Xung quanh vụ lập hồ sơ giả để làm "sổ đỏ" ở Trảng Bom:
Ai đã "hà hơi tiếp sức" cho Lê Thị Đào lừa đảo?

09:07, 05/07/2007

Bài 2: Những ai sai phạm?
* Khi con lạc đà chui qua lỗ kim
Có thể nói qui trình thủ tục sang nhượng đất đai, đăng ký làm sổ đỏ theo qui định của Nhà nước khá chặt chẽ. Ngay từ đầu là khâu kiểm tra, giám sát của chính quyền xã với một hội đồng bao gồm đủ các thành phần, nào là UBND, Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc, Tư pháp, Địa chính và cả đại diện ấp.

* Khi con lạc đà chui qua lỗ kim

 

Có thể nói qui trình thủ tục sang nhượng đất đai, đăng ký làm sổ đỏ theo qui định của Nhà nước khá chặt chẽ. Ngay từ đầu là khâu kiểm tra, giám sát của chính quyền xã với một hội đồng bao gồm đủ các thành phần, nào là UBND, Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc, Tư pháp, Địa chính và cả đại diện ấp. Trong trường hợp để "lọt" qua cửa ải Hội đồng xét duyệt xã thì trước khi trình qua UBND huyện ký cấp sổ đỏ còn phải qua nhiều khâu kiểm tra, xác minh đo đạc thực tế của cán bộ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) và Phòng Tài nguyên - môi trường. Do vậy, nếu làm đúng trách nhiệm và công tâm thì có thể phát hiện  và ngăn chặn kịp thời các trường hợp gian lận, mua bán "khống". Như trường hợp 2 bộ hồ sơ xin sổ đỏ giả đứng tên Phạm Văn Ngà do Lê Thị Đào làm, sau khi Hội đồng xét duyệt xã Hố Nai 3 "thông qua" thì lên tới Văn phòng đăng ký QSDĐ vẫn có cán bộ phụ trách đo đạc đi thực địa. Nếu làm đúng qui định là khi đo đạc phải có đại diện UBND xã, cán bộ địa chính xã và chủ đất bốn phía liền kề thì chắc chắn đã phát hiện ra 2 bộ hồ sơ giả. Ngay cả sau khi có thủ tục từ xã và bản đồ địa chính thửa đất thì bộ hồ sơ vẫn phải được cán bộ phụ trách cấp giấy chứng nhận QSDĐ thẩm tra lại nguồn gốc đất và giấy sang nhượng có hợp lệ hay không. Nếu lọt qua được văn phòng đăng ký QSDĐ thì hồ sơ vẫn phải chuyển qua Phòng Tài nguyên - môi trường (TN-MT) thẩm tra một lần nữa...

Trở lại "hành trình" của 2 bộ hồ sơ làm sổ đỏ đứng tên Phạm Văn Ngà do Lê Thị Đào làm giả sau khi được chị Phượng, cán bộ phụ trách cấp giấy chứng nhận QSDĐ xác nhận là hợp lệ, đã được trình lên cho anh Đoàn Văn Nhuần, Giám đốc Văn phòng đăng ký QSDĐ huyện ký đề nghị UBND huyện cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Lẽ ra, các hồ sơ này phải được chuyển qua Phòng TN-MT thẩm tra lại một lần nữa để trưởng phòng ký duyệt. Nhưng anh Đoàn Văn Nhuần đã sử dụng chức danh Phó phòng TN-MT kiêm Trưởng phòng đăng ký QSDĐ ký luôn phần ý kiến của Phòng TN-MT  và bỏ qua khâu thẩm tra lại. Vậy là 3 giấy chứng nhận QSDĐ, trong đó có 2 giấy giả (thửa 301 và 302) đã được UBND huyện Trảng Bom cấp.

Có thể nói qui trình thủ tục chặt chẽ là như vậy nhưng 2 bộ hồ sơ làm sổ đỏ đứng tên Phạm Văn Ngà do Lê Thị Đào  làm giả cứ "tuồn tuột" được thông qua? Trong trường hợp này cũng chẳng khác gì chuyện "con lạc đà chui qua lỗ kim".

Khi đã làm xong 3 sổ đỏ, chị Hải báo cho chị Kim Anh biết để nói với Đào đưa 90 triệu đồng đóng thuế. Nhưng Đào lại không chấp nhận khoản tiền này và không nhờ chị Kim Anh nữa. Do vậy, chị Hải đã hoàn trả 24 triệu đồng cho Kim Anh để đưa lại cho Đào. Sau đó Đào đã nhờ anh Sơn, cán bộ Chi cục thuế huyện, đóng thuế hết 38 triệu đồng.

Cầm trong tay 3 sổ đỏ, Đào lại tìm đến gia đình anh Nguyễn Duy Long để nhờ làm thủ tục thế chấp vay vốn ngân hàng. Vợ chồng anh Long đã bàn với Đào là làm thủ tục sang tên sổ đỏ cho nhiều người để có thể vay được nhiều tiền. Vậy là 3 sổ đỏ đã được sang tên cho anh Long và con anh Long, sau đó được đem thế chấp cho Ngân hàng Công thương KCN Biên Hòa để vay 600 triệu đồng. Anh Long giữ lại 200 triệu đồng và đưa Đào 400 triệu đồng. Đào phải chi 8% hoa hồng trong tổng số 400 triệu đồng cho anh Long, vì theo lời anh Long là phải chi "bồi dưỡng" cho cán bộ tín dụng hơn 20 triệu đồng!

 

* Những ai sai phạm?

 

Không chỉ dừng lại ở đó, hành vi lừa đảo của Lê Thị Đào ngày càng táo tợn hơn. Vào khoảng tháng 5-2006, Đào lại làm 3 bộ hồ sơ giả xin cấp sổ đỏ  với tên Lê Thị Đào, Lê Thị Trình và Nguyễn Thị Thảo. Đào tự thảo ra quyết định của Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất (cũ) cho phép chuyển QSDĐ 9.324m2, giả mạo chữ ký của một Phó chủ tịch UBND huyện và mộc dấu của xã Bắc Sơn. Sau đó, Đào làm cho các giấy tờ giả mạo cũ mờ đi và đưa đi photo. 3 bộ hồ sơ xin sổ đỏ làm giả này được Đào đưa cho anh Sơn, cán bộ Chi cục thuế huyện Trảng Bom  nhờ làm giúp. Anh Sơn tìm đến anh Thắng ở Phòng TN-MT và anh Thắng  đã giới thiệu gặp Nguyễn Đình Đại, nhân viên Công ty dịch vụ đo đạc Hoàng Long Khanh vẽ bản đồ địa chính thửa đất. Đào đã dẫn Đại đến một bãi đất trống ở ấp Thanh Hóa (xã Hố Nai 3) để chỉ cột mốc cho anh Đại đo vẽ. Sau đó Đào lại nhờ anh Đại lo ra sổ đỏ. Đại nhận lời với giá lo chữ ký thủ tục cho 3 bộ hồ sơ ở xã là 20 triệu đồng và lo đăng ký QSDĐ là 25 triệu đồng. Đào đồng ý và đã đưa cho anh Đại 45 triệu đồng.

Cầm tiền trong tay, Đại nhanh chóng vẽ ra 3 bản đồ địa chính đưa cho Giám đốc Công ty Hoàng Long Khanh ký rồi đem hồ sơ qua Phòng TN-MT. Trưởng phòng TN-MT huyện Nguyễn Cảnh Tiến cũng không kiểm tra hồ sơ giấy tờ nguồn gốc đất, đã ký tên đóng dấu xác nhận vào bản đồ địa chính tách thửa. Đại cầm 3 bộ hồ sơ đưa cho anh Thắng lo làm thủ tục đăng ký QSDĐ và đưa cho anh Thắng 14 triệu đồng để bồi dưỡng và đóng thuế. Thắng lại đưa cho anh Vinh, cán bộ Văn phòng đăng ký QSDĐ làm giúp. Anh Vinh đã soạn thảo sẵn các thủ tục cho Hội đồng xét duyệt xã Hố Nai 3 và sau đó đưa 3 bộ hồ sơ  nhờ một cán bộ địa chính xã trình ký thì bị phát hiện là hồ sơ giả.

Bị phát hiện làm hồ sơ giả, Đào tìm đến anh Nguyễn Tấn Thành, là người giữ xe tại cổng UBND huyện, để nhờ lấy lại 3 bộ hồ sơ đem về tiêu hủy. Anh Thành yêu cầu "chi phí" là 100 triệu đồng và Đào đã đồng ý  giao cho anh Thành làm 3 đợt, tổng cộng 118 triệu đồng. Thành đã tìm đến gặp anh Đoàn Bá Tú, là Phó giám đốc Văn phòng đăng ký QSDĐ, nhờ lo rút 3 bộ hồ sơ giả hoặc hủy đi  với số tiền "bồi dưỡng" 45 triệu đồng. Sau đó anh Tú trả lời với Thành là đã lo xong...

Sự vụ đổ bể, cơ quan Công an huyện Trảng Bom vào cuộc điều tra và đã vén mở các vụ tiêu cực của Lê Thị Đào. Ngày 27-10-2006, anh Tú đến nhà anh Thành trả lại 45 triệu đồng. Anh Tú cũng đã tìm đến nhà anh Hoàng Văn Bình, điều tra viên thụ lý vụ án nhờ giúp đỡ nhưng bị từ chối. Khi anh Tú ra về, anh Bình phát hiện  anh Tú có để lại 1 chai rượu ngoại và 1 lượng vàng SJC. Ngay hôm sau, anh Bình đã đem nộp lại cho cơ quan điều tra.

"Siêu lừa" Lê Thị Đào có thể tạo dựng hồ sơ giả làm được sổ đỏ để đem thế chấp vay tiền ngân hàng đã cho thấy có sự "hà hơi tiếp sức" của rất nhiều cán bộ ở Phòng TN-MT, Văn phòng đăng ký QSDĐ huyện và các cán bộ ở xã vì nhiều nguyên nhân như thiếu tinh thần trách nhiệm, sự cả nể hoặc nhận hối lộ. Trong đó có cả Trưởng phòng TN-MT, Giám đốc và Phó giám đốc văn phòng đăng ký QSDĐ huyện, Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND xã Hố Nai 3,  6-7 cán bộ ở Phòng TN-MT, Văn phòng đăng ký QSDĐ và địa chính xã.

Đây là một bài học với sự trả giá quá đắt ở huyện Trảng Bom.

Xuân Phú

Tin xem nhiều