Báo Đồng Nai điện tử
En

Hưởng chế độ ốm đau khi bị tai nạn giao thông trên đường đi làm

Đoàn Phú
07:16, 20/08/2024

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 gồm 11 chương, 141 điều, có hiệu lực từ ngày 1-7-2025 với rất nhiều điểm mới đáng chú ý so với Luật BHXH năm 2014.

Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia thành phố Biên Hòa) tư vấn cho một người lao động về chính sách, pháp luật liên quan đến lao động.
Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia thành phố Biên Hòa) tư vấn cho một người lao động về chính sách, pháp luật liên quan đến lao động. Ảnh: Đoàn Phú

Luật BHXH năm 2024 quy định người lao động (NLĐ) sẽ được BHXH chi trả chế độ ốm đau khi điều trị do bị tai nạn (đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở) theo tuyến đường và thời gian hợp lý.

Được hưởng chế độ ốm đau

Điểm c, khoản 1, Điều 42 Luật BHXH năm 2024 quy định rõ, NLĐ điều trị khi bị tai nạn (đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở) theo tuyến đường và thời gian hợp lý theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Luật BHXH năm 2024 có nhiều điểm mới đáng chú ý. Cụ thể như: NLĐ đóng BHXH tối thiểu 15 năm sẽ được hưởng lương hưu; mở rộng đối tượng được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bằng việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; bổ sung quyền thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần…

Luật BHXH năm 2024 quy định NLĐ khi bị tai nạn trên đường đi làm hoặc tan ca về nhà không được xem là tai nạn lao động (TNLĐ), mà chỉ xem đó là tai nạn ngoài lao động. Với trường hợp này, NLĐ chỉ được hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ việc và trách nhiệm chi trả thuộc cơ quan BHXH, chứ không thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động (NSDLĐ) như Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015.

Chị Nguyễn Hồng, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, thắc mắc Luật BHXH năm 2024 quy định như trên có trái với Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015?

Theo chị Nguyễn Hồng, tại khoản 2, Điều 29 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định trách nhiệm của NSDLĐ về bồi thường, trợ cấp trong những trường hợp đặc thù khi NLĐ bị TNLĐ như sau: trường hợp NLĐ bị TNLĐ đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì NSDLĐ trợ cấp cho NLĐ theo quy định tại khoản 5, Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015.

Ngoài ra, khoản 5, Điều 38 của Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định trợ cấp cho NLĐ bị TNLĐ mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4, Điều 38 của Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng.

“Như vậy, sắp tới, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 có sửa đổi cho phù hợp và đồng nhất với Luật BHXH năm 2024 hay không?” - chị Nguyễn Hồng thắc mắc.

Mong muốn quyền lợi tiếp tục được bảo đảm

Về vấn đề nêu trên, luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia thành phố Biên Hòa) cho biết, tới thời điểm ngày 1-7-2025, Luật BHXH năm 2024 mới có hiệu lực nên hiện tại vấn đề này vẫn được Luật BHXH năm 2015 điều chỉnh. Vì vậy, hiện nay, trường hợp NLĐ bị tai nạn trên đường đi làm và tan ca về nhà vẫn được hưởng chế độ TNLĐ theo Điều 43 Luật BHXH năm 2014 và khoản 2, Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015. Tức là, khi NLĐ bị tai nạn trên đường đi làm hoặc tan ca về thì trách nhiệm trợ cấp thuộc về NSDLĐ.

Khoản 4, Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định, NSDLĐ có trách nhiệm bồi thường cho NLĐ bị TNLĐ mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra với mức ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5-10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11-80%.

Theo luật gia Phạm Đình Đức, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 sẽ sớm sửa đổi vấn đề này cho thống nhất với quy định trách nhiệm chi trả chế độ khi NLĐ bị tai nạn trên đường đi làm và tan ca về thuộc BHXH, chứ không phải trách nhiệm của NSDLĐ. Đồng thời, cơ quan xây dựng luật sẽ tiếp tục khẳng định, NLĐ bị tai nạn trên đường đi làm và tan ca về là tai nạn xảy ra ngoài công ty, không phải công việc được phân công nên không phải là TNLĐ và chỉ được hưởng chế độ trợ cấp ốm đau.

Đồng quan điểm, luật gia Nguyễn Thanh Tấn (Hội Luật gia tỉnh) phân tích, sự thay đổi này là phù hợp với bản chất của vấn đề. Bởi TNLĐ là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho NLĐ, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Trong khi đó, trường hợp bị tai nạn trên đường đi, về không xảy ra trong quá trình lao động hay gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Do đó, nếu mãi xem đó là TNLĐ và buộc NSDLĐ phải chịu trách nhiệm do lỗi không phải do NSDLĐ gây ra là không ổn, khiên cưỡng.

 Luật gia Nguyễn Thanh Tấn bày tỏ, dù thuộc trách nhiệm của ai, nhưng NLĐ bị tai nạn trên đường đi làm hoặc tan ca về khi sửa Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 cần đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Nhất là cần đảm bảo cho NLĐ được thụ hưởng những chính sách hợp lý, chí ít phải bằng hoặc ưu đãi hơn so với Luật BHXH năm 2014 và Luật An toàn vệ sinh, lao động năm 2015 đang có hiệu lực.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều