Báo Đồng Nai điện tử
En

Bi kịch của người mẹ trẻ...

09:03, 13/03/2007

1."Hùm dữ không nỡ ăn thịt con", vì thế, khi nghe nói về vụ người mẹ trẻ đan tâm giết chết con ruột của mình, nhiều người đã không giấu được sự phẫn uất. Mọi người càng giận hơn khi xem lướt qua hồ sơ vụ án cùng tấm di ảnh của nạn nhân là một bé gái 8 tuổi học rất giỏi và đẹp như một thiên thần...

1."Hùm dữ không nỡ ăn thịt con", vì thế, khi nghe nói về vụ người mẹ trẻ  đan tâm giết chết con ruột của mình, nhiều người đã không giấu được sự phẫn uất. Mọi người càng giận hơn khi xem lướt qua hồ sơ vụ án cùng tấm di ảnh của nạn nhân là  một bé gái 8 tuổi học rất giỏi và đẹp như một thiên thần... Thế nhưng, nỗi ác cảm về người phụ nữ ấy đã thay đổi trong suy nghĩ của những người có mặt tại phiên tòa xét xử khi họ hiểu bi kịch của người mẹ trẻ, để thay vào đó là sự đau xót cho tấn bi kịch của bị can. Bi kịch bắt đầu từ sự chịu đựng nỗi đau dồn nén trong nhiều năm cùng với sự ít học, thiếu sự chăm sóc của người thân trong gia đình đã dẫn đến hành động bộc phát nông nỗi, dại dột khôn cùng...

2. Đứng trước vành móng ngựa chịu sự xét xử của pháp luật là một nữ bị can tuổi đời vừa mới 27, với tội danh "tày đình" là giết người, mà lại là chính con ruột của mình! Nhưng qua thẩm vấn của hội đồng xét xử và vị luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị can (theo yêu cầu của tòa) thì cuộc đời đầy bi kịch của người mẹ trẻ dần hé mở.

Mới 8 tuổi, N.N.Đ (ngụ ở thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) đã phải 2 lần gánh chịu  sự mất mát quá sức chịu đựng đối với một đứa trẻ khi cả cha lẫn mẹ đều lần lượt qua đời vì bạo bệnh. Dù trong gia đình còn nhiều anh chị nhưng ở miền quê nghèo này, cuộc sống bươn chải quá khó khăn nên  Đ. ít được quan tâm chăm sóc, dạy dỗ như những đứa trẻ cùng trang lứa. Ngay từ nhỏ, Đ. đã phải gồng mình lao vào cuộc mưu sinh bất kể công việc nhẹ nhàng hay nặng nhọc để có cái ăn.

Bi kịch cuộc đời đến với Đ. cách đây khoảng 10 năm, khi Đ. vừa bước qua tuổi 17 với biết bao mơ mộng và khát khao về tình yêu, về cuộc đời tươi đẹp của một người con gái ở tuổi mới lớn. Trong một đêm  đi làm về,  cô bị một gã bất lương trấn áp để giở trò đồi bại. Giữa đêm tối mịt mù và vắng vẻ của vùng quê này , Đ. không thể nhận ra khuôn mặt kẻ đồi bại ấy là ai. Cùng với đó là tâm trạng ngại ngùng, xấu hổ của người con gái mới lớn khiến cô phải câm nín, nén chịu nỗi đau một mình. Nhưng sau cái đêm kinh hoàng đó, một sinh linh bé nhỏ đã bắt đầu nảy nở trong người khiến cô không thể che giấu mãi được. Rồi các anh chị em trong gia đình cũng phát hiện cái bào thai theo ngày tháng cứ lớn dần trong bụng của Đ.

Thay vì thông cảm, chia sẻ nỗi bất hạnh của đứa em gái, mọi người lại thể hiện sự nghi ngờ, trách móc. Cố chịu nỗi đau đến ngày sinh nở, Đ cảm thấy được an ủi phần nào khi đứa con ngoài ý muốn là bé gái xinh xắn. Nhưng niềm vui làm mẹ cũng chẳng kéo dài được lâu vì các anh chị trong nhà quyết định chia cắt hai mẹ con Đ. khi giao đứa bé mới sinh vài tháng tuổi cho người chị cả chăm sóc. Dù rất buồn nhưng Đ. cũng nén lòng chấp nhận vì nghĩ anh chị làm thế là để con mình được chăm sóc tốt hơn và cũng để tránh những lời đàm tiếu không hay của miệng đời. Từ đó, cô phải xa con và sống cuộc đời làm thuê làm mướn rày đây mai đó từ Đồng Nai đến Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh. Tuy vất vả, hàng tháng cô cũng cố dành dụm ít  tiền gởi về cho chị để nuôi con mình. Bản thân cô, mỗi lần gặp con, dù thèm khát được một lần gọi con để được nghe bé T. (con của  Đ.) kêu tiếng mẹ thiêng liêng nhưng vì sợ chị mình, Đ. phải xưng là dì và gọi tên con với  sự nghẹn ngào bị kìm nén.

Ngày tháng dần trôi, bé T. ngày càng thông minh, xinh xắn. Cũng vì vậy mà chị của Đ. càng không muốn cho Đ.nhận là mẹ bởi sợ bé tủi thân, xấu hổ. Còn Đ. luôn nghĩ chị mình cố tình chia cắt tình mẹ con nên trong lòng rất buồn tủi và oán giận. Đến khi chị cô sinh được bé trai kháu khỉnh thì Đ. nghĩ rằng con mình sẽ bớt được chị cả yêu thương như trước.

3. Nỗi đau buồn, tủi thân, lo lắng được dồn nén nhiều năm, cộng với việc lao động vất vả khiến Đ. mang trong người nhiều chứng bệnh. Đặc biệt, chứng trầm cảm kéo dài làm cho Đ. mất ngủ triền miên và dẫn đến những suy nghĩ và hành động lệch lạc. Đỉnh điểm của bi kịch cuộc đời người mẹ trẻ bắt đầu từ đây.

Một lần về thăm con, Đ. xin phép chị đưa bé T. đi chơi. Nhưng khi đến điểm vui chơi, chứng kiến cảnh các gia đình người khác có vợ chồng, con cái vui đùa hạnh phúc, Đ. bỗng dâng lên một nỗi buồn khó tả. Nhớ đến quãng đời bất hạnh của mình từ nhỏ đến lớn, sự ghẻ lạnh thiếu quan tâm chăm sóc của người thân trong gia đình đối với mình, sự vất vả khó khăn trong cuộc sống mưu sinh và hơn hết là nỗi đau chia cắt tình mẹ con đã khiến Đ. đi đến một suy nghĩ điên rồ là tự tử để thoát khỏi sự đau khổ đang giày vò. Đáng sợ hơn, Đ. còn e ngại mình ra đi mà để lại đứa con gái mới vừa 8 tuổi chẳng biết sẽ sống ra sao nên quyết định cùng chết chung với đứa con yêu quý.

Thế là sau một ngày chơi đùa, ăn uống cùng với con, Đ. tìm thuê một phòng trọ ở thị trấn Vĩnh An để thực hiện ý định điên rồ của mình. Lấy những viên thuốc ngủ mua được ở  một tiệm thuốc, Đ. cho bé T. uống 3 viên, còn mình nuốt gọn 6 viên. Khi bé T. đã chìm vào giấc ngủ sâu, Đ. thấy mình vẫn không chết mà trong người cồn cào, nôn ọe nên đã gọi điện báo tin cho người thân trăn trối rồi Đ. lấy lưỡi dao lam (đã chuẩn bị trước đó) cắt đứt mạch máu ở chân của mình để tự sát. Dù say thuốc ngủ và máu từ vết cắt chảy tràn ra ngoài nhưng cô vẫn thấy mình tỉnh táo nên tiếp tục lấy lưỡi lam khác cắt đứt mạch máu ở cánh tay...

Lúc bấy giờ, được tin trăn trối của đứa em gái dại dột, người nhà chạy bổ đi tìm và phát hiện phòng trọ nơi Đ. thực hiện ý định quyên sinh. Mọi người nhanh chóng đưa hai mẹ con đi cấp cứu. Nhưng đau lòng thay, Đ. may mắn được cứu sống còn bé T. thì vĩnh viễn ra đi vì cơ thể bé nhỏ của cháu không thể chịu đựng được liều độc dược mà mẹ đã cho mình uống. Và bi kịch lại tiếp diễn: trong khi vẫn chưa hết đau buồn đưa tiễn bé T. ngây thơ sang thế giới bên kia, mọi người trong gia đình Đ. lại chứng kiến người mẹ trẻ ấy phải đối mặt với luật pháp vì hành vi giết chết con ruột của mình...

4. Tại phiên tòa xét xử Đ. vừa diễn ra mới đây ở  Tòa án nhân dân tỉnh, dù không thể che giấu sự đau lòng trước bi kịch trái ngang của người mẹ trẻ ấy nhưng hội đồng xét xử vẫn phải tuyên bản án 8 năm tù dành cho Đ. về tội giết người. Nhưng họ hiểu rằng (và có lẽ nhiều người cũng nghỉ thế), bản án ấy vẫn chưa là gì so với bản án lương tâm sẽ vẫn còn giày xé, dằn vặt trong suốt quãng đời còn lại đối với người mẹ trẻ ấy  chỉ vì quá nông cạn trong suy nghĩ và cũng vì sự thờ ơ, thiếu sẻ chia từ phía những người thân trong gia đình...

Phạm Mai

Tin xem nhiều