Chỉ còn hơn 2,5 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Lợi dụng nhu cầu sử dụng hàng hóa, thực phẩm những tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025 tăng cao, các đối tượng buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm (pháo nổ, pháo hoa nổ, thuốc lá) tìm mọi cách tích trữ hàng hóa để tung ra thị trường dịp Tết nhằm thu lợi nhuận.
Đồng Nai có địa bàn rộng, đông dân, thương mại và dịch vụ phát triển nên cũng là địa bàn hoạt động của các đối tượng mua bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm. Thực tế qua công tác thanh tra, kiểm tra của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) của tỉnh cho thấy, số vụ vi phạm liên quan đến hành vi mua bán, vận chuyển hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm trên địa bàn tỉnh còn nhiều.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng của tỉnh đã thanh tra, kiểm tra trên 3,8 ngàn vụ, xử lý trên 2,3 ngàn vụ vi phạm (giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng số tiền thu nộp ngân sách từ vi phạm qua thanh tra, kiểm tra là trên 354 tỷ đồng (tăng hơn 7,6% so với cùng kỳ năm 2023). Theo đánh giá của cơ quan chức năng, công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến các vấn đề về sở hữu trí tuệ, các quy định trong quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại điện tử…
Trên thực tế, thời gian gần đây, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng cấm qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội diễn biến phức tạp. Không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường mà có cả thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh… cũng bị làm giả để kinh doanh online.
Trước thực trạng đó, bên cạnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban Chỉ đạo 389, lực lượng chức năng cần xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, tái phạm, trong đó tăng cường xử phạt các hành vi kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng cấm qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.
Quan trọng nhất là cần đổi mới, hoàn thiện, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan tới thương mại điện tử theo hướng phải xác thực được tài khoản kinh doanh cá nhân; tăng trách nhiệm chủ sở hữu nền tảng số, nền tảng trung gian; tăng cường quản lý, theo dõi, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng; gỡ bỏ thông tin sản phẩm, hàng hóa vi phạm.
Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần thay đổi thói quen, tỉnh táo hơn khi mua hàng trên trang thương mại điện tử, mạng xã hội và cần có phản ảnh với đơn vị phân phối, cơ quan chức năng nếu mua phải các mặt hàng vi phạm chất lượng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và nhiều người tiêu dùng khác.
Thư Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin