Qua hơn 1 tháng thực hiện Chỉ thị 11/CT-UBT về việc cấm uống rượu, bia trong giờ làm việc:
Nơi nghiêm túc, chỗ "xé rào"

10:04, 02/04/2007

Chỉ thị 11 của Chủ tịch UBND tỉnh có hiệu lực từ ngày 24-2-2007 với nội dung chủ yếu là cấm cán bộ, công chức uống rượu, bia trong ngày, giờ làm việc... Trước đó, ở một số huyện đã có văn bản chỉ đạo của cấp ủy với nội dung tương tự, nhưng vẫn xảy ra tình trạng "xé rào"để đi nhậu vào buổi trưa của một số cán bộ, công chức.

Chỉ thị 11 của Chủ tịch UBND tỉnh có hiệu lực từ ngày 24-2-2007 với nội dung chủ yếu là cấm cán bộ, công chức uống rượu, bia trong ngày, giờ làm việc... Trước đó, ở một số huyện đã có văn bản chỉ đạo của cấp ủy với nội dung tương tự, nhưng vẫn xảy ra tình trạng "xé rào"để đi nhậu vào buổi trưa của một số cán bộ, công chức.

 

* Nhiều nơi thực hiện nghiêm túc

 

Trước đây, nội qui của các cơ quan nhà nước thường chỉ cấm cán bộ, công chức uống rượu, bia trong giờ làm việc. Các văn  bản của cấp huyện thường cũng chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở nội dung trên. Do vậy, một số người tranh thủ hết giờ làm việc buổi trưa là kéo nhau ra quán "làm vài ve".

Để chấn chỉnh tình trạng cán bộ, công chức sau khi nhậu buổi trưa lại vào cơ quan trong tình trạng có "hơi men", tháng 3-2006 Huyện ủy Long Thành đã có thông báo nghiêm cấm uống rượu, bia trong giờ làm việc, kể cả buổi trưa. Do "vận dụng" buổi trưa là ngoài giờ làm việc nên một cơ quan ở huyện Long Thành đã bày rượu trong bữa ăn trưa sau một cuộc hội nghị. Ngay sau đó, cán bộ có trách nhiệm của cơ quan trên đã bị Huyện ủy Long Thành nghiêm khắc phê bình và xử lý về việc cố tình vi phạm thông báo của cấp ủy. Sau vụ việc này, cán bộ, công chức ở Long Thành đã kiêng dè và thực hiện nghiêm không uống rượu, bia vào buổi trưa. Một cán bộ ở Viện Kiểm sát nhân dân Long Thành cho biết, sau khi Chỉ thị 11 của Chủ tịch UBND tỉnh được ban hành, Huyện ủy Long Thành liền có Chỉ thị số 1, ngày 22-1-2007 nhấn mạnh thông báo cấm uống rượu, bia trong giờ làm việc trước đó và cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị 11 của tỉnh. Do vậy, có thể nói tình trạng chấp hành "không uống rượu, bia trong ngày, giờ làm việc" đã được chấp hành nghiêm ở Long Thành. Các cán bộ, công chức ở đây khi được tiếp xúc đều cho biết rất ủng hộ chỉ đạo của tỉnh, huyện về việc chống lạm dụng rượu bia. Hiện nay, các đám tiệc lễ nghĩa của gia đình cán bộ, công chức đa số đều được tổ chức vào buổi chiều và hai ngày nghỉ cuối tuần để mọi người có thể yên tâm "lai rai" với bạn bè.

Ông Đào Văn Minh, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Long Thành cho biết, bước tiếp theo chỉ đạo chống lạm dụng rượu, bia là huyện  sẽ yêu cầu cán bộ, đảng viên làm cam kết cá nhân không vi phạm Chỉ thị số 1 của huyện và Chỉ thị số 11 của tỉnh. Một cán bộ lãnh đạo huyện Long Thành cho biết, nhờ chấp hành các chỉ thị này mà cán bộ, đảng viên của huyện giảm nhiều việc uống rượu, bia, nhờ vậy cán bộ, công chức làm việc có hiệu quả hơn trước. Được biết, ngoài Long Thành, các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Trảng Bom cũng đã có chỉ đạo chống lạm dụng rượu, bia trong năm 2006. Và Chỉ thị 11 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành vào tháng 2-2007 như tạo thêm sức mạnh, để các huyện thực hiện tốt hơn.

 

* Nhưng vẫn còn tình trạng  "xé rào"

 

Mặc dù Chỉ thị 11 của Chủ tịch UBND tỉnh được đông đảo cán bộ, công chức hưởng ứng, chấp hành nhưng có lẽ do thói quen uống rượu, bia còn ăn sâu ở một số người nên vẫn xảy ra tình trạng "xé rào".

Ở Long Thành, các quán nhậu có tiếng như quán lẩu dê "Ngã tư  ChengShin", lẩu hải sản "Tuấn Cầu Xéo"... buổi trưa rất thưa vắng khách vì các quán này nằm ở gần trung tâm huyện hoặc quá nổi tiếng nên một số cán bộ, công chức muốn nhậu buổi trưa phải chừa ra.   Trong khi đó, hiện nay các quán nhậu ở các xã xa hoặc quán có vườn tược kín đáo được các "chiến hữu" thích nhậu trưa chọn làm nơi "chiến đấu". Chẳng hạn như quán Nh. ở xã Lộc An. Quán này có vườn dâu sau nhà, sân vườn được bày bàn ghế sẵn sàng phục vụ các khách nhậu muốn kín đáo. Ông chủ quán cho biết, buổi trưa quán thường có đông khách là cán bộ nhà nước. Có lẽ tình trạng đi nhậu ở các quán xa trung tâm huyện cũng xảy ra ở các địa phương khác. Một buổi trưa đầu tháng 3-2007 vừa qua, chúng tôi vào một quán nhậu ở xã Gia Canh (huyện Định Quán) cũng thấy một nhóm người đang nhậu, trong đó có một vài cán bộ huyện. Một cán bộ vừa khui bia vừa nói, do có khách đặc biệt nên phải vào tận đây để đãi khách. Trưa ngày 26-3, chúng tôi ghé qua một vài quán nhậu ở huyện Nhơn Trạch để ghi nhận thực tế việc chấp hành Chỉ thị 11 của Chủ tịch UBND tỉnh. Tại quán Ng.Q., cách trung tâm huyện vài trăm mét (nhưng nằm khuất bên trong vườn cây), không nhìn thấy một thực khách nào. Nhân viên quán cho biết do vắng khách nhậu trưa nên quán đã bán thêm cơm phần và cơm dĩa để mong bán được cho cán bộ, công chức huyện đến ăn trưa. Thế nhưng khi đi sâu vào thêm hơn trăm mét, chúng tôi thấy quán T.Ph. (nằm trong vườn nhãn) có đậu khá nhiều xe bảng số xanh và cả bảng số đỏ. Đi dạo một vòng qua các chòi nhậu, chúng tôi thấy các bàn khách đều bày nhiều bia hoặc rượu. Trước đó, một cán bộ huyện cho biết, nếu lỡ gặp bạn bè thân thiết cần phải nhậu thì phải chạy qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hoặc quận 2 (TP.Hồ Chí Minh) để tránh vi phạm Chỉ thị 11 của Chủ tịch UBND tỉnh. Nhưng có lẽ việc thực hiện Chỉ thị 11 ở Nhơn Trạch tiến hành chưa thật nghiêm túc nên vẫn còn tình trạng "xé rào" kể trên.

Có thể nói Chỉ thị chống lạm dụng rượu bia của Chủ tịch UBND tỉnh đã có tác động tốt và được nhiều người ủng hộ. Trước đây nhiều năm, đã từng có Chỉ thị 76 của Bộ trưởng Bộ Công an và Chỉ thị 351 của Thủ tướng Chính phủ cấm cán bộ, chiến sĩ công an và cán bộ, công chức lạm dụng rượu, bia nhưng hiệu quả  thực hiện chưa cao và gần như rơi vào quên lãng. Để Chỉ thị 11/CT-UBT được chấp hành nghiêm túc, hiệu quả hơn, có lẽ lãnh đạo các cấp, các ngành, các đơn vị và các địa phươngcần có biện pháp kiểm tra hữu hiệu hơn và có cách xử lý phù hợp.

T.T

 

 

Tin xem nhiều