Hợp đồng lao động (HĐLĐ) là sự thỏa thuận giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia thành phố Biên Hòa) tư vấn pháp luật về lao động cho người dân. Ảnh: Đ.Phú |
Vì nhiều lý do, pháp luật lao động cho phép NLĐ được tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc theo thỏa thuận.
Tạm hoãn, tạm nghỉ việc theo nguyện vọng
Đang trong quá trình thực hiện HĐLĐ không xác định thời hạn, anh Nguyễn Văn Tú (làm việc tại Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom) nhận được lệnh gọi nhập ngũ. Với công việc làm đúng chuyên môn, môi trường làm việc phù hợp nên anh Tú muốn biết, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, anh có được công ty nhận làm việc trở lại hay không?
Còn chị Nguyễn Thị Thắm (làm việc trong Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa) bày tỏ, Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép NLĐ và NSDLĐ thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ. Tuy nhiên, chị không lựa chọn hình thức tạm hoãn thực hiện HĐLĐ mà muốn xin nghỉ không hưởng lương dài ngày, như vậy có được hay không?
“Hiện tại, pháp luật về lao động không có quy định thời gian tối đa được nghỉ việc không hưởng lương. Việc nghỉ không hưởng lương trong thời gian bao lâu sẽ phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa NSDLĐ và NLĐ” - luật sư VŨ DUY NAM (Đoàn Luật sư tỉnh) cho hay. |
Vấn đề này được luật sư Vũ Duy Nam (Đoàn Luật sư tỉnh) giải đáp, tại điểm a, khoản 1, Điều 30 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, NLĐ thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ thuộc trường hợp tạm hoãn thực hiện HĐLĐ. Do đó, trường hợp của anh Tú sẽ được tạm hoãn thực hiện HĐLĐ và được NSDLĐ nhận làm việc trở lại sau khi hết thời gian tạm hoãn HĐLĐ theo Điều 3, Bộ luật Lao động năm 2019.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, anh Tú phải có mặt tại nơi làm việc và NSDLĐ phải nhận NLĐ trở lại làm công việc theo HĐLĐ đã giao kết nếu HĐLĐ còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Riêng trường hợp của chị Nguyễn Thị Thắm, theo thông tin chị trình bày, chị thuộc trường hợp tạm hoãn thực hiện HĐLĐ theo điểm h, khoản 1, Điều 30 Bộ luật Lao động năm 2019 (thuộc trường hợp khác do hai bên thỏa thuận). Nhưng vì chị không muốn thực hiện tạm hoãn HĐLĐ mà muốn nghỉ theo hình thức việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019 nên phải đáp ứng các điều kiện sau: phải thông báo (xin phép) và phải được NSDLĐ đồng ý thì mới được nghỉ.
“Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép NLĐ và NSDLĐ thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc nghỉ việc riêng không hưởng lương không giới hạn thời gian hoãn, nghỉ. Miễn sao việc thỏa thuận giữa các bên đúng luật, không ảnh hưởng tới quyền lợi của nhau, không trái đạo đức xã hội là được” - luật sư Vũ Duy Nam cho biết.
Quyền lợi về bảo hiểm xã hội và lương ra sao?
Thời gian qua, việc thỏa thuận tạm hoãn HĐLĐ cũng xảy ra đối với NSDLĐ. Bởi vì, có nhiều lý do NSDLĐ buộc phải thực hiện giải pháp thỏa thuận với NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ trong một thời gian nhất định như: gặp khó khăn do thiếu hụt đơn hàng; chưa phục hồi được hoạt động sản xuất, kinh doanh; dôi dư lao động tạm thời…
Khoản 2, Điều 30 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, trong thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, NLĐ không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong HĐLĐ, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Còn tại khoản 3, Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định, ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019, NLĐ có thể thỏa thuận với NSDLĐ để nghỉ không hưởng lương. Tức là ngoài các trường hợp NLĐ được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương (kết hôn; con đẻ, con nuôi kết hôn; cha mẹ, vợ/chồng, con chết...) thì NLĐ được nghỉ không hưởng lương một ngày và phải thông báo với NSDLĐ khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
“Do được NSDLĐ cho phép tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ không hưởng lương và sẵn sàng nhận lại làm việc khi hết thời gian hoãn, nghỉ không lương, vậy thì tính thời gian tham gia bảo hiểm xã hội như thế nào?” - chị Phùng Văn Yến (làm việc tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2) thắc mắc.
Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia thành phố Biên Hòa) cho biết, theo khoản 3, Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì NLĐ không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin