Báo Đồng Nai điện tử
En

Giảm tỷ lệ nhiễm HIV bằng cách nào?

09:03, 13/03/2007

Mục tiêu mà ngành Y tế Đồng Nai đặt ra trong năm 2007 là giảm tỷ lệ hiện nhiễm HIV/AIDS xuống dưới 0,27%. Điều này liệu có thực hiện được khi mà tệ nạn xã hội (TNXH) và tình hình lây nhiễm HIV trên địa bàn vẫn rất đáng lo ngại?

Chăm sóc người nhiễm HIV/ AIDS tại Trung tâm cai nghiện MT Xuân Phú.

Mục tiêu mà ngành Y tế Đồng Nai đặt ra trong năm 2007 là giảm tỷ lệ hiện nhiễm HIV/AIDS xuống dưới 0,27%. Điều này liệu có thực hiện được khi mà tệ nạn xã hội (TNXH) và tình hình lây nhiễm HIV trên địa bàn vẫn rất đáng lo ngại?

 

* Những con số kinh hoàng

 

Nếu tính từ năm 1993 đến hết năm 1996, Đồng Nai đã phát hiện 5.924 người bị nhiễm HIV/AIDS. Thực tế, con số này có thể cao hơn nếu được kiểm tra chặt chẽ. Trong số bệnh nhân nhiễm HIV, có 2.107 người nghiện ma túy (MT), 58 gái mại dâm (MD), 503 bệnh nhân lao, 1.439 dân thường, 1396 phạm nhân, 43 trẻ em bị nhiễm từ cha mẹ... Riêng trong năm 2006, trong số 6.685 mẫu xét nghiệm HIV, cơ quan chức năng đã phát hiện 915 trường hợp huyết thanh dương tính (bình quân mỗi ngày có khoảng 2,5 trường hợp bị lây nhiễm HIV), bao gồm: 293 người nghiện MT , 92 bệnh nhân lao, 45 bệnh nhân nghi bị AIDS và 385 đối tượng khác. Về lĩnh vực giám sát trọng điểm, có 84/400 người nghiện MT, 11/95 gái MD, 8/400 bệnh nhân lao, 2/335 tiếp viên nhà hàng, massage đều bị nhiễm HIV. Đặc biệt, số phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV, có 11,96% là dương tính. Ngay cả trong ngành y tế và công an cũng có 10 cán bộ bị tai nạn rủi ro khi đang tác nghiệp... Những con số kể trên cho thấy, tình hình lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh diễn biến đáng lo ngại, mặc dù theo đánh giá, số người nhiễm HIV năm 2006 giảm 264 người so với năm 2005 (915/1.179), số bệnh nhân HIV chuyển sang AIDS giảm 18 người (107/125) và số người tử vong giảm 17 người (42/59).

 Trong những năm gần đây, tốc độ phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh khá cao, thu hút hàng trăm ngàn lao động từ các nơi đến. Cùng với việc biến động dân số này đã phát sinh hàng loạt các loại hình dịch vụ khác, trong đó có cả các lĩnh vực hết sức nhạy cảm. Trước tình hình này, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai (thuộc Sở Y tế) đã tổ chức các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV, tập trung ở các nhóm đối tượng có hành vi và nguy cơ cao như người nghiện MT, gái MD. Đó là các chương trình cung cấp, trao đổi bơm kim tiêm và phân phát bao cao su (BCS). Nhiều người cho rằng, việc cung cấp bơm kim tiêm hoặc phát BCS chẳng khác gì "vẽ đường cho hươu chạy" khi cả xã hội lên án và quyết liệt phòng chống MT, MD. Song thực tế, ý thức sử dụng kim tiêm sạch và quan hệ tình dục đảm bảo an toàn trong các nhóm đối tượng này được nâng lên: Đã có gần 20 ngàn lượt người nghiện được cung cấp hoặc trao đổi bơm kim tiêm, gần 230 ngàn BCS được phát miễn phí. Trong đó, số gái MD đã nhận trên 70 ngàn BCS. Riêng số người quan hệ tình dục đồng giới nam - một trong những hành vi có nguy cơ cao nhất về lây nhiễm HIV  - thì trong năm 2006 cũng đã được cấp phát BCS và dầu bôi trơn. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc và điều trị HIV/AIDS được chú trọng. Tất cả số bệnh nhân HIV và AIDS đều được điều trị tại cơ sở y tế hoặc tại nhà một cách chu đáo. Nhờ làm tốt công tác phòng nên mục tiêu "3 giảm" đã đạt được như kế hoạch đề ra. Đáng chú là các địa phương như TX. Long Khánh, TP. Biên Hòa  cùng  các huyện: Trảng Bom, Long Thành những năm trước có tỷ lệ lây nhiễm HIV cao nhất tỉnh, nay cũng được khống chế và giảm nhiều.

 

* Giảm tỷ lệ nhiễm HIV bằng cách  nào?

Bệnh nhân AIDS ỏ Bệnh viện da liễu Đồng Nai.

 

Bác sĩ Võ Thị Kim Loan, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho rằng, trước đây, vấn đề kỳ thị, phân biệt và đối xử, xa lánh với người bị nhiễm HIV đã tạo tâm lý hoang mang cho xã hội và hình thành ý tưởng "trả thù" trong bệnh nhân. Chính vì vậy, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với bệnh nhân nhiễm HIV được xác định là một mắt xích vô cùng quan trọng và được đặt lên hàng đầu trong 9 chương trình quốc gia phòng chống HIV/AIDS đã đề ra. Thực ra, thời gian gần đây, công tác truyền thông về mọi khía cạnh liên quan đến bệnh AIDS được đẩy mạnh nên xu hướng thân thiện và "sống chung" với người bệnh được thể hiện khá rõ nét. Tuy nhiên, do chưa nhận thức đầy đủ về căn bệnh này, cũng như sự lây nhiễm của nó nên một số thành phần trong xã hội vẫn coi bệnh nhân HIV là đối tượng cần phải tránh xa. Cho nên một trong những vấn đề trọng tâm đối với công tác phòng chống HIV/AIDS năm 2007 ở Đồng Nai là tiếp tục tập trung thông tin, tuyên truyền giáo dục truyền thông về phòng chống HIV/AIDS - nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời thay đổi thái độ và hành vi kỳ thị đối với người nhiễm HIV. Mục tiêu được nhấn mạnh trong chương trình truyền thông là: 82% nhân dân khu vực thành thị, 50% nhân dân khu vực nông thôn, miền núi phải hiểu đúng và biết cách dự phòng lây nhiễm HIV; 100% các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh xuống xã thường xuyên thông tin về những vấn đề liên quan đến HIV/AIDS; tiếp tục triển khai chương trình 100% BCS ở các địa phương: Long Thành, Nhơn Trạch, Long Khánh, Trảng Bom, Biên Hòa, đồng thời hoạt động can thiệp cho nhóm có quan hệ tình dục đồng giới nam; kiện toàn mạng lưới tổ chức từ tỉnh xuống cơ sở, tiến tới 90% xã, phường có cán bộ chuyên trách AIDS để tích cực triển khai mạnh các hoạt động giáo dục truyền thông, thay đổi hành vi và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng. Song song đó thì công tác chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV và tư vấn xét nghiệm tự nguyện; công tác giám sát, điều trị, an toàn truyền máu, chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con… đều là những vấn đề cần phải tập trung thực hiện.

Tạ Nguyên

 

 

Tin xem nhiều