Báo Đồng Nai điện tử
En

Đội quản lý thị trường số 10: Gian nan chống buôn lậu trên đường sông

10:04, 10/04/2007

Trên địa bàn Đồng Nai, đoạn sông duy nhất để dân buôn lậu vận chuyển hàng là sông Cát Lái - một bên bờ thuộc xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch) và một bên thuộc quận 2, TP.Hồ Chí Minh. Ban ngày, tại vùng sông nước này cuộc sống có vẻ nhộn nhịp, tấp nập bao nhiêu thì về đêm, đôi lúc màn đêm tĩnh lặng bị phá vỡ bởi những chiếc ghe thuyền chở hàng lậu nhanh chóng mất hút vào bóng tối...

Lực lượng QLTT số 10 tuần tra trên sông.

Trên địa bàn Đồng Nai, đoạn sông duy nhất để dân buôn lậu vận chuyển hàng là sông Cát Lái - một bên bờ thuộc xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch) và một bên thuộc quận 2, TP.Hồ Chí Minh. Ban ngày, tại vùng sông nước này cuộc sống có vẻ nhộn nhịp, tấp nập bao nhiêu thì về đêm, đôi lúc màn đêm tĩnh lặng bị phá vỡ bởi những chiếc ghe thuyền chở hàng lậu nhanh chóng mất hút vào bóng tối...

 

* Sức sống một dòng sông

 

9 giờ sáng, từ phà Cát Lái chúng tôi đi khảo sát dọc tuyến sông trên chiếc ca nô của Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 10, huyện Nhơn Trạch. Do những gợn sóng khá mạnh nên khi chạy với vận tốc chừng 80 km/giờ, chiếc ca nô cứ chồm lên cao hàng thước, để lại phía sau những cột nước trắng xóa. Cái nắng chang chang của một ngày cuối tháng ba cùng với gió hất thẳng vào người trên suốt cuộc hành trình đã làm cho chúng tôi - những người không quen sông nước - khá mệt mỏi.  Thấy chúng tôi có vẻ hoảng hốt mỗi khi chiếc canô đi ngược sóng bị hất lên cao, tài công Lê Văn Thái cười bảo: "Đi như vậy còn chậm đấy. Khi phát hiện có ghe chở hàng lậu, tôi phải chạy trên 100km/giờ. Không biết lúc đó các anh có chịu nổi không?". Anh Thái kể, ghe của dân buôn lậu nhiều chiếc được gắn máy xe hơi, tốc độ có thể đạt 120km/giờ. Gặp những chiếc ghe như vậy, đôi lúc phải đuổi theo cả nửa giờ đồng hồ mới bắt kịp.

Từ phà Cát Lái, chiếc ca nô đảo một vòng cù lao Ông Cồn, thuộc xã Đại Phước - một địa điểm đang được xây dựng thành khu du lịch sinh thái. Tiếp đó, chúng tôi còn đi đến xã Phước Khánh (sông Cần Giờ) với bên kia là huyện Cần Giờ của TP.Hồ Chí Minh. Ngang qua những khu rừng đước xanh rì, rậm rạp, đội trưởng Đội QLTT số 10 Dương Minh Dũng cho biết, đôi khi những con rạch dưới những khu rừng rậm là "căn cứ" của những chiếc ghe chở hàng lậu. Thực tế, phần lớn số ghe tham gia chở hàng lậu là của những người làm nghề chài lưới, chuyên đi đánh bắt cá tôm trên suốt đoạn sông này. Đời sống của dân chài vùng sông nước Cát Lái và những khu vực lân cận trước đây không đến nỗi nghèo khó. Sau này, do môi trường sinh thái bị ô nhiễm nên đã hủy diệt  phần lớn các loại thủy sản trong tự nhiên, nghề đánh bắt tôm cá rất chật vật để sinh sống. Rất nhiều trường hợp ngư dân lâm vào cảnh cùng cực đã đẩy họ đến chỗ ai mướn gì làm nấy. Lợi dụng tình trạng này, bọn buôn lậu đã thuê dân chài chở hàng cấm, hàng trốn thuế từ những chiếc tàu viễn dương neo đậu trên sông. Để tránh bị phát hiện, bọn buôn lậu (hầu hết ngụ ở TP.Hồ Chí Minh) đôi lúc yêu cầu người chở hàng thuê "ém" ghe vào trong rạch dưới những rặng rừng đước, chờ cơ hội thuận tiện mới xuống hàng. Thực ra, những đối tượng này có đủ trăm phương ngàn kế để qua mắt cơ quan chức năng, kể cả việc tăng cường các loại phương tiện tốc độ cao. Khi giao hàng cho những người lái đò nghèo vận chuyển, dân buôn lậu thường không xuất đầu lộ diện, mà chỉ hẹn lấy hàng ở những địa điểm đã được báo trước. Cho nên, khi hàng lậu bị QLTT bắt giữ, những người chủ ghe không có lấy một đồng trong túi để nộp phạt vi phạm hành chính, buộc phải về địa phương xác nhận thuộc diện nghèo khó để miễn nộp phạt.        

Trên suốt tuyến đường đi, chúng tôi bắt gặp hàng trăm tàu viễn dương neo đậu ở các cảng và các phao để lên hàng hoặc xuống hàng, trong đó có rất nhiều tàu với hàng trăm ghe thuyền chở gạo bao quanh chờ lên hàng để xuất khẩu. Ngoài ra còn có những tàu chở nước ngọt, tàu chở lanhke... và cả tàu đang sửa chữa. Cạnh những chiếc tàu viễn dương luôn có lực lượng "xuồng vàm" đông đúc lúc nào cũng kè kè ở gần. Đó là những chiếc ghe chở hàng tiêu dùng - nói đúng hơn là những "chợ" di động mà người buôn bán nhỏ đem đến cho thủy thủ có nhu cầu. Dù ở dưới sông, nhưng mọi hoạt động diễn ra có vẻ tấp nập, nhộn nhịp và đầy sức sống. Chỉ vào những chiếc tàu lớn chở container nhập cảng, đội trưởng Dũng khẳng định, hễ tàu nào có thủy thủ Việt Nam thì phần lớn đều có hàng trốn thuế hoặc hàng cấm. Hàng lậu được "nhập" về thường là các thiết bị kim khí điện máy, như tivi, tủ lạnh, máy móc...  Dĩ nhiên, ban ngày thì dân buôn lậu (kể cả thủy thủ) chẳng dại gì xuống hàng, mà chờ cho đêm xuống, các đối tượng này mới hoạt động.

 

* Gian nan cuộc chiến trên sông

 

Xế chiều, chiếc ca nô đưa chúng tôi về lại nơi xuất phát (phà Cát Lái) sau một cuộc hành trình mệt mỏi. Tối, những chiếc tàu neo đậu trên dòng sông Cát Lái trở thành "thành phố" về đêm với những ánh đèn rực rỡ; trên dòng sông có vẻ yên tĩnh. Thế nhưng, đằng sau sự tĩnh lặng đó thì Đội QLTT số 10 luôn ở thế đối mặt với hiểm nguy.  

Từ năm 2004, hoạt động buôn lậu trên sông Cát Lái diễn ra hết sức phức tạp, nhưng do không có phương tiện nên mỗi lần đi tuần tra, đội QLTT phải thuê ghe. Khi "bám đuôi" tàu chở hàng lậu thì cuộc đuổi bắt diễn ra hết sức gian nan, vất vả. Từ cuối năm 2006, UBND huyện Nhơn Trạch mới trang bị cho QLTT chiếc ca nô, phương tiện này đã tạo điều kiện tuần tra trên sông được thuận tiện. "Cách đây không lâu, vào khoảng 4 giờ 30  sáng, Đội QLTT trong lúc tuần tra đã phát hiện chiếc ghe không số chở một số hàng. Tiến hành kiểm tra, chúng tôi phát hiện đó là hàng lậu gồm 7 bộ máy điều hòa không hóa đơn chứng từ. Tương tự, vào lúc 23 giờ khuya, dịp trước Tết Đinh Hợi, Đội QLTT số 10 phối hợp với Công an Kinh tế huyện và và Công an xã Phú Thanh tiến hành kiểm tra khu vực sông Đồng Tranh (gần đê Ông Kèo), phát hiện một lô hàng gồm 2.880 chai dầu gió xanh ngoại và 9 tivi tinh thể lỏng (loại từ 30 - 100 inch, sản xuất tại Nhật) đang được chuyển từ ghe sang xe tải...". Đội trưởng Dũng kể lại những vụ việc điển hình mà anh cho là khá đơn giản, vì đối tượng bị kiểm tra bất ngờ nên trở tay không kịp.

Anh cho biết, những lúc đi tuần tra hoặc đuổi theo ghe chở hàng lậu vào đêm khuya, rất nhiều lần ghe hoặc ca nô suýt gặp tai nạn do không được mở đèn và vì tài công chỉ điều khiển phương tiện theo cảm tính. Trong khi đó, bọn buôn lậu là thành phần chủ động trong cuộc "đua" giành phần thắng nên họ hết sức liều lĩnh. Để đối phó với lực lượng kiểm tra, bọn buôn lậu sẵn sàng trả đũa, sẵn sàng đối phó bằng mọi thủ đoạn để thoát thân. Những thủ đoạn thường thấy của bọn buôn lậu trên sông là luôn ở trong tư thế tẩu tán tang vật xuống dưới  nước, sau đó sẽ quay lại mò vớt, hoặc xé lẻ hàng hóa để vận chuyển nhiều lần nên khó phát hiện. Ngay cả khi đã tuồn được hàng xuống nước thì họ sẽ quay lại chửi bới, thậm chí đòi hành hung những người làm nhiệm vụ. Còn nếu bị bắt quả tang chở hàng lậu, chỉ cần cán bộ QLTT có sơ suất nhỏ, các đối tượng liên quan có thể liều mạng chống trả. Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp, thời gian qua Đội QLTT đã phát hiện và thu giữ nhiều mặt hàng lậu có giá trị.

Trong 3 tháng đầu năm 2007, do công tác tuần tra ban đêm được tăng cường nên tình hình buôn lậu trên sông Cát Lái có phần lắng dịu. Mặt khác, theo nhiều người phân tích thì giới buôn lậu đang cân nhắc, là khi Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về giảm thuế suất đối với hàng nhập khẩu thì buôn lậu không còn "lãi" cao. Chính vì vậy, vùng sông nước Cát Lái trong những tháng vừa qua trở nên yên tĩnh lạ thường. Song như lời đội trưởng Dương Minh Dũng, cuộc chiến giữa QLTT và những người buôn lậu trên sông chỉ kết thúc khi mọi người đều ý thức được rằng: buôn lậu dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều vi phạm pháp luật!

T.N

 

Tin xem nhiều