Báo Đồng Nai điện tử
En

Phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ của cả hê thống chính trị

09:06, 06/06/2007

Công tác phổ biến, giáo dục để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, Chỉ thị 32 của Ban bí thư Trung ương Đảng và Thông tri 34 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai ra đời cách đây hơn 3 năm đã cụ thể hóa trách nhiệm này.

Luật Giao thông đường bộ liên quan đến mọi người dân nhưng không phải ai cũng được tuyên truyền để thực thi đúng.

Công tác phổ biến, giáo dục để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, Chỉ thị 32 của Ban bí thư Trung ương Đảng và Thông tri 34 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai ra đời cách đây hơn 3 năm đã cụ thể hóa trách nhiệm này. Thế nhưng, theo đánh giá của lãnh đạo Tỉnh ủy tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị 32 và Thông tri 34 diễn ra ngày 6-6, thì đến nay công tác này ở nhiều nơi vẫn chưa chuyển biến tích cực, tình trạng vi phạm pháp luật trong nhân dân vẫn còn nhiều.

Biểu hiện dễ nhận thấy nhất, dù Luật Giao thông đường bộ ra đời nhiều năm và gắn liền với cuộc sống hàng ngày của mọi người dân, thế nhưng không phải ai cũng nắm bắt, hiểu biết để thực hiện đúng. Tình trạng tai nạn giao thông đường bộ vẫn chưa được kéo giảm. Hạn chế ở đây là vì, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông chưa đúng đối tượng, chủ đề. Trong các hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông, người ta thấy các cụ già và trẻ em đi dự nhiều, còn thanh niên - đối tượng chính yếu sử dụng phương tiện giao thông và gây ra nhiều vụ tai nạn thì rất ít. Rồi nội dung của luật có hàng trăm điều không thể bắt người dân học thuộc hết. Trong khi đó, việc biên soạn tài liệu để tuyên truyền, phổ biến luật chưa chú trọng chọn lựa, chắt lọc những điều khoản nào liên quan sát sườn với từng người khi tham gia giao thông. Theo đồng chí Lê Hồng Phương, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, có tình trạng này là do công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bị khoán trắng cho một vài tổ chức, cá nhân làm, chứ hệ thống chính trị mà trước tiên là cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chưa được huy động, chưa quan tâm vào cuộc tích cực.

Điều đó càng chứng minh rõ hơn, khi tủ sách pháp luật được trang bị đến từng xã, thậm chí một số huyện đến từng ấp, nhưng phần nhiều để "nhện giăng tơ". Phó bí thư thường trực Huyện ủy Trảng Bom Nguyễn Kim Bằng thừa nhận, rất nhiều tủ sách pháp luật chỉ là hình thức, trưng diện cho "có chị có em". Trong khi đó, những quy định pháp luật mà người dân cần thiết mong mỏi thì không được phổ biến, tuyên truyền. Ví dụ khi có dịch cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn xã nọ, đáng ra chính quyền địa phương phải tận dụng tủ sách pháp luật của xã để phổ biến pháp luật, các văn bản chỉ đạo liên quan của UBND các cấp cho người dân nắm bắt, phòng tránh. Thế nhưng, trong lúc "nước sôi lửa bỏng" dịch hại nông dân như vậy thì chính quyền xã lại phối hợp với huyện, tỉnh tuyên truyền... Luật Hôn nhân - gia đình. Vì vậy, chẳng mấy người dân đến dự và khi dự thì cũng chẳng ghi nhận được gì vì cái lo gia cầm chết đâu có liên quan đến hôn nhân - gia đình. Phó bí thư Huyện ủy Long Thành Đào Văn Minh cho rằng, thực tế ở nhiều địa phương vẫn còn tình trạng như vừa nêu. Những quy phạm pháp luật cần thiết, bức xúc phục vụ cho phát triển kinh tế, ổn định xã hội ở từng địa bàn, từng thời điểm thì công tác tuyên truyền giáo dục chưa làm được. Điều đó cho thấy công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được cấp ủy, chính quyền cơ sở quan tâm đúng mức.

Thời gian qua, Đồng Nai xảy ra nhiều vụ tranh chấp lao động dẫn đến đình công mà nguyên nhân chính là chủ doanh nghiệp chưa thực hiện đúng chi trả chế độ, chính sách cho công nhân lao động. Còn người lao động đình công thì không đúng quy trình pháp luật; đấu tranh đòi hỏi quyền lợi nhưng không thấy nghĩa vụ của mình; có những đòi hỏi quá đáng, trái pháp luật. Điều này có thực tế là hệ thống chính trị mà trước tiên tổ chức công đoàn chưa làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật về lao động cho chủ doanh nghiệp và công nhân. Nhưng không thể khoán trắng cho tổ chức Công đoàn mà ở đây có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Hay như các bức xúc của người dân ở các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và TP.Biên Hòa hiện nay là vấn đề đền bù, giải tỏa, tái định cư thì dù được các địa phương này chú trọng tuyên truyền, song cách thức tuyên truyền chưa hiệu quả. UBND cấp xã, cấp huyện chỉ chiếu theo luật, các văn bản dưới luật đọc cho dân nghe, bắt dân phải hiểu, phải thực thi mà không có giải thích thấu tình đạt lý. Đáng ra, ở đây phải biên soạn, chọn lựa những quy định nào sát sườn, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của dân thì người dân sẽ quan tâm tìm hiểu và ghi nhớ để thực hiện.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Ao Văn Thinh thì lấy làm lo lắng, không riêng gì nhân dân, một bộ phận cán bộ cũng chưa am hiểu pháp luật. Cụ thể như gần đây có không ít văn bản quy phạm pháp luật, các quyết định hành chính của UBND các cấp ký ban hành không đúng dẫn đến cấp trên phải hủy bỏ hoặc người dân kiện ra tòa thì phần thua thuộc về chính quyền. Khiếm khuyết này trước tiên là nhận thức, kiến thức pháp lý của cán bộ quản lý còn hạn chế. Nhưng đáng lo nhất là cán bộ tham mưu - những người có chuyên môn, nghiên cứu sâu các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, cũng làm không đúng. Điều đó chỉ có thể giải thích là do có tiêu cực hoặc không am hiểu pháp luật. Một khi cán bộ thực thi pháp luật không am hiểu pháp luật thì rất khó tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Ngoài đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật, đội ngũ cán bộ tuyên truyền viên, báo cáo viên, hòa giải viên cũng chưa được quan tâm đúng mức về bồi dưỡng kiến thức pháp luật và hiệu quả hoạt động chưa cao. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ra đời nhưng mỗi năm chỉ tuyên truyền được vài bộ luật ở vài địa phương. Đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên thì mỏng và đều kiêm nhiệm nên công việc "tay trái" làm cho có là chủ yếu. Đặc biệt, các hòa giải viên ở cơ sở là những người góp phần hòa giải thành đến trên 70% vụ việc tranh chấp khiếu kiện của dân nhưng phần đông nắm bắt kiến thức pháp luật chưa sâu và không được cập nhật thường xuyên.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Lê Hồng Phương cho rằng, yêu cầu đặt ra hiện nay, các cấp ủy phải coi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Chính quyền các cấp phải củng cố, kiện toàn bộ máy phổ biến, giáo dục pháp luật từ tỉnh đến cơ sở bằng việc thay đổi cả nội dung, hình thức tuyên truyền. Mục tiêu đặt ra không phải là tuyên truyền tất cả các luật do Quốc hội ban hành mà là biên soạn tuyên truyền những điều khoản cần thiết, các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền các cấp có liên quan thiết thực đến cuộc sống từng đối tượng người dân ở từng địa bàn, từng thời điểm cụ thể. Mặt trận và các đoàn thể phải xác định trách nhiệm kiểm tra, giám sát của mình trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là công việc quan trọng góp phần vào nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Chỉ có huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc thì công tác này mới có chuyển biến, góp phần ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật.

Phong Vũ

 

Tin xem nhiều