Báo Đồng Nai điện tử
En

Tràn lan món ăn vặt giá rẻ, không rõ nguồn gốc

Lê Duy
08:16, 26/12/2024

Hiện nay, nhiều người tiêu dùng, nhất là giới trẻ, dễ dàng đặt mua các món ăn vặt được quảng cáo là hàng nội địa nước ngoài nhập khẩu với mức giá siêu rẻ trên các hội, nhóm mạng xã hội (MXH).

Đồ ăn vặt “gắn mác” hàng nội địa Trung Quốc được rao bán trên nhiều hội nhóm mạng xã hội. Ảnh: Chụp màn hình
Đồ ăn vặt “gắn mác” hàng nội địa Trung Quốc được rao bán trên nhiều hội nhóm mạng xã hội. Ảnh: Chụp màn hình

Đa phần bao bì của các món ăn này đều có tiếng nước ngoài, người tiêu dùng không dễ dàng đọc được hạn sử dụng, nguồn gốc, xuất xứ…

Chợ ăn vặt online siêu rẻ

Dạo quanh MXH TikTok với từ khóa “ăn vặt nội địa Trung Quốc”, người dùng MXH dễ dàng bắt gặp hàng loạt video giới thiệu những món ăn đa dạng, từ chân gà ngũ vị, thanh cua, đậu hũ đến râu mực… Những món ăn này không chỉ được bày bán với giá siêu rẻ, chỉ từ 4-5 ngàn đồng/món, mà còn thu hút sự quan tâm đặc biệt nhờ vào các combo 7-8 món chỉ tốn chưa tới 100 ngàn đồng. Đối tượng yêu thích các món ăn này chủ yếu là giới trẻ và dân văn phòng, những người ưa chuộng đồ ăn nhanh, tiện lợi, giá rẻ.

Trong vai người có nhu cầu nhập hàng, chúng tôi liên hệ với một chủ cửa hàng chuyên cung cấp sỉ và lẻ các loại đồ ăn vặt này. Người bán khẳng định: “Hàng được nhập trực tiếp từ Trung Quốc, đóng gói sẵn, chỉ cần đặt là giao ngay tận nơi”. Theo lời giới thiệu, họ có một nhóm Zalo chuyên phục vụ các đại lý sỉ với số lượng không giới hạn. Nhóm này không chỉ cập nhật liên tục các sản phẩm mới, mà còn đăng tải hình ảnh bắt mắt của hàng loạt món ăn. Điều dễ nhận thấy là tất cả bao bì đều in chữ nước ngoài, hoàn toàn không có nhãn mác bằng tiếng Việt hay thông tin về nguồn gốc, hạn sử dụng.

Bác sĩ chuyên khoa I Ma Va Liên, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, khuyến cáo để bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng cần chủ động lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, ưu tiên sản phẩm được sản xuất, đóng gói trong nước, với thông tin rõ ràng trên bao bì và đạt chứng nhận uy tín. Khi mua thực phẩm trên mạng cần lựa chọn đơn vị phân phối uy tín, thực phẩm có bao bì, nhãn mác bằng tiếng Việt rõ ràng, phải nguyên vẹn, không biến dạng thay đổi.

Người bán còn khẳng định: “Các loại chân gà nhập về bán rất lời. Chỉ cần nhập thử, nếu hết hàng cứ đặt thêm sẽ có người giao tận nơi. Nhập càng nhiều, giá càng rẻ”.

Không chỉ trên TikTok, các hội nhóm Facebook cũng tràn ngập những bài viết quảng cáo các món ăn vặt nội địa Trung Quốc, từ đồ khô như: rong biển, hạt hướng dương, đến các món chế biến sẵn như: thịt nướng, cá viên chiên… Tất cả đều được rao bán với mức giá rẻ bất ngờ, chỉ từ 65 ngàn đồng/20 chân gà cay hoặc 20 thanh cua. Thực tế, giá bán lẻ bên ngoài là 10 ngàn đồng/chân gà hoặc thanh cua…

Điều đáng lo ngại là phần lớn trên bao bì các sản phẩm này đều viết bằng tiếng nước ngoài, gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc kiểm tra thông tin về hạn sử dụng, nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu...

Một trong những nguyên nhân chợ ăn vặt online siêu rẻ vẫn hấp dẫn người tiêu dùng vì lời quảng cáo trên các kênh, trang MXH là hàng nội địa nước ngoài nhập khẩu.

Chị P.T.A. (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) cho biết, chị thường xuyên mua những món ăn vặt qua các hội nhóm hàng nội địa Trung Quốc trên Facebook vì nghe quảng cáo là hàng nội địa Trung Quốc giá rẻ, lại có nhiều món ăn đa dạng.

Nguy cơ mất an toàn thực phẩm

Sự thiếu thông tin về nguồn gốc, hạn sử dụng của các sản phẩm “gắn mác” hàng nội địa nước ngoài nhập khẩu là điều khiến các chuyên gia thực phẩm và cơ quan chức năng lo ngại về chất lượng an toàn thực phẩm trên các chợ ăn vặt online siêu rẻ hiện nay.

Bác sĩ chuyên khoa I Ma Va Liên, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho biết thực phẩm không rõ nguồn gốc đều tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng chứ không chỉ riêng thực phẩm nội địa nước ngoài nhập khẩu, không rõ nguồn gốc.

Cụ thể, thực phẩm không rõ nguồn gốc dễ nhiễm khuẩn do không đảm bảo vệ sinh trong khâu sản xuất và bảo quản. Các vi khuẩn: Salmonella, E.coli... dễ dàng phát triển trong điều kiện môi trường không được kiểm soát, làm gia tăng các bệnh tiêu hóa như: tiêu chảy cấp, ngộ độc thực phẩm và viêm ruột, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo bác sĩ Ma Va Liên, các thực phẩm không rõ nguồn gốc thường không qua kiểm định chất lượng và có thể chứa hóa chất độc hại như: phẩm màu công nghiệp hoặc chất bảo quản vượt mức an toàn, do rẻ nên bao bì in ấn cũng sử dụng những chất liệu không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Sử dụng lâu dài các thực phẩm này tích tụ dần trong cơ thể sẽ gây ra những bệnh lý: ngộ độc mãn tính, ung thư, tăng huyết áp, tổn thương gan, tổn thương thận…

Về quy định đối với hàng hóa nhập khẩu, luật sư Phan Thị Hồng Vân, Đoàn Luật sư tỉnh, cho biết căn cứ Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14-4-2017 sửa đổi bởi khoản 5, Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP ngày 9-12-2021 quy định nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa, thì nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung tên hàng hóa, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa bằng tiếng Việt.

Cùng với đó, khoản 3, Điều 7, Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đầy đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc”.

Do đó, theo luật sư Phan Thị Hồng Vân, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ đang bày bán trên thị trường, cũng như trên không gian mạng để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Lê Duy

Tin xem nhiều