau nhất có lẽ là những bà mẹ của các bị cáo. Lặng lẽ ngồi dự khán từ đầu đến cuối phiên tòa, họ không khóc và cũng không nói với nhau được lời nào ngoài những lời buộc phải nói khi hội đồng xét xử thẩm vấn. Bởi với họ, nỗi đau ấy quá lớn và chợt ập đến một cách quá nhanh khiến họ ngỡ ngàng. Tất cả họ đều không biết và không ngờ những đứa con còn đang đi học của mình lại dám làm chuyện tày đình như thế. Trong sự thảng thốt, hối hận của những bị cáo, sự đau khổ đến ngỡ ngàng của những bà mẹ khiến người ta không khỏi quặn lòng vì sự việc xảy ra chỉ bởi sự dại dột, nông nổi của những đứa trẻ, nó thật bất ngờ và nằm ngoài tầm kiểm soát của gia đình. Từ vụ án này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với những khu ký túc xá, nơi quản lý học sinh, sinh viên sống xa nhà, thiếu sự chăm sóc và dạy dỗ của cha mẹ. Vụ án này còn cho thấy, mọi chuyện bắt đầu từ Thân Văn Hồng, một thanh niên mới lớn đã học đòi ăn chơi bỏ nhà sống lang thang. Thế mà một kẻ như Hồng lại dễ dàng ra vào khu ký túc xá để lôi kéo các học sinh nhỏ tuổi ở đây đàn đúm ăn chơi rồi trở thành kẻ cướp nguy hiểm. Nếu có sự quản lý tốt của ký túc xá thì có lẽ không xảy ra chuyện đau lòng như trên.

Phiên tòa kết thúc trong sự nặng nề và những giọt nước mắt của các chú nhóc cùng người thân trong gia đình. Dù rất cân nhắc xem xét nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng với hành vi nguy hiểm đã gây ra hội đồng xét xử buộc phải tuyên phạt Dương 3 năm tù, Sơn và Song cùng 4 năm tù về tội cướp tài sản (riêng Hồng bị tuyên phạt tổng cộng 9 năm tù về hai tội trộm cắp và cướp tài sản). Cánh cửa xe tù đóng lại lạnh lùng, khô khốc và từ từ lăn bánh mất hút khỏi sân tòa, nhìn những ánh mắt dõi theo con nhỏ với dòng nước mắt lăn dài trên má của các bà mẹ, chúng tôi chợt nhớ đến khuôn mặt ngây ngô và lời nói sau cùng của bị cáo Dương: "Con chỉ nghĩ đi theo mấy anh chơi chứ đâu biết rằng mình đã phạm tội nghiêm trọng như thế này, con hối hận quá. Con nhớ nhà lắm, xin hội đồng xét xử cho con được sớm về với gia đình, cho con được đi học, để ba má con bớt khổ..." mà thấy quặn thắt ở trong lòng.

Phạm Mai

Tin xem nhiều