Báo Đồng Nai điện tử
En

Bữa cơm đoàn tụ của các phạm nhân

Tố Tâm
08:27, 19/12/2024

Hội nghị Gia đình phạm nhân được xem là một trong những hoạt động ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc được Trại giam Xuân Lộc (ở xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc) tổ chức hàng năm. Đây là dịp các phạm nhân có cơ hội được gặp gỡ và dùng bữa cơm thân mật, ấm cúng với người thân trong gia đình.

Những bữa cơm ấm áp bên gia đình nhỏ sẽ giúp cho phạm nhân có thêm động lực cải tạo để sớm trở về bên gia đình. Ảnh: T.Tâm
Những bữa cơm ấm áp bên gia đình nhỏ sẽ giúp cho phạm nhân có thêm động lực cải tạo để sớm trở về bên gia đình. Ảnh: T.Tâm

Thông qua hoạt động này, nhiều phạm nhân đã được chia sẻ, động viên để quyết tâm rèn luyện, phấn đấu, nỗ lực cải tạo, sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình, hòa nhập cộng đồng.

Bữa cơm gia đình đặc biệt

Trong cơn mưa nhỏ vào rạng sáng 7-12, trước cổng Trại giam Xuân Lộc, nhiều gia đình phạm nhân vẫn tay xách, nách mang lỉnh kỉnh đồ ăn, nước uống để gửi vào cho người thân là các phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại đây. Ai cũng mong đến ngày này để được gặp và ăn cơm cùng người thân đang chấp hành án phạt tù.

Đến để gặp gỡ và dùng bữa cơm với con, bà B.T.B. (ngụ xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch) mang theo cả một thùng hải sản cùng với các loại thức ăn, trái cây mà con trai thích. Kể từ ngày con trai thông báo được cùng gia đình ăn bữa cơm chung thì bà hồi hộp mong chờ từng ngày.

Trong năm 2024, Trại giam Xuân Lộc đã chi hơn 40 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để đảm bảo chế độ ăn cho phạm nhân; chi hơn 3,5 tỷ đồng ăn thêm. Thực hiện giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 3 đợt cho hơn 2,5 ngàn phạm nhân; đặc xá cho 69 phạm nhân; tổ chức mở lớp học cho gần 4 ngàn phạm nhân tham gia học tập giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, dạy nghề…

Bà B. cho hay, con trai bà phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy và phải chịu mức án 13 năm tù. Sau 5 năm ngồi tù thì đây là lần đầu tiên gia đình bà có cơ hội được ngồi chung mâm cơm.

“Con tôi đã phạm tội nhưng làm cha, làm mẹ ai lại không thương con. Khoảng vài tháng, gia đình tôi đều lên thăm con để động viên, khích lệ, mong con cải tạo tốt để sớm trở về nhà, làm lại cuộc đời. Được ngồi ăn với con bữa cơm hiếm hoi này là niềm hạnh phúc vô bờ của tôi” - bà B. xúc động nói.

Trong bữa cơm ngắn ngủi, phạm nhân Q.P.H.T. (30 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) ân cần gắp từng miếng thức ăn để vào chén của người mẹ. Để có được bữa cơm chung này, anh đã cố gắng phấn đấu cải tạo suốt 6 năm qua.

Phạm nhân T. cho biết, chỉ vì sai lầm của tuổi trẻ đã khiến anh phải đánh đổi 24 năm tù về tội giết người, cướp tài sản. Để có thể sớm trở về, được đoàn tụ cùng gia đình và sống cuộc đời có ích hơn, anh đã cố gắng chấp hành tốt nhất mọi nội quy của trại giam; tích cực tham gia các hoạt động từ lao động đến văn hóa, văn nghệ, thể thao...

Một phạm nhân tại Trại giam Xuân Lộc được các con đến thăm, ân cần chăm sóc. Ảnh: T.Tâm
Một phạm nhân tại Trại giam Xuân Lộc được các con đến thăm, ân cần chăm sóc. Ảnh: T.Tâm

“Sau khi biết đến việc tổ chức hội nghị gia đình phạm nhân, mỗi năm tôi đều cố gắng phấn đấu để mong bản thân có tên trong danh sách được dùng bữa cơm chung với gia đình. Sự nỗ lực và mong mỏi của tôi cuối cùng cũng thành hiện thực. Đây là bữa cơm rất đặc biệt để giúp tôi có thêm nguồn động lực cải tạo tốt để sớm được quay về làm người lương thiện” - phạm nhân T. cho hay.

Trong khi đó, phạm nhân T.H.T. (41 tuổi) nghẹn ngào chia sẻ, 8 năm là thời gian không ít để chờ đợi một bữa cơm gia đình. Với lỗi lầm bản thân gây ra, ông phải trả giá bằng bản án 15 năm tù và điều khiến ông cảm thấy buồn, đau lòng nhất là bản thân ông ngồi tù đã ảnh hưởng đến vợ và con.

“Được ăn bữa cơm cùng vợ và các con khiến tôi thấy bản thân mình không bị bỏ rơi. Tôi cũng vì mong mỏi có được bữa cơm này đã cố gắng cải tạo rất nhiều. Tôi mong sẽ có thêm nhiều phạm nhân cũng cố gắng để sớm được tham dự hội nghị gia đình năm tiếp theo, có cơ hội dùng chung mâm cơm với người thân và sớm được hoàn lương” - phạm nhân T.H.T. cho hay.

Hoạt động nhân văn sâu sắc

Theo Trại giam Xuân Lộc, hội nghị gia đình phạm nhân là hoạt động thường niên nhằm cụ thể hóa công tác phối hợp giữa trại giam và gia đình, xã hội; thúc đẩy và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân. Từ đó, góp phần phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Giám thị Trại giam Xuân Lộc, đại tá Thái Duy Hồng cho biết, hội nghị gia đình phạm nhân là một hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hoạt động được tổ chức nhằm tạo không gian ấm áp của gia đình cho các phạm nhân; lan tỏa, kết nối yêu thương giữa các phạm nhân và gia đình của họ. Việc tổ chức hội nghị gia đình là cơ hội để phạm nhân gần gũi người thân, được chia sẻ, an ủi, động viên, giúp họ quyết tâm rèn luyện, phấn đấu sớm trở về đoàn tụ với gia đình. Việc tổ chức hội nghị gia đình phạm nhân với hy vọng sau buổi gặp mặt, dùng bữa cơm chung với người thân sẽ giúp phạm nhân cảm nhận được hơi ấm gia đình, thức tỉnh những điều tốt đẹp trong mỗi con người.

Đại tá Thái Duy Hồng cũng cho biết thêm, trong trại giam, phạm nhân được đáp ứng nhu cầu về ăn, mặc, ở, sinh hoạt; được hưởng các chế độ về lao động; được xét giảm án, đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện. Mặt khác, trong quá trình chấp hành án, họ thường xuyên được quan tâm, giáo dục dưới nhiều hình thức, biện pháp để hoàn thiện mình, trở thành những công dân sẵn sàng, tự tin hòa nhập cộng đồng khi chấp hành xong bản án.

Một phạm nhân mừng vì được gặp gỡ, thăm hỏi người thân trong gia đình.
Một phạm nhân mừng vì được gặp gỡ, thăm hỏi người thân trong gia đình.

Tuy nhiên, để công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân ngày càng có chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực, rất cần sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng, xã hội, mà trước hết là của thân nhân gia đình phạm nhân. Sợi dây gắn kết của 3 môi trường giáo dục: trại giam - gia đình - cộng đồng xã hội sẽ là chỗ dựa vững chắc để mỗi phạm nhân có điểm tựa, khơi dậy niềm tin làm lại cuộc đời.

Đại tá Thái Duy Hồng cũng đề nghị Trại giam Xuân Lộc có trách nhiệm thông báo việc tiếp nhận phạm nhân, tình hình chấp hành án của phạm nhân cho gia đình biết để kết hợp cùng quản lý, giáo dục; phối hợp chính quyền địa phương, đoàn thể trong việc cung cấp thông tin liên quan đến phạm nhân; tăng cường cơ sở vật chất phục vụ yêu cầu giam giữ, quản lý, giáo dục phạm nhân.

Đối với nhân thân, gia đình phạm nhân, cần thường xuyên phối hợp với trại giam để kịp thời giáo dục, động viên và giúp đỡ phạm nhân giải quyết khó khăn, vướng mắc trong chấp hành án phạt tù; tạo điều kiện cho phạm nhân an tâm tư tưởng, phấn đấu sửa chữa lỗi lầm, cải tạo tiến bộ…

Tố Tâm

 

Tin xem nhiều