Thời gian qua, Công an tỉnh phối hợp với Phòng Xét nghiệm Genestory (Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức Chương trình Thu mẫu sinh trắc ADN phục vụ xây dựng ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn Đồng Nai.
Phó giám đốc Công an tỉnh, đại tá Trần Anh Sơn trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác thu mẫu sinh trắc ADN của thân nhân các liệt sĩ chưa xác định thông tin trên địa bàn Đồng Nai vào ngày 26-7. |
Việc thu mẫu ADN để tìm kiếm liệt sĩ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thiêng liêng, thể hiện sâu sắc đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Thắp lên hy vọng cho gia đình các liệt sĩ
Việc thu mẫu sinh trắc ADN phục vụ tìm liệt sĩ được xem là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt các liệt sĩ. Điều này một lần nữa thắp lên niềm hy vọng cho các gia đình có người thân hy sinh trong những cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc.
Dù đã 93 tuổi, đôi chân yếu và rất khó khăn để bước đi nhưng khi nghe con trai nói chở đi lấy mẫu sinh trắc ADN để tìm hài cốt người mẹ là liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh thì bà Huỳnh Thị Ra (ngụ phường An Hòa, thành phố Biên Hòa) đã đồng ý ngay. Trong giọng nói yếu ớt, bà cho biết, trước khi mất, bà ao ước có thể tìm thấy hài cốt của người mẹ là liệt sĩ Mai Thị Thắng.
Theo Công an tỉnh, hiện trên cả nước vẫn còn khoảng 500 ngàn liệt sĩ chưa xác định được danh tính, trong đó 200 ngàn hài cốt chưa quy tập và 300 ngàn hài cốt đã an táng nhưng thiếu thông tin. Riêng tại địa bàn Đồng Nai, có hơn 3 ngàn mộ chưa xác định được thông tin và hơn 2 ngàn mộ xác định được một phần thông tin, 11 mộ tập thể. |
Tuy mắt đã mờ, tai đã lãng, nhưng khi hỏi về người mẹ liệt sĩ, bà Ra kể lại rất rõ ràng. Bà nói giặc bắn mẹ của bà ngay gần nhà nhưng hơn một tháng sau, gia đình bà mới được tiếp cận khu vực mẹ của bà bị bắn, nhưng không thấy mẹ của bà. Chiến tranh đã lùi xa, nhiều năm qua, cả gia đình đã cố gắng tìm tung tích hài cốt mẹ của bà nhưng vẫn không tìm thấy. Bà mong sau dịp lấy mẫu sinh trắc ADN có thể tìm thấy hài cốt liệt sĩ Mai Thị Thắng để bà được yên lòng và con cháu có cơ hội làm tròn chữ hiếu.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Mười (69 tuổi, ngụ xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) kể lại, gia đình bà đang tìm hài cốt 2 liệt sĩ là 2 người anh ruột của bà. Bà nói, khi mẹ của bà còn sống, vì quá nhớ thương con nên mẹ của bà thường đến các nghĩa trang liệt sĩ mong có thể tìm thấy tên con trên bia mộ, nhưng vẫn không thấy. Cho đến trước khi mẹ của bà mất, đã dặn lại con cháu trong nhà cố gắng tìm thấy 2 người con là liệt sĩ để chăm lo phần mộ và hương khói đầy đủ.
“Đi nhiều nơi và thấy rất nhiều ngôi mộ không tên, tôi tự an ủi mình đó là mộ các anh và cũng yên lòng vì các anh đã có mồ yên mả đẹp. Trong dịp này, với việc lấy mẫu ADN, một lần nữa tôi vẫn nuôi hy vọng sớm tìm thấy hài cốt các anh tôi để thực hiện được di nguyện của mẹ và cũng yên tâm hơn khi biết được nơi các anh đang nằm” - bà Mười xúc động nói.
Bà Huỳnh Thị Ra (ngụ phường An Hòa, thành phố Biên Hòa) được dìu đến Công an huyện Nhơn Trạch để lấy mẫu sinh trắc ADN tìm hài cốt của mẹ bà là liệt sĩ. |
Ông Lê Minh Đức (67 tuổi, ngụ xã Long Phước, huyện Long Thành) cho biết, ông có một người anh trai đã hy sinh trong thời kháng chiến và được phong tặng liệt sĩ. Sau khi hòa bình, cha mẹ của ông đã tìm nhiều nơi và gia đình ông cũng nhờ các cấp chính quyền nhiều lần tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm thấy hài cốt liệt sĩ. Sau khi tìm hiểu, một số người nói anh trai của ông hy sinh ở chiến trường Quảng Trị, có người lại nói hy sinh khi đã tiến vào các tỉnh phía Nam.
“Ai chỉ đâu thì chúng tôi đi tìm ở đó với mong muốn sớm biết được nơi anh của tôi nằm xuống. Thế nhưng, cho đến hiện tại, vẫn chưa tìm thấy. Mới đây, lực lượng công an thông báo đi lấy mẫu sinh trắc ADN phục vụ cho việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ anh tôi. Tôi thật sự rất xúc động và vui mừng, hy vọng sẽ sớm tìm được hài cốt của anh tôi” - ông Đức cho hay.
Vào ngày 26-7, Công an tỉnh phối hợp với Sở Lao động - thương binh và xã hội, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an; Phòng Xét nghiệm Genestory và UBND huyện Long Thành, UBND huyện Nhơn Trạch tổ chức thí điểm thu mẫu ADN của gần 30 thân nhân các gia đình liệt sĩ để xác định danh tính của 18 liệt sĩ chưa xác định được thông tin trên địa bàn tỉnh.
Phát huy đạo lý đền ơn đáp nghĩa
Phó giám đốc Công an tỉnh, đại tá Trần Anh Sơn cho biết, trải qua 2 cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc, với tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất đã không tiếc xương máu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng cao cả.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau vẫn còn hiện hữu, nhất là đối với những gia đình thân nhân liệt sĩ. Hiện còn rất nhiều liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt và vẫn còn nhiều mộ liệt sĩ không tên. Đây là nỗi day dứt, trăn trở của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Trong khi đó, thông tin, tài liệu và nhân chứng về các liệt sĩ tản mát, ngày càng ít; chất lượng mẫu hài cốt giảm dần theo thời gian; nhiều thân nhân liệt sĩ đã mất; việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, cung cấp thông tin cho các gia đình liệt sĩ còn hạn chế... Điều này đòi hỏi công cuộc “trả danh tính - nối người thân” phải được triển khai gấp rút. Chính vì lẽ đó, việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là công việc hết sức nhân văn, thể hiện sự biết ơn, tri ân với những hy sinh, cống hiến và mất mát của các anh hùng liệt sĩ và thân nhân của họ.
Các bác sĩ Phòng Xét nghiệm Genestory (Thành phố Hồ Chí Minh) lấy mẫu sinh trắc ADN của thân nhân các liệt sĩ trên địa bàn Đồng Nai. |
Cũng theo lãnh đạo Công an tỉnh, Bộ Công an đang triển khai thực hiện Luật Căn cước năm 2023 với nội dung xây dựng cơ sở dữ liệu căn cước có dữ liệu thông tin ADN. Để phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, Bộ Công an đã đề xuất Chính phủ về chủ trương thực hiện phân tích thông tin ADN cho toàn bộ thân nhân liệt sĩ chưa xác định thông tin để tạo lập kho dữ liệu lớn về ADN của thân nhân liệt sĩ nhằm đối sánh, tìm kiếm thông tin hài cốt liệt sĩ chưa xác định thông tin (dự kiến thực hiện mỗi gia đình là 2 mẫu với tổng thân nhân khoảng 1 triệu mẫu). Với kho dữ liệu phổ quát này, việc tìm kiếm và xác minh thân nhân sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn.
“Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhiệm vụ thiêng liêng vô cùng ý nghĩa. Việc lấy mẫu sinh trắc ADN là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt các liệt sĩ. Chúng ta sẽ cùng nhau đồng hành, tin tưởng và hy vọng một ngày không xa có thể xác định được danh tính cho các liệt sĩ” - đại tá Trần Anh Sơn cho hay.
Tố Tâm
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin