Báo Đồng Nai điện tử
En

Không để tái diễn nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt

Đăng Tùng
09:00, 06/08/2024

Từ đầu năm 2024 đến nay, 2 vấn đề an toàn giao thông (ATGT) đường sắt tại Đồng Nai được ngành chức năng quan tâm là: tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt và tình trạng ném đá tàu hỏa.

Vị trí đường ngang Km 1696+458 (giao cắt giữa đường sắt và đường Phạm Văn Thuận, thành phố Biên Hòa) vừa được lắp đặt barrier ngăn giữa 2 đường khu dân cư thuộc phường Tân Tiến với đường sắt. Ảnh: Đ.Tùng

Hiện nay, Ban ATGT tỉnh cùng các địa phương đang ráo riết rà soát, kiểm tra các đường ngang giữa đường sắt và đường bộ để đề ra các giải pháp ngăn ngừa tái diễn nguy cơ mất ATGT đường sắt nêu trên.

Còn nhiều vị trí đường ngang dân sinh nguy hiểm

Tại vị trí giao giữa đường sắt và đường Võ Thị Sáu, đường Nguyễn Thành Đồng (giáp ranh 2 phường Quyết Thắng và Thống Nhất, thành phố Biên Hòa) hiện tồn tại một số đường hẻm nhỏ. Dù barrier đã kéo chắn ngang nhưng chỉ chắn ngang tuyến đường chính, còn một vài con hẻm nhỏ sát đường ray, người và phương tiện vẫn có thể di chuyển ngang đường sắt nên tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT rất cao. Đáng nói, với các hộ dân tại đây, các con hẻm nhỏ này là tuyến đường duy nhất để đi ra đường chính.

Ông P.T.T. (ngụ phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa) cho hay, nhiều hộ dân sinh sống dọc theo đường sắt từ hàng chục năm, do sinh sống trong các hẻm cụt nên lối đi cặp theo đường sắt là “độc đạo”. Mặc dù biết là tiềm ẩn nguy cơ TNGT nhưng không còn lối di chuyển khác nên các hộ dân sống dọc theo đường sắt cũng tự hình thành thói quen quan sát, lắng nghe tiếng còi báo hiệu trước khi đi ngang.

Thời gian qua, trên toàn tỉnh đã xảy ra một số vụ TNGT đường sắt (tại vị trí đường ngang và cả nơi không có đường ngang) khiến người dân lo lắng.

Gần nhất, tối 28-7, tàu hỏa SNT5 do lái tàu Đ.H.H. (33 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa) điều khiển lưu thông theo hướng Bắc - Nam (hướng thành phố Long Khánh đi thành phố Biên Hòa) va chạm với xe bán tải biển số 60C-597.05 tại vị trí đường ngang Km1696+458 (giao cắt giữa đường sắt và đường Phạm Văn Thuận) khiến 2 người chết, 3 người bị thương.

Theo Phòng Thanh tra - an toàn III (Cục Đường sắt Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải), vụ TNGT đường sắt tại vị trí đường ngang Km1696+458 vào tối 28-7 lỗi phần nhiều thuộc về người lái xe bán tải khi không tuân theo biển cảnh báo “chú ý tàu hỏa” và thiếu quan sát xung quanh. Ngoài ra, tại vị trí đường ngang Km1696+458 có một đường hẻm nhỏ vào khu dân cư nhưng không có barrier nên là điểm có nguy cơ mất ATGT đường sắt.

Trước đó, sáng 7-6, tại lý trình Km1692+400 (phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa), ông V.T.D. (67 tuổi, ngụ phường Tân Hiệp) đi bộ băng ngang đường sắt rồi xảy ra va chạm với tàu hỏa (di chuyển hướng Bắc - Nam), khiến ông V.T.D. tử vong tại chỗ.

Bên cạnh đó, theo thống kê từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Đồng Nai xảy ra 12 vụ ném đất, đá, chất bẩn lên tàu; 1 vụ trộm cắp vật tư thiết bị đường sắt. Không chỉ vậy, toàn tỉnh còn 45 vị trí vi phạm hành lang ATGT đường sắt và 224 vị trí vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu đường sắt.

Trên địa phận Đồng Nai, tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua 5 địa phương (các huyện: Trảng Bom, Thống Nhất, Xuân Lộc và 2 thành phố: Biên Hòa, Long Khánh) có tổng chiều dài hơn 89km với 57 đường ngang hợp pháp và 13 lối đi tự mở. Mặc dù cơ quan chức năng đã bố trí 10 vị trí chốt gác và cho rào hẹp, vận động người dân tự rào xóa bỏ các lối đi còn lại nhưng vẫn còn không ít lối đi dân sinh tiềm ẩn nguy hiểm.

Gấp rút rà soát các vị trí mất an toàn

Ngay sau khi vụ TNGT đường sắt rất nghiêm trọng xảy ra tại vị trí đường ngang Km1696+458 (giao cắt giữa đường sắt và đường Phạm Văn Thuận) vào tối 28-7, Ban ATGT tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh và các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế các tồn tại, bất cập về hạ tầng giao thông tại những điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt tại các huyện: Trảng Bom, Thống Nhất, Xuân Lộc và 2 thành phố: Biên Hòa, Long Khánh.

Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã ghi nhận một số lối đi tự mở cắt ngang đường sắt vào khu dân cư, hộ dân tại các địa phương trên. Đồng thời, Ban ATGT tỉnh ghi nhận các tồn tại, bất cập về hạ tầng giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, đề xuất phương án xử lý với các cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, cũng trong ngày 29-7, Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đẩy mạnh kiểm tra, bảo đảm trật tự ATGT đường sắt. Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông lưu ý rà soát các đường ngang dân sinh không đảm bảo an toàn và đề xuất giải pháp khắc phục.

Về vấn đề ném đá lên đường sắt, sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc Đánh giá kết quả công tác bảo đảm trật tự ATGT 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp quý III-2024 vào ngày 12-7, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban ATGT tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo ngay lực lượng chức năng tăng cường phối hợp với các đơn vị ngành đường sắt có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời. Đồng thời, phải tiếp tục điều ra làm rõ và xử lý hành vi ném đất, đá lên tàu hỏa nhằm bảo đảm an toàn chạy tàu.

Giao Cục Đường sắt Việt Nam rà soát, lập danh mục và kinh phí sửa chữa 184 đường ngang

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản giao Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương rà soát, lập danh mục đường ngang và dự kiến kinh phí thực hiện sửa chữa 184 đường ngang trên toàn quốc.

Cụ thể, Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm rà soát, xác định nhu cầu vốn thực hiện trong năm 2024 và năm 2025. Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định, phê duyệt dự toán bảo đảm tuân thủ quy định về quản lý chi phí, đơn giá, định mức… Việc tổ chức sửa chữa các đường ngang bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả và không để xảy ra tiêu cực, lãng phí; chịu trách nhiệm về việc quản lý sử dụng nguồn vốn được giao, bảo đảm đúng quy định pháp luật.       

Đông Hồ

Đăng Tùng

 

Tin xem nhiều