Báo Đồng Nai điện tử
En

Không lơ là phòng cháy ở các khu công nghiệp dịp cuối năm

Đăng Tùng
09:00, 19/11/2024

31 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động trên địa bàn Đồng Nai là nơi tập trung lượng lớn các doanh nghiệp (DN), hàng hóa nên công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) luôn được Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh chú trọng. Đặc biệt là công tác phòng cháy nhằm bảo vệ tài sản của các DN, tính mạng của người lao động, giữ vững an ninh trật tự trong các KCN.

Lực lượng chữa cháy của Công an tỉnh và Công ty TNHH Bosch Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành, huyện Long Thành) tham gia diễn tập ứng phó sự cố hóa chất theo phương án cấp tỉnh vào ngày 25-10. Ảnh: Đ.Tùng

Nguy cơ cháy cao

Rạng sáng 14-11, kho chứa gỗ mỹ nghệ của Công ty TNHH HUSQ (thuê nhà xưởng của Công ty TNHH T.B., KCN Hố Nai, huyện Trảng Bom) xảy ra cháy khoảng 200m2 và được lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp dập tắt sau gần 90 phút. Trước đó, tối 7-8, kho thành phẩm của Công ty TNHH ShingMark Vina (KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) với tổng diện tích hơn 13,8 ngàn m2 bốc cháy dữ dội. Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã huy động 14 xe chuyên dụng chữa cháy xuyên đêm.

Dù không gây thương vong về người nhưng 2 vụ cháy nói trên đều gây thiệt hại nặng nề cho DN khi công trình, hàng hóa, nguyên vật liệu bị hư hỏng. Kéo theo đó, các dây chuyền sản xuất, kho xưởng không thể tiếp tục hoạt động, ảnh hưởng đến việc đáp ứng đơn hàng của DN, việc làm của người lao động.

Theo Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ tỉnh, Đồng Nai hiện có hơn 1,7 ngàn DN hoạt động trong 31 KCN. Trong 9 tháng của năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ cháy trong các KCN (trên tổng số 64 vụ cháy toàn tỉnh). Đặc biệt, vào dịp cuối năm 2024, nguy cơ cháy trong KCN thường tăng cao.

Cụ thể, vào dịp cuối năm 2024, đầu năm 2025, các DN trong KCN thường nhập lượng lớn nguyên vật liệu về các kho để đảm bảo hoạt động sản xuất liền mạch đến qua Tết Nguyên đán 2025. Đồng thời, các dây chuyền sản xuất hoạt động liên tục, áp lực gia tăng lên các thiết bị điện, dẫn tới nguy cơ quá tải, có thể xảy ra sự cố điện gây cháy.

Ngoài ra, những năm gần đây, khi không ít DN rơi vào cảnh thiếu hụt đơn hàng, dẫn tới phải ngưng hoạt động một số nhà xưởng trong công ty, lại xuất hiện tình trạng ít chú ý vệ sinh công nghiệp, bảo dưỡng phương tiện PCCC. Việc này cũng hình thành nguy cơ khi có cháy thì các phương tiện PCCC tại chỗ không kịp thời hoạt động (chữa cháy tự động, báo cháy tự động) hoặc không đáp ứng khả năng khống chế ngọn lửa từ ban đầu.

Hiện nay, tại các KCN trên toàn tỉnh có 28 đội PCCC chuyên ngành (phần lớn có xe chữa cháy chuyên dụng), các công ty cũng có các đội PCCC cơ sở duy trì hoạt động 24 giờ mỗi ngày. Từ năm 2022 đến nay, lực lượng PCCC chuyên ngành đã tham gia phối hợp với lực lượng chuyên nghiệp chữa cháy 7 vụ cháy trên toàn tỉnh, qua đó giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Nâng cao khả năng ứng phó của lực lượng phòng cháy chữa cháy trong doanh nghiệp

Trước các nguy cơ trên, trong thời điểm cuối năm 2024, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ chính để đảm bảo an toàn PCCC trong các KCN. Đó là tăng cường kiểm tra công tác an toàn PCCC tại DN và nâng cao khả năng ứng phó của lực lượng PCCC trong các DN.

Trong đó, việc kiểm tra an toàn PCCC được thực hiện thường xuyên trong suốt năm và tập trung vào cao điểm mùa khô, dịp cuối năm hoặc trước Tết Nguyên đán. Ngoài việc kiểm tra của lực lượng chức năng, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cũng yêu cầu mỗi cơ sở phải thường xuyên thực hiện tự kiểm tra để kịp thời phát hiện nguy cơ mất an toàn PCCC.

Đội trưởng Đội PCCC cơ sở Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam (KCN Amata, thành phố Biên Hòa) Trương Văn Đồng cho biết, vào dịp cuối năm, ngoài việc tập trung sản xuất, công ty vẫn chú ý đến công tác PCCC. Đặc biệt là cắt cử đội viên PCCC trực vào ban đêm, ngày nghỉ cuối tuần. Sau mỗi ca trực đều phải thực hiện việc kiểm tra nguồn điện trước khi ra về để hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy, nổ. Cùng với đó, hàng tuần, đơn vị đều tổ chức tự kiểm tra phương tiện PCCC và tập luyện xử lý tình huống giả định. Nhất là khi mùa mưa sắp kết thúc, mùa khô chuẩn bị bắt đầu, đơn vị sẽ có kế hoạch phát quang cây cỏ, tạo hành lang phòng ngừa cháy lan các bãi cỏ trong và ngoài đơn vị.

Với tầm quan trọng của lực lượng PCCC chuyên ngành, cuối tháng 10-2024, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) đã trực tiếp kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý nhà nước và tổ chức hoạt động của lực lượng PCCC chuyên ngành trên toàn tỉnh. Đoàn công tác đã ghi nhận những khó khăn mà lực lượng PCCC chuyên ngành đang gặp phải; đặc biệt trong việc đảm bảo các nguồn lực và trang thiết bị cần thiết để ứng phó các tình huống cháy, nổ.

Phó giám đốc Công an tỉnh, đại tá Trần Anh Sơn nêu rõ, việc phối hợp giữa lực lượng chuyên nghiệp và lực lượng chữa cháy tại cơ sở nhằm phát huy có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) nhằm ứng phó kịp thời khi có sự cố cháy, nổ, tai nạn xảy ra. Qua các buổi diễn tập phương án chữa cháy được thực hiện liên tục cũng nâng cao năng lực, trình độ của lực lượng PCCC và cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp; tạo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị tham gia trong việc xử lý các tình huống cháy, nổ xảy ra.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều