Cai nghiện ma túy - phải từ tâm
* 30 tỷ đồng cho một cơ sở cai nghiện vẫn chưa đủ

08:05, 10/05/2007

Nằm cách xa quốc lộ 1A khoảng 5km, trên phần đất ngày xưa là Nông trường Cọ Dầu của tỉnh (thuộc ấp 2, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc), vùng đất giáp ranh với Bình Thuận, Cơ sở cai nghiện ma túy Xuân Lộc do tư nhân thành lập như một điểm sáng thân thiện hiện diện giữa vùng đất nhiều cát xám, xung quanh là một ít màu xanh của cây rừng mới trồng. Ít ai nghĩ rằng, để có một "điểm sáng thân thiện" với môi trường, với con người, chủ nhân đã bỏ ra khoảng 30 tỷ đồng mà vẫn cảm thấy chưa thấm tháp vào đâu.

Tại cơ sở cai nghiện ma túy Xuân Lộc.

Nằm cách xa quốc lộ 1A khoảng 5km, trên phần đất ngày xưa là Nông trường Cọ Dầu của tỉnh (thuộc ấp 2, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc), vùng đất giáp ranh với Bình Thuận, Cơ sở cai nghiện ma túy Xuân Lộc do tư nhân thành lập như một điểm sáng thân thiện hiện diện giữa vùng đất nhiều cát xám, xung quanh là một ít màu xanh của cây rừng mới trồng. Ít ai nghĩ rằng, để có một "điểm sáng thân thiện" với môi trường, với con người, chủ nhân đã bỏ ra khoảng 30 tỷ đồng mà vẫn cảm thấy chưa thấm tháp vào đâu.

 

* Những người bênh tự nguyện và "nhõng nhẽo"

 

Ông Đặng Quang Vinh, Phó giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy dân lập tự nguyện Xuân Lộc cho biết: "Các con bệnh đến đây đều tự nguyện điều trị và cơ sở áp dụng phác đồ điều trị đông tây y kết hợp để cắt cơn, hồi phục sức khỏe và sau đó hướng nghiệp cho những học viên chưa có nghề nghiệp, quyết tâm thực hiện cuộc đổi đời. Nói là nói vậy, nhưng không phải dễ dàng gì cho một cuộc phục hồi ý chí của những người đã lỡ vướng vào ma túy. Vậy nên các y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên phục vụ tại cơ sở cai nghiện phải  có tâm huyết và tấm lòng đối với người bệnh".

Tôi đã gặp nơi đây một số bạn trẻ mà sức sống đang hồi phục trên gương mặt. Có người đã từng là sinh viên, là kỹ sư; có người đã có vợ, có con... Tất cả đều cho rằng, vào đây chữa bệnh thì thấy yên tâm và cũng đặt quyết tâm từ bỏ ma túy, nhưng chưa ai dám chắc khi về lại với cộng đồng, bản thân mình có thể từ bỏ được sự cám dỗ quay lại con đường cũ, nếu như môi trường sống không an toàn và ý chí không vững chắc. Phó giám đốc Vinh, một cán bộ quân đội đã phục viên từ năm 1989, kể: "Có em ở ngoài làm giám đốc doanh nghiệp, có vợ con rồi mà vào đây đôi khi như đứa trẻ, "nhõng nhẽo" lắm. Có lúc ban đêm anh đã phải chịu trận ngồi ở ghế đá vỗ về một em học viên cho qua nỗi bứt rứt của tâm trạng". Phó giám đốc Vinh nói vui: "Con mình ở nhà có khi mình chẳng chiều đến thế, nhưng với các em ở đây thì mình cũng phải xem như người thân để nâng đỡ tinh thần các em khi chúng cần đến".

Có lẽ cũng xuất phát từ tâm trạng của một người có thân nhân bị vướng vào nghiện ngập và phải bỏ mạng vì nó, nên vợ chồng chị Nguyễn Thị Trang (sống tại TP.Hồ Chí Minh) đã nung nấu thành lập một cơ sở cai nghiện ma túy. Và cũng phải có quyết tâm lắm dự án này mới có thể đi vào hoạt động sau mấy năm trời lo thủ tục, điều chỉnh mục tiêu để phù hợp với quy định thành lập cơ sở cai nghiện của Bộ Lao động - thương binh và xã hội. Và trước khi chính thức được cấp phép hoạt động, cơ sở cũng đã phải trải qua sự kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành (Lao động - thương binh và xã hội,  Y tế, Giáo dục...).

 

* 30 tỷ đồng chưa đủ

 

Là người kinh doanh, chị Nguyễn Thị Trang và chồng chị là anh Nguyễn Công Sánh đã khá táo bạo khi quyết định bỏ ra hàng chục tỷ đồng cho một hoạt  động mà chưa thể lấy lại vốn trong những năm trước mắt. Lúc đầu chỉ tính khoảng chừng mươi, mười lăm tỷ đồng, nhưng rồi sau đó phải tăng số vốn đầu tư lên gấp đôi mới ra được bộ mặt cơ sở như mong muốn của mình. Thế là anh chị đã phải đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh khác để lấy lợi nhuận đầu tư cho cơ sở này. Không chỉ là phương pháp cắt cơn mà phục hồi tinh thần và sức lực cho người bị nghiện ma túy mới là "công đoạn" khó khăn và đòi hỏi nhiều công sức. Do vậy, trên diện tích 3 hecta, ngoài hai dãy phòng dành cho khu hành chính, khu nhà bếp, nhà ăn, nhà ở cho khối nhân viên, đường nội bộ, phòng cắt cơn điều trị ban đầu..., phía bên trong cơ sở dành hẳn một khu cho người bệnh đã qua giai đoạn cắt cơn, bao gồm: Khu nhà ở và phòng chăm sóc học viên, hội trường, phòng tập thể hình, thư viện, phòng văn nghệ. Kế đến là dãy các phòng học hướng nghiệp như vi tính, sửa xe gắn máy, mộc dân dụng và nghệ thuật, cơ khí, may. Dọc hai bên hành lang khu vui chơi, học tập là hai dãy phong lan dày đặc, vừa tạo mảng xanh vừa để cho học viên lao động nhẹ nhàng là chăm sóc vườn lan sau thời gian cắt cơn. Đặc biệt, nơi đây còn có hai phòng cầu nguyện cho người theo đạo Công giáo  hay đạo Phật để người bệnh tĩnh nguyện khi cần thiết. Một công viên hòn non bộ ngoài trời cũng là nơi mà người bệnh tìm đến để thư giãn trong những lúc yếu lòng.

Cơ sở hiện có khả năng chăm sóc 300 người một lúc nhưng hiện nay số người tìm đến chưa nhiều, có lẽ  do sự quảng bá chưa rộng rãi. Tuy nhiên, việc đầu tư vẫn đang tiếp tục. Một hồ bơi để phụ giúp trị liệu cho những người bệnh, một khu nhà riêng biệt dành cho nhu cầu của người bệnh cần ở phòng riêng biệt với những tiện nghi cần thiết. Hiện chi phí tháng đầu cho một bệnh nhân vào chữa trị tại đây là 5,5 triệu đồng, từ tháng thứ hai trở đi sẽ là 3,5 triệu đồng/tháng. Cơ sở cũng đang xây mới khu cắt cơn điều trị, khu nuôi dưỡng và chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS, trung tâm tư vấn, nhà ở cho tình nguyện viên chăm sóc bệnh nhân AIDS. Tiếp theo sẽ là một khu chăn nuôi và canh tác nông nghiệp theo mô hình VAC nhằm phục vụ cho liệu pháp lao động trị liệu và cải thiện đời sống cho bệnh nhân... Chủ nhân của cơ sở này đang tiến hành mở một xí nghiệp may ở Phước Tân (huyện Long Thành) với ý định sau này nếu như những bệnh nhân sau khi cai nghiện ở Cơ sở Xuân Lộc ra, nếu muốn làm việc thì sẽ được nhận vào làm ở đây. Và con số 30 tỷ đồng có thể chưa dừng lại.

Quả là dày công và tốn kém cho một phác đồ điều trị và phục hồi thể lực, ý chí cho những bệnh nhân nghiện ma túy. Cũng đã có những lời đề nghị hợp tác trong điều trị hoặc nâng cấp dịch vụ từ phía nhà đầu tư nước ngoài với hy vọng không chỉ chữa bệnh cho người trong nước mà cả người bệnh nước ngoài có nhu cầu. Tuy nhiên, công việc cũng chỉ mới bắt đầu khoảng 8 tháng, và trước mắt còn nhiều việc phải lo toan.

Bệnh nhân có khả năng chống chịu được sự cám dỗ phù du ngoài  xã hội sau khi đã cai nghiện xong hay không  là một câu hỏi nhức nhối vẫn còn để ngỏ. Bởi không chỉ là tâm huyết của đội ngũ y, bác sĩ; của những nhà hoạt động xã hội mà còn đòi hỏi cả tấm lòng của gia đình, cộng đồng với bệnh nhân sau cai nghiện cùng với các giải pháp tích cực của nhà chức trách trong việc ngăn ngừa thảm họa ma túy và giúp cho bệnh nhân sau cai nghiện trở về với đời sống cộng đồng được thuận lợi.

K.L

 

Tin xem nhiều