Báo Đồng Nai điện tử
En

Tuần lễ quốc gia an toàn - vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ 2007: Khi quản lý không theo kịp tốc độ gia tăng của các doanh nghiệp

09:03, 23/03/2007

Số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) trên địa bàn Đồng Nai mỗi năm một cao. Riêng năm 2006, Đồng Nai là tỉnh đứng thứ hai (sau Bình Dương) về tai nạn lao động (TNLĐ) với 5.881 vụ, làm chết 536 người và 1.142 người bị thương tật.

Làm việc với các thiết bị, máy móc liên quan đến điện, cẩn trọng vẫn không thừa.

Số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) trên địa bàn Đồng Nai mỗi năm một cao. Riêng năm 2006, Đồng Nai là tỉnh đứng thứ hai (sau Bình Dương) về tai nạn lao động (TNLĐ) với 5.881 vụ, làm chết 536 người và 1.142 người bị thương tật.

 

* Tai nạn lao động vẫn cao

 

So với năm 2005, số vụ TNLĐ trong năm 2006 đã tăng 31,1% về tổng số vụ, tăng 31,6% về số người bị nạn, tăng 12,2% số vụ có người chết  và tăng 11,8% số người chết. Theo đánh giá của Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TBXH), nguyên nhân chủ yếu gây TNLĐ là do người sử dụng lao động vi phạm các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật an toàn; thiết bị không bảo đảm an toàn; người lao động không được xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; chưa được huấn luyện an toàn lao động, không đủ phương tiện bảo vệ cá nhân. Cụ thể, TNLĐ gây chết người nhiều nhất là điện giật (chiếm 20% tổng số vụ), với 189 người chết; ngã từ trên cao (chiếm 16,4%) với 123 người chết; 63,6% số vụ TNLĐ còn lại  là do bị vật đổ đè, máy móc, thiết bị cán, kẹp, cuốn và các vật văng, bắn gây ra tai nạn... với 224 người chết. Những con số trên mới chỉ thống kê từ 360  doanh nghiệp (DN) trong tổng số gần 6.000 DN lớn nhỏ đang hoạt động trên địa bàn. Nếu tất cả các cơ sở sản xuất được thống kê chi tiết và đầy đủ thì số TNLĐ có lẽ còn cao hơn  nhiều.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chánh thanh tra Sở LĐ-TBXH cho biết: "Hiện nay, công tác bảo đảm an toàn lao động là hoạt động vẫn được duy trì thường xuyên trong cả năm. Tuần lễ quốc gia về an toàn  - vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) mang tính chất là chiến dịch  nhằm nâng cao ý thức của người lao động, người sử dụng lao động về công tác này. Ngành lao động vẫn phối hợp với các ngành chức năng khác kiểm tra tại các DN, nhưng thực tế hiện nay quản lý không thể theo kịp sự gia tăng nhanh về số lượng DN đầu tư trên địa bàn. Với khoảng 6.000 cơ sở sản xuất các thành phần, chúng tôi không đủ lực lượng để kiểm tra. Hiện nay mỗi năm ngành chỉ kiểm tra được khoảng 70-80 cơ sở; ngành cũng không thể tập huấn đầy đủ. Điều này, chủ DN và cả người lao động phải chia sẻ trách nhiệm với chúng tôi".

 

* Cần cộng đồng trách nhiệm

 

Tại nhiều hội nghị  bàn về vấn đề hạn chế TNLĐ và bệnh nghề nghiệp,  ngành chức năng cũng như các ngành liên quan đã đề ra  khá  nhiều biện pháp. Song biện pháp thì nhiều, nhưng hiệu quả thực hiện lại chưa được bao nhiêu, đặc biệt là trong tình hình Đồng Nai đang gia tăng nhanh về số lượng DN mà quản lý của ngành chức năng không theo kịp phát sinh thực tế. Do đó, cộng đồng trách nhiệm phải cần được cam kết từ các bên.

Trước hết, trách nhiệm thuộc về của ngành quản lý lao động. Ngành  cần có cách tổ chức, tuyên truyền công tác AT-VSLĐ hiệu quả hơn nữa về cả nội dung lẫn hình thức, sao cho chủ DN và người lao động thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nghiêm công tác AT-VS LĐ; nên có những đợt kiểm tra đột xuất để tránh sự đối phó từ phía DN; kiến nghị UBND tỉnh nâng cao mức xử phạt các vi phạm để DN không còn tâm lý xem thường pháp luật, góp phần  giáo dục, răn đe những DN chấp nhận  chịu phạt chứ không muốn trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động...  Bên cạnh đó, cần phát huy hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong công ty. Cán bộ Công đoàn cần nâng cao trách nhiệm trong việc đôn đốc, động viên người lao động thực hiện các biện pháp bảo hộ trong lao động; đấu tranh với chủ DN  để người lao động được làm việc trong môi trường an toàn. Đối với những trường hợp xảy ra TNLĐ chết người do chủ DN không có những biện pháp bảo đảm an toàn hoặc không trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động cho người lao động, ngành cần phối hợp với công an và viện kiểm sát để truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, chia sẻ trách nhiệm quản lý với chính quyền địa phương nơi nhà máy đứng chân để công tác kiểm tra đạt hiệu quả cao hơn.

Về phía chủ sử dụng lao động, kinh nghiệm cho thấy, khi nhà máy xảy ra TNLĐ hoặc cháy nổ, trước hết bản thân DN sẽ thiệt thòi về nhân lực, tài sản và ngày công lao động. Việc trang bị đầy  đủ các phương tiện bảo hộ lao động và tạo cho người lao động một môi trường làm việc an toàn với một chế độ kiểm tra, đôn đốc hợp lý... sẽ tạo được tâm lý yên tâm, thoải mái cho cả chủ lẫn thợ, vừa phòng tránh được tai nạn, vừa tránh bị xử phạt do vi phạm các quy định về AT-VSLĐ và phòng chống cháy nổ.

Cũng thế, trong khi quản lý của ngành chức năng còn nhiều hạn chế, sự quan tâm của chủ DN đối với công tác an toàn lao động còn giới hạn và chưa thật hiệu quả,  người lao động phải biết tự bảo vệ mình khỏi những nguy cơ tai nạn, để không phải gánh chịu những hệ lụy đau lòng khi tai nạn xảy ra. Tai nạn hoàn toàn có thể tránh khi mỗi người lao động ý thức cảnh giác với tai nạn bằng việc thực hiện tốt   thông qua những động tác nhỏ nhất. Đặc biệt, người lao động phải biết đấu tranh với giới chủ để được trang bị  đầy đủ phương tiện và đồ bảo hộ, thẳng thắn từ chối khi bị ép làm việc trong điều kiện môi trường  kém an toàn.

 Phương Liễu

 

Tin xem nhiều