Theo đánh giá của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, mặc dù lượng án phải giải quyết ngày càng nhiều và phức tạp nhưng với sự nỗ lực không ngừng, trong năm 2024, TAND 2 cấp ở Đồng Nai đã đạt được những kết quả tích cực, đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Cán bộ Tòa án nhân dân tỉnh tiếp đương sự trong một vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân tỉnh. Ảnh: T.Tâm |
Xét xử kịp thời các vụ án phức tạp
Trong năm qua, số lượng các vụ án tòa án thụ lý tiếp tục tăng với tính chất, mức độ phức tạp, quy mô, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi. Với thực trạng này, TAND tỉnh đã nỗ lực đưa ra xét xử kịp thời, dứt điểm nhiều vụ án phức tạp, tồn đọng nhiều năm. Trong đó có một số vụ án hình sự phức tạp, trả hồ sơ nhiều lần và tòa án đã chuyển tội danh của các bị cáo sau quá trình xét xử.
Đơn cử, ngày 28-6, TAND tỉnh đã chuyển tội danh đối với 3 bị cáo liên quan đến vụ sai phạm tại Công ty TNHH Đầu tư Phú Việt Tín (Công ty Phú Việt Tín, trụ sở tại xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) từ tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản sang tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Theo đó, 3 bị cáo cùng ngụ thành phố Long Khánh gồm: Nguyễn Thuận (50 tuổi, nguyên Tổng giám đốc công ty); Phùng Thanh Sơn (50 tuổi, nguyên phụ trách Phòng Kinh doanh) và Đào Thị Thùy Trang (42 tuổi, nguyên thủ quỹ), mỗi bị cáo bị tuyên từ 2-3 năm tù, cho hưởng án treo về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh xác định, Công ty Phú Việt Tín được thành lập từ năm 2008. Đến năm 2018, Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai (gọi tắt Tổng công ty Cao su Đồng Nai) góp vốn 12,5 tỷ đồng và đề cử Nguyễn Thuận làm Tổng giám đốc. Sau khi được giao đất vào năm 2013, Công ty Phú Việt Tín đã xây dựng khu dân cư tại xã Bàu Hàm 2. Từ tháng 6-2017 đến tháng 6-2018, Nguyễn Thuận đã chỉ đạo nhân viên bán hơn 580 nền đất (trị giá hơn 590 tỷ đồng). Từ những hợp đồng ban đầu này, Thuận cấu kết với Sơn, Trang làm giả hợp đồng, phiếu thu, ký giả chữ ký khách hàng để chiếm đoạt gần 6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, TAND tỉnh cũng đã giải quyết dứt điểm những vụ việc tranh chấp liên quan đến đất đai kéo dài nhiều năm, có hàng chục người liên quan. Đơn cử như vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông X.T. (49 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) và ông C.L. (60 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa) đã kéo dài từ năm 2019 đến nay và có gần 20 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Theo lời khai của ông T., vào năm 2012, ông đã mua của ông L. 4 thửa đất tại huyện Xuân Lộc. Sau khi nhận tiền cọc gần 1 tỷ đồng thì ông L. giao đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông T., nhưng do bận nên ông T. chưa làm thủ tục sang tên. Sau đó, do ông L. nợ nần nhiều nên cơ quan thi hành án kê biên các thửa đất đã chuyển nhượng cho ông T.
Theo ông L., mặc dù trước đó đã nhận cọc các thửa đất nhưng do ông T. không chịu làm thủ tục mua bán nên khi làm ăn thất bại thì thửa đất đã bị cơ quan chức năng kê biên. Do đó, ông L. chỉ chấp nhận trả lại tiền cọc và không thực hiện việc chuyển nhượng đất.
Đến năm 2023, TAND huyện Xuân Lộc tuyên công nhận hợp đồng chuyển nhượng giữa ông T. và ông L., buộc ông T. phải trả lại 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông L. Đồng thời, buộc ông L. phải trả lại tiền cọc cho ông T. Sau đó, cả nguyên đơn, bị đơn đều kháng cáo. Đến cuối năm 2024, TAND tỉnh qua quá trình nghiên cứu hồ sơ, thu thập tài liệu, chứng cứ vụ án đã tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Trong năm 2024, TAND 2 cấp ở Đồng Nai đã giải quyết hơn 20 ngàn vụ, việc/hơn 25 ngàn vụ, việc đã thụ lý, đạt tỷ lệ hơn 80%.
Nâng cao chất lượng xét xử
Theo Phó chánh án TAND tỉnh Nguyễn Thành Sơn, trong năm 2024, ngành tòa án Đồng Nai đã thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công chức thực hiện nhiệm vụ mà trọng tâm là công tác giải quyết các vụ án, vụ việc.
Trong đó, công tác giải quyết các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Đối với bị cáo phạm tội đặc biệt nguy hiểm, có tổ chức, tòa án đã áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu; xác định vai trò của đồng phạm để áp dụng mức hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo. Riêng các vụ án về tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp được đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.
Đối với án dân sự nói chung (dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và hành chính), các thẩm phán được phân công giải quyết án luôn giữ tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh vững vàng, tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao; tiến hành các bước tố tụng, quan tâm hướng dẫn đương sự thực hiện quyền và nghĩa vụ về cung cấp chứng cứ, tài liệu của vụ án, đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tự thỏa thuận của đương sự.
Thời gian tới, để đảm bảo thực hiện đạt các chỉ tiêu công tác, Phó chánh án TAND tỉnh Nguyễn Thành Sơn cho hay, ngành tòa án hai cấp sẽ tiếp tục quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ ngành tòa án liêm chính, chính trực, có ý thức, trách nhiệm bảo vệ công lý, lẽ phải, công bằng; tập trung giáo dục chính trị tư tưởng và gìn giữ đạo đức nghề nghiệp cán bộ ngành tòa án; giám sát quá trình thực hiện công tác không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực…
Trong công tác nghiệp vụ, việc tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục đảm bảo chặt chẽ, thuyết phục, đúng quy định pháp luật; nâng cao chất lượng bản án, quyết định; khắc phục tình trạng bản án, quyết định bị sửa, hủy nhiều lần, tuyên không rõ, khó thi hành, kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Đồng thời, tổ chức xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, gây bức xúc trong xã hội. Chú trọng thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt, thiệt hại.
Tố Tâm
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin