Với việc sử dụng 11 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là “sổ đỏ”) giả, 2 vợ chồng bị cáo Trần Thanh Bình (52 tuổi) và Nguyễn Thị Thanh Nguyệt (45 tuổi), cùng ngụ phường Tân Hòa (thành phố Biên Hòa) đã lừa đảo chiếm đoạt của 5 bị hại với tổng số tiền lên đến gần 20 tỷ đồng.
Hai vợ chồng bị cáo Trần Thanh Bình và Nguyễn Thị Thanh Nguyệt tại phiên tòa xét xử. Ảnh: T.Tâm |
Thủ đoạn của bị cáo là dùng “sổ đỏ” giả đem đi cầm cố thế chấp để vay tiền; còn các sổ đỏ thật, các bị cáo đã đem bán cho những người khác.
Dùng “sổ đỏ” giả để vay tiền
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh xác định, vào năm 2018, vợ chồng bị cáo Bình và Nguyệt được Sở Tài nguyên và môi trường cấp sổ đỏ đối với 5 thửa đất tại phường Tân Biên và phường Tân Hòa (thành phố Biên Hòa). Mỗi thửa đất có diện tích từ 75m2 đến hơn 180m2.
Do cần tiền để trả các khoản vay và tiêu xài cá nhân nên Nguyệt đã lên mạng xã hội đặt làm giả 11 “sổ đỏ”. Những “sổ đỏ” giả mà Nguyệt làm có nội dung giống như những sổ đỏ mà vợ chồng Nguyệt từng sở hữu.
Với hành vi của các bị cáo, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Trần Thanh Bình 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 5 năm tù về tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức (tổng hợp hình phạt là 25 năm tù); Nguyễn Thị Thanh Nguyệt 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 4 năm tù về tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức (tổng hình phạt là 22 năm tù). |
Với số “sổ đỏ” giả này, trong khoảng thời gian từ tháng 7-2018 đến tháng 10-2018, Bình và Nguyệt đã nhiều lần thỏa thuận thế chấp các giấy tờ giả này bằng hợp đồng sang nhượng quyền sử dụng đất vay tiền. Sau đó, cả hai không trả lãi hoặc trả ít để chiếm đoạt gần 20 tỷ đồng của các bị hại.
Đơn cử như trong khoảng thời gian từ ngày 6-7-2018 đến ngày 5-10-2018, Bình và Nguyệt đã 3 lần ký hợp đồng chuyển nhượng 3 thửa đất tại phường Tân Biên cho anh P.N.T. (ngụ thành phố Biên Hòa). Quá trình chuyển nhượng có chứng thực tại một văn phòng công chứng ở thành phố Biên Hòa. Tuy nhiên, sau khi ông T. đem các giấy tờ đi làm thủ tục sang tên thì phát hiện “sổ đỏ” của vợ chồng Bình và Nguyệt là giả.
Cũng trong khoảng thời gian từ ngày 7-7-2018 đến tháng 9-2018, Bình và Nguyệt đã 3 lần ký hợp đồng ủy quyền toàn quyền sử dụng đối với 3 thửa đất tại phường Tân Biên và phường Tân Hòa cho anh C.T.K. (ngụ thành phố Biên Hòa) để đảm bảo khoản vay số tiền hơn 10 tỷ đồng. Đến tháng 4-2019, do vợ chồng Bình không trả khoản vay nên anh K. mang 3 “sổ đỏ” của vợ chồng Bình làm thủ tục sang tên thì phát hiện tất cả đều là giả.
Trả giá vì “túng quá hóa liều”
Đứng trước bục khai tại phiên tòa xét xử đầu tháng 10-2024, 2 bị cáo Bình và Nguyệt bật khóc nức nở vì hối hận. Chốc chốc cả hai đưa ánh mắt về phía sau để nhìn các con với nỗi day dứt. Các bị cáo cho biết, sau một thời gian làm ăn thua lỗ, cả hai vướng vào nợ nần và phải bán tháo hết tài sản để trả nợ nhưng vẫn không đủ. Túng quá hóa liều, hai vợ chồng bị cáo đã liều đặt mua “sổ đỏ” giả để đem đi cầm cố nhằm lấy tiền tiêu xài.
Cũng theo các bị hại, vì nhìn thấy số tài sản là nhà đất của vợ chồng Bình, Nguyệt sở hữu nhiều và hoạt động kinh doanh của các bị cáo có vẻ tốt nên bị hại tin tưởng và cho mượn tiền bằng cách thế chấp “sổ đỏ”. Thế nhưng, chỉ vì quá chủ quan khi không kiểm tra các loại giấy tờ nên không phát hiện Bình và Nguyệt cầm cố “sổ đỏ” giả. Hơn nữa, tất cả các “sổ đỏ” giả vợ chồng bị cáo Bình làm đều rất tinh vi, khó có thể phát hiện.
Đối với các cá nhân thuộc văn phòng công chứng tại thành phố Biên Hòa đã tiến hành công chứng hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng ủy quyền đối với các thửa đất theo yêu cầu của bị cáo Bình và Nguyệt có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nên Cơ quan điều tra tỉnh đã tách hành vi của đại diện các văn phòng công chứng này để tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định. |
Mặt khác, quá trình làm các hợp đồng giấy tờ thì đều được xác thực của các văn phòng công chứng khác nhau tại thành phố Biên Hòa nên bị hại tin tưởng và giao tiền cho các bị cáo.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nhận định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nguyên nhân xuất phát từ lòng tham của 2 bị cáo Bình và Nguyệt. Mặc dù các bị cáo đã bán các thửa đất cho người khác nhưng vẫn cố tình đặt làm giả “sổ đỏ” đứng tên vợ chồng Bình - Nguyệt để thế chấp, cầm cố, bán cho các bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong đó, Bình là người chủ mưu, cầm đầu; Nguyệt là người giúp sức tích cực.
Cũng theo Hội đồng Xét xử, hành vi của các bị cáo đã xâm hại đến quyền sở hữu của người khác; xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức; xâm hại đến trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai; gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng tình hình trật tự, an toàn trên địa bàn và gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo phạm tội nhiều lần; sau khi phạm tội, các bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã nên đây là tình tiết tăng nặng. Đến nay, 2 bị cáo mới khắc phục được một phần nhỏ thiệt hại cho các bị hại. Do vậy, cần có mức hình phạt nghiêm, tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội của từng bị cáo nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Tố Tâm
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin