Những năm gần đây, Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL hướng về cơ sở, đặc biệt ưu tiên cho các nhóm đối tượng đặc thù yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa trên địa bàn.
Báo cáo viên của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch phổ biến các quy định về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình. Ảnh: A.Nhơn |
Đây là một trong những hoạt động thiết thực nằm trong kế hoạch hàng năm nhằm giúp bà con nắm vững kiến thức pháp luật.
Chọn nội dung tuyên truyền gẫn gũi, sát sườn
Sở Tư pháp vừa phối hợp với Công an tỉnh, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, Đoàn Luật sư tỉnh và UBND huyện Định Quán tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã: Túc Trưng, Phú Túc, Phú Cường (huyện Định Quán).
Tại buổi tuyên truyền, hơn 300 đồng bào dân tộc thiểu số được nghe trung tá Hoàng Văn Hải, Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh) phổ biến các quy định pháp luật về an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, chủ yếu tập trung các nội dung cơ bản về những hành vi vi phạm thường gặp trong cuộc sống; một số kỹ năng khi tham gia giao thông; mức xử phạt các lỗi vi phạm.
Cũng tại buổi tuyên truyền, Trưởng phòng Quản lý văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, thể thao và du lịch) Trần Anh Thơ phổ biến về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới. Trong đó nhấn mạnh về những hậu quả của bạo lực gia đình; cách phát hiện và tố cáo các hành vi bạo lực gia đình; mức phạt cũng như hình thức xử lý đối với người có hành vi bạo lực gia đình…
Bên cạnh tuyên truyền pháp luật, các luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh, luật gia của Hội Luật gia tỉnh và các trợ giúp viên pháp lý thuộc Chi nhánh Trợ giúp pháp lý huyện Định Quán (thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh) trực tiếp trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật miễn phí cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Định Quán về các vấn đề pháp lý gặp phải trong cuộc sống. |
Các báo cáo viên đã thực hiện cách thức tuyên truyền miệng, vừa kết hợp trình chiếu những clip ngắn hay hình ảnh minh họa trên màn hình. Cách chọn nội dung tuyên truyền, PBGDPL ngắn gọn kết hợp với hình thức thể hiện phù hợp đã giúp cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số dễ tiếp nhận, dễ hiểu và nhớ lâu.
Ông Bùi Minh Tý (dân tộc Mường, ngụ ấp Tân Lập, xã Phú Túc) cho biết, thời gian qua, ông thường xuyên tham dự các buổi tuyên truyền pháp luật do các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp tổ chức. Từ đó, ông đã đem những kiến thức tiếp thu được về phổ biến lại cho gia đình, người thân, hàng xóm để cùng nắm và cùng chấp hành đúng chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước.
“Thông qua những buổi tuyên truyền thiết thực đã giúp cho bà con đồng bào chúng tôi nâng cao nhận thức pháp luật, đặc biệt là những quy định gần gũi với đời sống người dân như pháp luật giao thông đường bộ… Từ đó, đa số người dân đã ý thức và chấp hành tốt các quy định như: phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy để bảo vệ an toàn vùng đầu; đã uống rượu, bia thì không lái xe; không chạy xe vượt quá tốc độ cho phép hay lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ…”- ông Tý bộc bạch.
Bà Lê Thị Út (dân tộc Chơro, ngụ ấp Đồng Xoài, xã Túc Trưng) cho hay: “Nhờ những buổi tuyên truyền pháp luật đã giúp cho tôi nắm được nhiều kiến thức cơ bản liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới. Tức là trong gia đình không được trọng nam, khinh nữ, mà phải bình đẳng với nhau. Người đàn ông trong gia đình không có tính gia trưởng, mỗi lần nhậu say về không được gây chuyện, quậy phá, đánh đập vợ, con… Các thành viên trong gia đình phải quan tâm yêu thương, chăm sóc lẫn nhau, cùng nỗ lực vun đắp cho cuộc sống thì gia đình mới giữ hạnh phúc bền lâu”.
Đẩy mạnh tuyên truyền hướng về cơ sở
Phó trưởng phòng Tư pháp huyện Định Quán Phạm Trung Tín cho biết, đặc thù của huyện Định Quán có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Hiện trên địa bàn huyện có hơn 48 ngàn người; trong đó đồng bào dân tộc người Hoa chiếm tỷ lệ đông nhất với khoảng 60%.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện luôn được lãnh đạo UBND huyện Định Quán quan tâm và chỉ đạo triển khai thực hiện. Nhiệm vụ của Phòng Tư pháp (Cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện Định Quán) đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL cho người dân. Đồng thời, Phòng Tư pháp còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên tổ chức các buổi tuyên tuyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Phó trưởng phòng Tư pháp huyện Định Quán Phạm Trung Tín cho biết, thời gian tới, Phòng Tư pháp tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các chương trình tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Chẳng hạn, phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự huyện Định Quán tổ chức tuyên truyền những quy định về nghĩa vụ quân sự; phối hợp với Công an huyện tuyên truyền về Luật Căn cước năm 2023, đặc biệt là việc làm căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi và dưới 6 tuổi… |
Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đã giúp cho công tác tuyên truyền, PBGDPL đạt nhiều kết quả tích cực, giúp cho tầm nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật của bà con đồng bào được nâng lên. Từ đó, những vụ vi phạm pháp luật qua nhiều năm có giảm, đặc biệt là việc chấp hành quy định về đảm bảo an toàn giao thông đường bộ; tăng cường phòng chống tệ nạn ma túy, bạo lực gia đình, bạo lực học đường…
“Mặc dù lực lượng của Phòng Tư pháp huyện Định Quán chỉ có 5 người nhưng đã nỗ lực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cũng như tham mưu UBND huyện triển khai thực hiện khá tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong thời gian tới để công tác PBGDPL ngày càng đi vào chiều sâu” - ông Tín chia sẻ.
Theo Sở Tư pháp, tình hình giao thông trên địa bàn huyện Định Quán diễn biến phức tạp, nhất là tuyến quốc lộ 20 vẫn còn xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Hơn nữa, huyện Định Quán là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số và việc bà con tự tìm đến thông tin pháp luật cũng còn hạn chế. Do đó, Sở Tư pháp đã đưa nội dung trên vào kế hoạch năm 2024 và phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật trong đồng bào dân tộc tại huyện Định Quán. Nội dung tuyên truyền đã được chọn lọc kỹ lưỡng cho phù hợp với bà con.
Phó giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thị Kim Hương nhấn mạnh, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật mang ý nghĩa thiết thực nhằm giúp truyền tải nhiều thông tin pháp luật hữu ích đến với đồng bào, giúp bà con hiểu hơn các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tiếp tục tin tưởng cùng Đảng, chính quyền địa phương xây dựng quê hương Định Quán ngày càng phát triển. Đồng thời, mong muốn kịp thời nắm bắt được những khó khăn của bà con đồng bào liên quan đến các vấn đề pháp lý để tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật cần thiết đến bà con đồng bào trong thời gian tới.
“Trong thời gian tới, Sở Tư pháp đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, PBGDPL hướng đến đối tượng đặc thù yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Từ đó, chúng tôi sẽ có chỉ đạo sâu sát đến từng đối tượng cụ thể để cho những buổi tuyên truyền pháp luật luôn đạt hiệu quả cao” - bà Kim Hương cho hay.
An Nhơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin