Hiện nay, hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ diễn ra phổ biến ở nhiều nơi trên địa bàn Đồng Nai. Trên thực tế, việc cầm cố tài sản diễn ra rất dễ dàng, không chỉ là giao dịch giữa các tổ chức với cá nhân mà còn là giao dịch giữa cá nhân với nhau.
Tuy nhiên, việc cầm cố tài sản nếu không đảm bảo đầy đủ tính pháp lý sẽ gây ra nhiều rủi ro như: tranh chấp dân sự hoặc mất luôn tài sản nhận cầm cố, thậm chí có thể rơi vào vòng lao lý.
Cầm cố tài sản, lợi bất cập hại
Thời gian qua, bên cạnh hoạt động cầm cố tài sản đảm bảo theo đúng quy định pháp luật, vẫn còn một số cơ sở dịch vụ cầm đồ thực hiện cầm cố tài sản không đúng quy định và có nguy cơ gây ra nhiều phức tạp về tình hình an ninh trật tự.
Trong những ngày qua, Công an tỉnh và công an các địa phương đã liên tiếp kiểm tra các cơ sở dịch vụ cầm đồ và phát hiện nhiều sai phạm. Điển hình, vào ngày 31-10, kiểm tra 2 cơ sở cầm đồ Quân Đại Phát, Hoàng Hải (trụ sở cùng tại xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom), Công an huyện Trảng Bom phát hiện 2 cơ sở cầm cố nhiều tài sản không chính chủ và đã lập biên bản tạm giữ 90 xe mô tô các loại. Tại Cơ sở Cầm đồ Hoàng Hải, công an phát hiện thêm 2 dao tự chế, 1 chiếc kiếm, 1 khẩu súng ngắn (không rõ chủng loại).
Cùng ngày, Công an thành phố Long Khánh tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện trên địa bàn. Tại Cơ sở Cầm đồ và nhà nghỉ Thùy Dung (xã Bàu Trâm, thành phố Long Khánh), công an phát hiện 6 xe cầm cố không đúng chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, có những trường hợp cầm cố tài sản giữa cá nhân với nhau nhưng thiếu xác minh về tài sản khiến cho bên nhận cầm cố bị “mất trắng” tài sản. Điển hình, trong thời gian từ tháng 9 đến 10-2022, Bùi Vũ Linh (29 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) sau khi làm giả 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã mang đi cầm cố cho bà K.N. (ngụ phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa) để lấy số tiền 3,5 tỷ đồng. Quá trình cầm cố tài sản, bà K.N. không xác minh về tính thật giả của tài sản. Đồng thời, giữa Linh và bà K.N. cam kết nếu không trả được nợ sẽ sang tên thửa đất trên.
Đến tháng 4-2023, vì Linh không trả được tiền nên bà K.N. yêu cầu Linh làm thủ tục chuyển nhượng đất thì mới phát hiện giấy tờ Linh đem đi cầm cố là giả. Linh đã bị bắt và vào ngày 10-9, bị Tòa án nhân dân tỉnh xử phạt 15 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, còn bà K.N. mất tài sản vì cầm cố tài sản không xác minh và không đúng quy định.
Ngày 31-10, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh và công an các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh lập 59 tổ kiểm tra với hơn 300 cán bộ, chiến sĩ đồng loạt ra quân kiểm tra tất cả các cơ sở dịch vụ cầm đồ trên địa bàn tỉnh.
Ngăn tội phạm từ hoạt động cầm cố tài sản
Trong những ngày qua, khi tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn, lực lượng công an đã phát hiện nhiều vi phạm khác nhau như: nhận cầm cố giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân; lập sổ quản lý, lưu trữ số liệu không đúng; không lưu trữ bản sao giấy tờ tùy thân của người cầm cố tài sản; nhận cầm tài sản không lập hợp đồng; cầm cố tài sản không chính chủ…
Theo cơ quan công an, việc kiểm tra đồng loạt các cơ sở kinh doanh có điều kiện, trong đó có cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ nhằm chủ động ngăn chặn, đấu tranh với các loại tội phạm như: hoạt động “tín dụng đen”; chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có… Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức chấp hành của các chủ cơ sở.
Theo thẩm phán Đinh Thị Kiều Lương, Phó chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân tỉnh, pháp luật quy định tài sản cầm cố phải thuộc quyền sở hữu của người cầm cố tài sản; nếu thuộc tài sản chung của nhiều người thì việc cầm cố tài sản phải được sự đồng ý của đồng chủ sở hữu. Trên thực tế có nhiều tài sản có giấy tờ chứng nhận thuộc quyền sở hữu của người cầm cố nhưng cũng có những tài sản không đăng ký quyền sở hữu nên khó xác định quyền sở hữu. Trong những trường hợp này, việc cầm cố tài sản phải cẩn trọng để bảo vệ quyền lợi của bên nhận cầm cố.
Nếu tài sản không thuộc quyền sở hữu của bên cầm cố sẽ xảy ra nhiều rủi ro. Trường hợp tài sản cầm cố là tài sản phạm tội mà có thì bên nhận cầm cố có thể bị thu hồi tài sản đã nhận cầm cố và bị mất tài sản, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Vũ Văn Tăng, Đoàn Luật sư tỉnh, cho hay theo quy định pháp luật, việc cầm cố tài sản là động sản có thể thực hiện hình thức bằng miệng hoặc bằng văn bản; còn với bất động sản thì bắt buộc phải thực hiện giao dịch bằng văn bản. Việc cầm cố tài sản phải có hợp đồng cầm cố. Trong đó cần xác định tên, địa chỉ bên cầm cố, bên nhận cầm cố, nghĩa vụ được đảm bảo; tài sản, giá trị tài sản và thời hạn cầm cố; cam kết của các bên và hiệu lực của hợp đồng... Điều này giúp cho việc xử lý rủi ro thuận tiện hơn khi đôi bên xảy ra tranh chấp.
Đặc biệt, với những tài sản cầm cố, thế chấp có giá trị cần được công chứng, chứng thực hoặc đăng ký giao dịch đảm bảo. Theo thỏa thuận cầm cố thường không bắt buộc phải công chứng, chứng thực, tuy nhiên cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần thực hiện công chứng, chứng thực nhằm đảm bảo tính pháp lý cao hơn.
“Một số trường hợp thay vì cầm cố tài sản thì hợp đồng lại ghi chuyển nhượng luôn tài sản. Điều này có thể gây nhiều rủi ro trong quá trình cầm cố tài sản. Do đó, khi đôi bên ký hợp đồng cầm cố tài sản phải đọc thật kỹ những điều khoản để tránh những tranh chấp đáng tiếc xảy ra” - luật sư Tăng khuyến cáo.
Tố Tâm
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin