Báo Đồng Nai điện tử
En

Hồ sơ mở thủ tục phá sản đối với Công ty CP Đầu tư LDG: Tòa án nhân dân cấp cao đang giải quyết

Tố Tâm
09:00, 31/07/2024

Ngày 29-7, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã chuyển hồ sơ lên TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh để xem xét lại quyết định mở thủ tục phá sản của TAND tỉnh đối với Công ty CP Đầu tư LDG (Công ty LDG, đóng tại xã Giang Điền, huyện Trảng Bom).

Dự án Khu dân cư Tân Thịnh (thuộc xã Đồi 61, huyện Trảng Bom). Ảnh: T.Tâm
Dự án Khu dân cư Tân Thịnh (thuộc xã Đồi 61, huyện Trảng Bom). Ảnh: T.Tâm

Đây là công ty liên quan đến sai phạm về đất đai, xây dựng 680 căn nhà thuộc Dự án Khu dân cư (KDC) Tân Thịnh (thuộc xã Đồi 61, huyện Trảng Bom).

Mở thủ tục phá sản do không thanh toán nợ

Theo đại diện Công ty CP Thương mại và xây dựng Phúc Thuận Phát (Công ty Phúc Thuận Phát, ở quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) trình bày, vào năm 2018 và 2019, Công ty Phúc Thuận Phát có ký hợp đồng với Công ty LDG thi công một số hạng mục công trình tại Dự án KDC Tân Thịnh. Tuy nhiên, sau khi thực hiện xong các hạng mục, Công ty LDG không thanh toán đủ khoản nợ theo giá trị hợp đồng hai bên đã ký kết. Sau khi đòi nợ nhiều lần không đạt được thỏa thuận, tại buổi làm việc giữa hai bên vào ngày 5-7-2024, Công ty LDG đề nghị được trả nợ theo cách cấn trừ tài sản hiện có của công ty. Nhưng Công ty Phúc Thuận Phát không đồng ý phương án trả nợ này và nhận thấy Công ty LDG mất khả năng trả nợ (số tiền xác nhận công nợ đến tháng 6-2023 là hơn 16 tỷ đồng) nên yêu cầu TAND tỉnh mở thủ tục phá sản đối với Công ty LDG.

Sau khi xem xét đơn và thực hiện các trình tự, thủ tục pháp lý theo quy định, vào ngày 22-7, TAND tỉnh đã mở thủ tục phá sản đối với Công ty LDG.

Ngay sau đó, Công ty LDG có văn bản trình bày gửi đến TAND tỉnh và TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị xem xét lại và hủy quyết định mở thủ tục phá sản do TAND tỉnh ban hành. Đến ngày 29-7, TAND tỉnh đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, giải quyết theo đúng thẩm quyền.

Đại diện Công ty LDG cho biết, trong quá trình thực hiện Dự án KDC Tân Thịnh đã gặp một số vướng mắc về thủ tục pháp lý nên vẫn còn tồn đọng một khoản nợ đối với Công ty Phúc Thuận Phát. Hiện Công ty LDG vẫn đang tiếp tục đàm phán để thống nhất phương án liên quan đến khoản nợ đối với Công ty Phúc Thuận Phát. Công ty cũng khẳng định không mất khả năng thanh toán và vẫn đảm bảo thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Liên quan đến sai phạm xảy ra tại Dự án Khu dân cư Tân Thịnh, Công an tỉnh đã tiến hành bắt giữ ông Nguyễn Khánh Hưng (45 tuổi, Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Đầu tư LDG) và ông Nguyễn Quốc Vy Liêm (45 tuổi, cựu Phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư LDG) để điều tra về hành vi lừa dối khách hàng.

Chịu sự giám sát sau khi tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản

Theo đại diện TAND tỉnh, các thủ tục tuyên bố phá sản được quy định lại Luật Phá sản năm 2014. Đây được xem là công cụ giúp doanh nghiệp rút khỏi thị trường một cách có trật tự, làm lành mạnh hóa nền kinh tế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các nhà đầu tư.

Đồng thời, những quy định của Luật Phá sản năm 2014 cũng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và các chủ nợ, cũng như lợi ích hợp pháp cho cả doanh nghiệp mắc nợ. Thủ tục phá sản được xem là thủ tục đòi nợ tập thể; là công cụ răn đe, buộc các doanh nghiệp phải luôn tự hoàn thiện mình để tồn tại và phát triển.

Đại diện TAND tỉnh cho biết, theo quy định tại Điều 4 Luật Phá sản năm 2014, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Quy định này cho phép doanh nghiệp có thêm thời gian thu xếp thanh toán các khoản nợ, đồng thời hạn chế tình trạng chủ nợ lạm quyền nộp đơn yêu cầu thủ tục phá sản.

Cũng theo TAND tỉnh, đối với những trường hợp đáp ứng đủ điều kiện mở thủ tục phá sản và nộp đủ lệ phí hoặc thuộc trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản thì TAND ra quyết định thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

“Trước khi bị tuyên bố phá sản thì doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn hoạt động bình thường. Việc giao kết hợp đồng với doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản là hoạt động bình thường, được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan”- đại diện TAND tỉnh cho hay.

Luật sư Trần Thanh Tùng, Đoàn Luật sư tỉnh, cho hay để giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tại tòa án thì ngay sau khi nhận đơn mở thủ tục phá sản, thẩm phán sẽ giải thích quyền và nghĩa vụ của các bên để các bên tự tiến hành thương lượng. Trong trường hợp các bên thương lượng được với nhau và người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đã rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì tòa án trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trường hợp không thương lượng thành hoặc hết thời hạn thương lượng (không quá 20 ngày) thì tòa án thông báo người nộp đơn đóng các loại lệ phí, tạm ứng chi phí theo quy định. Sau khi thực hiện các bước đúng theo quy định pháp luật thì tòa án mở thủ tục phá sản công ty.

“Theo Điều 47 Luật Phá sản năm 2014, sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh nhưng chịu sự giám sát của thẩm phán và quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản” - luật sư Tùng cho hay.

Theo Luật Phá sản năm 2014, sau khi mở thủ tục phá sản, bên doanh nghiệp bị yêu cầu phá sản không có quyền yêu cầu hủy quyết định mở thủ tục phá sản mà chỉ có quyền nộp đơn đề nghị tòa án (nơi ra quyết định mở thủ tục phá sản) xem xét lại quyết định mở thủ tục phá sản. Sau đó, hồ sơ sẽ được chuyển lên tòa án cấp trên giải quyết theo thẩm quyền.

Tố Tâm

Tin xem nhiều