Hiện nay, tại khu vực xung quanh cổng một số trường học trên địa bàn thành phố Biên Hòa có nhiều quầy hàng rong, xe đẩy bán đồ ăn vặt như: xúc xích, cá viên chiên, trà sữa, bánh mì… Tuy nhiên, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) của những nơi này còn bỏ ngỏ.
![]() |
Quầy hàng rong trước cổng một trường tiểu học tại thành phố Biên Hòa thu hút học sinh đến mua các loại nước giải khát nhiều màu sắc. Ảnh: L.Duy |
Chính vì vậy, nỗi lo về thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm kém vệ sinh, nguy cơ ngộ độc thực phẩm ở các quầy hàng rong, xe đẩy bán đồ ăn vặt trước cổng trường vẫn còn.
Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm
Hàng ngày, vào giờ đi học buổi sáng hoặc giờ tan học buổi chiều tại các khu vực tập trung nhiều trường học ở thành phố Biên Hòa như: đường Lê Quý Đôn (phường Tân Hiệp), gần với các Trường: trung học cơ sở (THCS) Lê Quang Định, trung học phổ thông (THPT) chuyên Lương Thế Vinh, đại học Đồng Nai, hoặc khu vực đường 30-4 (phường Trung Dũng), nơi có Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức, Trường THCS Trần Hưng Đạo, Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai và Trường THPT Ngô Quyền, dễ dàng bắt gặp nhiều xe đẩy, quầy hàng rong bày bán đủ loại đồ ăn vặt, thức ăn nhanh.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai, các quầy hàng rong này bày bán đa dạng món ăn vặt như: xúc xích chiên, phô mai que, bánh tráng trộn, bánh kẹo, kem, mì trộn… Những món ăn này luôn thu hút đông học sinh ghé mua, vì giá rẻ và bắt mắt. Phần lớn các thực phẩm này không được che đậy cẩn thận; chế biến và bảo quản sơ sài ngay trên vỉa hè nhiều bụi bẩn.
UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch công tác đảm bảo ATTP tỉnh Đồng Nai năm 2025. Trong đó, giao Sở Giáo dục và đào tạo chủ trì, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị ngành y tế tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát bảo đảm ATTP đối với bếp ăn bán trú, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trong trường học. |
Đáng chú ý, tại những quầy cơm chiên, mì xào, xôi mặn trên đường Lê Quý Đôn, tuy người bán có sử dụng găng tay ny-lông nhưng không ít trường hợp, cùng một đôi găng tay, người bán vừa trực tiếp bốc thức ăn, vừa cầm tiền, thối tiền. Điều này đặt ra nguy cơ mất ATTP cao.
Chị H.T. (ngụ thành phố Biên Hòa), có con học tại Trường THCS Lê Quang Định, cho biết: “Tôi cũng băn khoăn vì không biết thức ăn ở quầy hàng rong trước cổng trường có đảm bảo ATTP hay không. Nhưng do gấp gáp thời gian, tôi vẫn phải mua cho con ăn tạm”.
Một học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Quang Định cho biết: “Em thường chọn những món ăn trước cổng trường vì giá rẻ, nhiều món ngon và tiện lợi. Chỉ cần vài ngàn đồng là có thể mua được cá viên chiên, bánh tráng trộn hoặc trà sữa để ăn vặt. Em chưa quan tâm lắm đến ATTP”.
Điều này phản ánh thực trạng chung khi có không ít phụ huynh, học sinh đặt sự tiện lợi lên hàng đầu, trong khi bỏ qua nguy cơ mất an toàn từ thực phẩm đường phố chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Cần kiểm soát chặt chẽ
Theo số liệu từ Cục ATTP, Bộ Y tế cho thấy, có tới 70-80% thức ăn đường phố, trong đó có quà vặt cổng trường, được xác định là bị nhiễm khuẩn như E.coli - loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả...
Theo đó, Sở Y tế Đồng Nai đã có văn bản tăng cường quản lý công tác bảo đảm vệ sinh ATTP cho trẻ em, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh kiểm tra, hậu kiểm tại căng-tin trường học, bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống xung quanh trường học. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh. Các đơn vị vi phạm quy định về ATTP sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Ngày 20-1, UBND tỉnh ban hành kế hoạch công tác đảm bảo ATTP tỉnh Đồng Nai năm 2025. Trong đó, giao Sở Giáo dục và đào tạo tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo ATTP trong trường học để bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh; ngăn ngừa, phòng chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh về đường tiêu hóa và các bệnh có nguyên nhân từ thực phẩm tại các trường học; kịp thời và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý sự cố về ATTP trong các trường học thuộc trách nhiệm quản lý.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Thị Vân (đóng tại phường An Bình, thành phố Biên Hòa) Nguyễn Thị Dung cho biết, về công tác kiểm soát đảm bảo vệ sinh ATTP, nhà trường thường xuyên tuyên truyền về ATTP thông qua các buổi chào cờ hàng tuần, nhắc nhở phụ huynh qua nhóm Zalo và chiếu video về tác hại của thực phẩm không an toàn trên tivi vào những thời điểm phù hợp để học sinh nắm bắt. Ngoài ra, nhà trường còn khuyến cáo học sinh không nên sử dụng thực phẩm vỉa hè, đồ ăn trước cổng trường hoặc thực phẩm không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, vì có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như: sưng phù miệng, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, tiêu chảy, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Lê Duy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin