Báo Đồng Nai điện tử
En

Vụ tiêu cực trong công trình hồ Cầu Mới (huyện Long Thành): Đưa ra xét xử vào đầu tháng 7-2007

10:06, 29/06/2007

Theo dự kiến, vào đầu tháng 7-2007, Tòa án nhân dân huyện Long Thành sẽ đưa vụ tiêu cực trong công trình hồ chứa nước Cầu Mới ra xét xử sơ thẩm. Liên quan đến các đối tượng sai phạm gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 800 triệu đồng ở dự án này, Viện Kiểm sát nhân dân đã quyết định truy tố các bị can Nguyễn Công Nam (nguyên cán bộ địa chính xã Bàu Cạn) và Nguyễn Quốc (nguyên trưởng nhóm kiểm tra, thực hiện áp giá bồi thường, giải tỏa dự án) về hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo dự kiến, vào đầu tháng 7-2007, Tòa án nhân dân huyện Long Thành sẽ đưa vụ tiêu cực trong công trình hồ chứa nước Cầu Mới ra xét xử sơ thẩm. Liên quan đến các đối tượng sai phạm gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 800 triệu đồng ở dự án này, Viện Kiểm sát nhân dân đã quyết định truy tố các bị can Nguyễn Công Nam (nguyên cán bộ địa chính xã Bàu Cạn) và Nguyễn Quốc (nguyên trưởng nhóm kiểm tra, thực hiện áp giá bồi thường, giải tỏa dự án) về hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Hai bị can Trương Minh Nghĩa (nguyên cán bộ UBND huyện, tổ trưởng tổ bồi thường dự án hồ Cầu Mới) và Đặng Trọng Oanh (nguyên Chủ tịch UBND xã) bị truy tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

 

* Mua đất "đón gió" quy hoạch

 

Do biết trước dự án hồ Cầu Mới sẽ triển khai bồi thường giải tỏa trong năm 2003 nên một số cán bộ huyện Long Thành gồm các ông: Võ Đình Việt, Nguyễn Tuấn Anh, Trần Minh Đức, Nguyễn Tấn Hưng và Trần Hoài Phong đã nhờ Nguyễn Công Nam (cán bộ địa chính xã Bàu Cạn) tìm người muốn bán đất tại khu quy hoạch giới thiệu cho họ mua nhằm kiếm lời khi dự án tiến hành bồi thường.

Khoảng tháng 4-2003, khi tìm được một số hộ dân ở khu quy hoạch thuộc ấp 8, xã Bàu Cạn muốn bán đất, Nam liền giới thiệu ông Việt (cán bộ Ban quản lý dự án huyện) mua của các ông Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Văn Toàn và Nguyễn Hữu Vị tổng cộng 47.456m2 (trong đó có 900m2 đất thổ cư) với giá 645 triệu đồng. Việc mua bán đất không lập thủ tục theo quy định của pháp luật mà đều làm giấy tay. Trong giấy mua bán chỉ ghi tên người bán mà không có tên người mua. Khi giao tiền, ông Việt yêu cầu những người bán đất làm ủy quyền cho vợ ông là bà Lâm Thị Hồng Anh đứng tên hồ sơ nhận tiền bồi thường khi dự án thực hiện đền bù, giải tỏa. Riêng trường hợp mua của ông Vị, giữa hai bên thỏa thuận khi được cấp lô tái định cư thì ông Vị sẽ được hưởng phần này.

Cùng thời điểm này, Nguyễn Công Nam còn giới thiệu ông Tuấn Anh (cán bộ Phòng Tài chính kế hoạch) mua 16.338m2 đất của ông Trần Văn Quyết với giá 245 triệu đồng. Sau khi làm giấy viết tay chuyển nhượng đất, ông Tuấn Anh để người chị ruột đứng tên (nhưng sau đó ông Nam để tên vợ mình là Trần Thị Kim Trâm đứng tên). Ông Nam còn giới thiệu cho nhóm cán bộ Phòng Tài nguyên - môi trường huyện gồm các ông Đức, Hưng, Phong mua đất của ông Vũ Đình Khuông (7.000m2), của ông Nguyễn Duy Cường (11.328m2) với tổng số tiền 270 triệu đồng. Hai mảnh đất này ông Đức nhờ người anh rể tên là Nguyễn Văn Nhiều (ngụ ở thị trấn Long Thành) đứng tên hồ sơ nhận tiền bồi thường giải tỏa mặt bằng. Giống như ông Việt, việc chuyển nhượng đất giữa các hộ bán với ông Tuấn Anh và nhóm ông Đức cũng chỉ làm giấy mua bán tay, không thông qua chính quyền địa phương.

Ngoài ra, ông Nam còn hùn tiền với các bà Đoàn Thị Huấn, Bùi Thị Kim Duyên (là những người quen của một số cán bộ Sở Tài nguyên - môi trường) mua của ông Cường 6.420m2 với giá 89 triệu đồng. Trong đó, bà Huấn hùn 45 triệu đồng, bà Duyên hùn 30 triệu đồng. Phần đất này, ông Nam nhờ người bà con tên Ngô Văn Bình đứng tên hồ sơ bồi thường.

Sau khi mua đất, các ông Việt, Tuấn Anh, Đức, Hưng, Phong... không hề sinh sống, canh tác ở đây cho đến lúc bồi thường giải tỏa. Tuy nhiên, ông Việt và nhóm ông Đức đã nhờ ông Nam thuê người trồng chuối trên các thửa đất mà họ đã mua. Đồng thời, trong lúc chờ bồi thường, giải tỏa, các cán bộ huyện này đã nói cho Nguyễn Quốc (trưởng nhóm kiểm tra, thực hiện áp giá bồi thường, giải tỏa dự án) biết việc họ đã mua các lô đất này và căn dặn khi tiến hành kiểm kê thì bảo họ đưa Quốc đến hiện trường kiểm kê cho dễ.

 

* Phù phép hồ sơ để hưởng tiền đền bù

 

Khi công trình hồ Cầu Mới triển khai, Trương Minh Nghĩa (tổ trưởng tổ bồi thường) chỉ đạo cho các thành viên cấp dưới tiến hành kiểm kê đất đai, tài sản bị giải tỏa tại tuyến 6 hồ Cầu Mới (thuộc xã Bàu Cạn) và giao ông Quốc làm nhóm trưởng, phụ trách kiểm tra thủ tục pháp lý hồ sơ bồi thường.

Dù biết rõ những cán bộ huyện mua đất của người dân ở khu quy hoạch nhưng ông Quốc vẫn để chủ cũ đứng tên trong hồ sơ bồi thường. Một số người bán đất đã chuyển đi nơi khác, ông Quốc lại để cho những người "lạ" đứng tên chủ sỡ hữu những mảnh đất này để lập hồ sơ nhận tiền bồi thường. Khi kiểm tra thực địa, ông Quốc (cùng các thành viên trong tổ làm việc gồm: Nguyễn Thái Bình, Lê Hoàng Sơn, Dương Thanh Hòa và Bùi Đức Yên) không phát tờ tự khai cho dân tự khai đất đai, tài sản theo quy định mà họ tự làm tờ khai cho những trường hợp "gởi gắm". Thậm chí, khi kiểm kê tài sản trên đất, tổ làm việc của  ông Quốc không đếm cụ thể từng loại cây trồng, ao hồ... thực tế, mà ghi nhận rất tùy tiện. Như cây có ít thì kê nhiều, chuối mới trồng chưa có quả vẫn phân loại A, B; thậm chí ghi thêm một số cây không có như sầu riêng, tiêu, cà phê...

Ngoài ra, ông Quốc còn chỉ đạo cho cấp dưới viết vào tờ khai đất đai, tài sản, tự mình viết vào giấy xác nhận nguồn gốc đất và lập giấy xác minh nhân hộ khẩu những trường hợp bị giải tỏa bồi thường (lẽ ra việc này phải do công an và UBND xã làm) rồi nhờ các cán bộ xã ký xác nhận hợp lệ các hồ sơ này. Trong đó, tích cực nhất là Nguyễn Công Nam. Biết quá rõ chủ cũ đã chuyển đi nơi khác nhưng với tư cách là Ủy viên hội đồng bồi thường, ông Nam vẫn ký xác nhận trong hồ sơ bồi thường có người sinh sống, sản xuất ổn định. Dù biết rõ việc mua bán đất diễn ra năm 2003, những người mua đất không được hưởng bồi thường nhưng ông Nam vẫn ký xác nhận nguồn gốc đất và lùi ngày mua bán đất về năm 2001. Ngoài ra, trong việc hợp thức hóa hồ sơ mua bán đất của cán bộ huyện, ông Nam còn nhờ người thân và vợ mình đứng tên để hưởng tiền bồi thường...

Trong số những người vi phạm còn có Chủ tịch UBND xã Bàu Cạn Đặng Trọng Oanh, thành viên của Ban chỉ đạo dự án, ủy viên hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng ở tuyến 6. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Oanh không hề đi thực tế giám sát, kiểm tra việc làm của cấp dưới. Đặc biệt, những hồ sơ hưởng tiền đền bù không hợp lệ của các cán bộ huyện, ông Oanh vẫn vô tư ký duyệt đủ điều kiện được hưởng các chế độ bồi thường, tái định cư...

Còn  ông Trương Trọng Nghĩa, với tư cách là thành viên ban chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ của huyện trong dự án, tổ trưởng chỉ đạo trực tiếp việc bồi thường giải tỏa nhưng hầu như giao trắng cho cấp dưới, không sâu sát, quản lý kiểm tra thực tế. Biết rõ việc làm của cấp dưới là sai nhưng ông Nghĩa cũng nể nang cho qua, thậm chí có trường hợp hồ sơ ghi thiếu, sai ông còn "chấp bút" chỉnh sửa cho hoàn chỉnh. Hậu quả là những hồ sơ bồi thường này được hoàn tất, được ông Quốc tham mưu Hội đồng bồi thường lập tờ trình phê duyệt phương án bồi thường và trình lên Hội đồng thẩm định tỉnh duyệt, chi tiền bồi thường; tạo điều kiện cho các cán bộ huyện mua đất được hỗ trợ tiền, gây thiệt hại cho nhà nước gần 800 triệu đồng. Cụ thể, phần đất ông Việt mua được chi hơn 1,7 tỷ đồng, trong đó, tiền bồi thường cây trồng, vật kiến trúc kê khống là 265,4 triệu đồng, tiền trợ cấp, hỗ trợ và thưởng di dời sai đối tượng là 148,28 triệu đồng. Tương tự, phần đất ông Tuấn Anh mua của ông Quyết được chi bồi thường 605,2 triệu đồng, trong đó, tiền hỗ trợ cây trồng kê khống là gần 98 triệu đồng, tiền hỗ trợ, thưởng di dời sai đối tượng là 22 triệu đồng. Nhóm mua đất của Trần Minh Đức cũng được chi tổng cộng 835,4 triệu đồng, trong đó, tiền hỗ trợ cây trồng được áp giá sai là 51,595 triệu đồng, tiền hỗ trợ, thưởng di dời sai đối tượng là 53,8 triệu đồng. Phần đất do ông Nam hùn mua với các bà Huấn, Duyên được bồi thường 307 triệu đồng, trong đó, tiền hỗ trợ cây trồng được kê khống là 118 triệu, tiền hỗ trợ, thưởng di dời sai đối tượng là 16,2 triệu đồng...

Nhóm PV PLĐS

Tin xem nhiều