Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử lý tận gốc xe ba gác, 3-4 bánh tự chế: Không chỉ dừng ở xử phạt (Bài 1)

Đăng Tùng
08:12, 26/08/2024

Quy định cấm xe 3-4 bánh tự chế đã có từ lâu. Nhiều địa phương cũng đề xuất thu hồi, cấm loại phương tiện này hoạt động nhưng đến nay vẫn không thực hiện được vì nhiều lý do. Việc này dẫn đến tình trạng xe 3-4 bánh tự chế không đủ điều kiện vẫn lưu thông, là hiểm họa cho người đi đường. Do đó, vấn đề quản lý hoạt động xe ba gác và 3-4 bánh tự chế an toàn, hiệu quả cần được quan tâm.

Xe ba gác chở hàng cồng kềnh di chuyển trên đường Bùi Trọng Nghĩa (phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) bị lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện. Ảnh: Đ.Tùng
Xe ba gác chở hàng cồng kềnh di chuyển trên đường Bùi Trọng Nghĩa (phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) bị lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện. Ảnh: Đ.Tùng

Bài 1: Cấm vẫn như không!

Mặc dù việc xe ba gác chở hàng hóa cồng kềnh và xe 3-4 bánh tự chế lưu thông trên đường là những hành vi bị cấm nhưng thực tế do nhu cầu của người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh nên những phương tiện trên vẫn còn “đất sống”. Nhất là với lợi thế xe có kích thước nhỏ gọn dễ luồn lách vào các ngõ hẻm ở đô thị.

Đáp ứng cung - cầu

Mỗi ngày, ông D.T.Đ. (64 tuổi, ngụ phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa) đều chạy xe ba gác nhận chở hàng hóa, vật liệu xây dựng đi khắp thành phố theo yêu cầu của khách hàng. Trung bình, mỗi lượt chở, ông kiếm được khoảng 100-300 ngàn đồng (tùy theo chặng đường, số lượng hàng hóa). Cũng vì cố gắng tiết kiệm chi phí nên ông thường chở hàng cồng kềnh vượt quá chiều dài thùng xe trong mỗi lần vận chuyển.

Ông D.T.Đ. cho biết, vì cuộc sống mưu sinh nên dù biết vi phạm quy định về chở hàng cồng kềnh nhưng vẫn phải làm. Nếu ông không chịu chở thì khách sẽ thuê người khác chấp nhận chở như vậy. Ngày 26-6, ông đã bị Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an thành phố Biên Hòa lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi chở hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định khi đang chở các thanh thép dài lưu thông trên đường Nguyễn Ái Quốc.

Trường hợp như ông Đ. không phải là hiếm khi tại các khu vực đô thị như: thành phố Biên Hòa và các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom…, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vật liệu là rất lớn. Đặc biệt là vật liệu, hàng hóa dùng trong xây dựng dân dụng như: tấm tôn, thép, cát, bao xi măng...

Theo lực lượng chức năng, các loại xe ba gác chở hàng được phép lưu thông hiện nay là những xe đã được được cấp biển số, đầy đủ giấy đăng ký xe và người điều khiển phải có giấy phép lái xe phù hợp. Trên thực tế, với các khu vực đô thị tồn tại nhiều ngõ hẻm, đường khu dân cư lâu đời mà xe tải không thể di chuyển vào được, thì xe ba gác là một giải pháp hiệu quả để vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng. Ngoài ra, xe ba gác hiện còn được dùng để thu gom rác trên các tuyến đường, khu dân cư nội thành Biên Hòa vì sự nhỏ gọn, linh động của loại phương tiện này.

Cùng với đó, một trong những yếu tố khiến xe ba gác, xe 3-4 bánh tự chế còn tồn tại được chính là giá rẻ, phù hợp với khả năng chi trả của nhiều người. Đặc biệt, nếu so với việc thuê 1 xe tải để vận chuyển thì việc thuê xe ba gác vận chuyển hàng sẽ rẻ hơn nhiều (bằng khoảng 1/3).

Theo UBND thành phố Biên Hòa, thời gian qua, chính quyền địa phương đã cương quyết xử lý các trường hợp mua bán lấn chiếm lòng đường trên các tuyến đường nội thành, trong đó có những người dùng xe 3-4 bánh tự chế bán nông sản. Khi tình trạng chợ tự phát được xử lý, cũng góp phần giảm bớt hoạt động của các xe 3-4 bánh tự chế trên đường.

Anh Nguyễn Minh Anh (sinh viên một trường đại học tại thành phố Biên Hòa) cho biết, mỗi lần chuyển phòng trọ, anh thường gọi xe ba gác để chuyển trong một lượt vì giá tốt, người lái xe cũng chấp nhận đi vào các ngõ ngách nhỏ. Có thể nói, đây là lợi thế rất lớn của loại phương tiện này khi hoạt động ở các đô thị đông đúc.

Nếu loại bỏ xe ba gác, đổi thành xe tải thì việc vận chuyển hàng hóa vào ngõ hẻm, đô thị sẽ gặp khó khăn. Nhất là khi nhiều tuyến đường khu dân cư cấm các loại xe tải, nhiều tuyến đường đô thị cấm xe tải từ 2 tấn hoặc cấm theo giờ.

Ông N.V.T. (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa), chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng tại thành phố Biên Hòa nhận định một tấm tôn dài 2-3m nên nếu chở vừa vặn thì phải dùng các xe tải trọng lớn. Nhưng lại vướng quy định cấm xe tải theo giờ ở nhiều tuyến đường trung tâm thành phố và giá thành sẽ đội lên rất cao nếu chỉ chở vài tấm đến công trình xây dựng nhà ở. Do đó, phần lớn các cửa hàng vật liệu xây dựng đều chọn xe ba gác để chở loại hàng này vì giá phải chăng.

Khó xử lý triệt để

Theo ghi nhận của lực lượng chức năng, từ đầu tháng 6-2024 đến nay, khi lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh thực hiện chuyên đề về xử lý xe ba gác, xe 3-4 bánh tự chế chở hàng cồng kềnh thì hoạt động của loại phương tiện này tại thành phố Biên Hòa và một số huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom… giảm đáng kể. Những người điều khiển loại phương tiện này đã chuyển sang hoạt động lén lút trên các tuyến đường lớn và chuyển sang đi các đoạn đường nhỏ để né việc tuần tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông.

Thượng úy Hoàng Thái Sơn, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an thành phố Biên Hòa, cho hay trong quá trình xử lý xe ba gác, xe 3-4 bánh tự chế chở hàng cồng kềnh, khi phát hiện lực lượng chức năng, những người lái xe sẽ lẩn trốn vào các đường hẻm khiến lực lượng chức năng phải truy đuổi, yêu cầu dừng lại để kiểm tra, xử lý.

Một cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng trên quốc lộ 51 (thành phố Biên Hòa) bốc xếp hàng cồng kềnh lên xe ba gác, chuẩn bị chở đi giao.
Một cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng trên quốc lộ 51 (thành phố Biên Hòa) bốc xếp hàng cồng kềnh lên xe ba gác, chuẩn bị chở đi giao.

Không chỉ vậy, khi lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý được vài trường hợp là những người lái xe ba gác, xe 3-4 bánh tự chế sẽ báo tin cho nhau và tạm ngưng hoạt động để chờ lực lượng chức năng đi khỏi. Do đó việc xử phạt, tạm giữ phương tiện cũng chỉ như “muối bỏ biển” và rất khó để giải quyết triệt để tình trạng xe ba gác, xe 3-4 bánh tự chế chở hàng cồng kềnh.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo một số địa phương, tình trạng xe ba gác, xe 3-4 bánh tự chế còn hoạt động là do nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân chính là các cơ sở, doanh nghiệp, khách hàng thuê còn đặt nặng vấn đề lợi nhuận, vì khi chở cồng kềnh thì sẽ chở được nhiều và giảm giá thành vận chuyển. Ngoài ra, nhận thức về pháp luật cũng như ý thức bảo đảm an toàn giao thông khi ra đường của một bộ phận người lái xe còn hạn chế.

Về phía những người lái xe ba gác, xe 3-4 bánh tự chế, phần lớn họ là người lao động có thu nhập thấp, đã quen với công việc chở hàng như vậy từ nhiều năm nay. Và chiếc xe cũng là tài sản có giá trị, là “cần câu cơm” của gia đình nên hầu như họ phải “chật vật” chiều theo yêu cầu của bên thuê mỗi khi chuyển hàng, kể cả việc chở cồng kềnh.

Ông T.Đ. (48 tuổi, ngụ phường Xuân Thanh, thành phố Long Khánh) chia sẻ, chiếc xe ba gác là phương tiện mưu sinh cho cả gia đình đã từ nhiều năm nay. Ông chạy theo yêu cầu của khách hàng nên cũng không làm khác được dù biết sẽ gây nguy hiểm cho người đi đường. Ngày 5-7 vừa qua, khi chở một số cuộn tôn, thanh thép lưu thông trên đường Hồ Thị Hương (thành phố Long Khánh), ông đã bị Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an thành phố Long Khánh lập biên bản vì chở hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định.

Đăng Tùng

Bài 2: “Hung thần” trên đường phố

Tin xem nhiều