Báo Đồng Nai điện tử
En

Sử dụng nước tiết kiệm, không để lãng phí

Đoàn Phú
07:26, 24/06/2024

Một khi nước không còn là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận, mọi người phải biết sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.

Vấn đề này được Luật Tài nguyên nước năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2024) quy định khá cụ thể. Do đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước hợp lý.

Nông dân xã Phú An (huyện Tân Phú) khoan giếng mới để lấy nước cứu cây trồng trong mùa khô năm 2023-2024. Ảnh: Đ.Phú
Nông dân xã Phú An (huyện Tân Phú) khoan giếng mới để lấy nước cứu cây trồng trong mùa khô năm 2023-2024. Ảnh: Đ.Phú

Bảo vệ nguồn nước ngầm

Trước tình trạng nắng hạn kéo dài của mùa khô năm (2023-2024) vừa qua, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất. Trong hoàn cảnh đó, người dân càng thấu hiểu giá trị của nước tác động đến đời sống sinh hoạt, sản xuất cấp thiết ra sao.

Chẳng hạn như hộ bà Tô Thị Lý (ngụ xã Phú Ngọc, huyện Định Quán), để có nước sinh hoạt khi giếng khoan của gia đình bị khô cạn, nhiễm phèn trước cái nắng gay gắt của mùa khô tháng 5 (2023-2024), gia đình bà phải bỏ số tiền từ 60-100 ngàn đồng/ngày để mua từng khối nước sạch (30 ngàn đồng/m3). Với bà Lý, việc thiếu nước sạch sinh hoạt trong 1-2 tháng mùa khô đã thật sự làm xáo trộn nếp sinh hoạt trong gia đình.

Còn theo ông Nguyễn Văn Dũng (ngụ xã Phú An, huyện Tân Phú), để cứu vườn sầu riêng 2 hécta của gia đình khỏi sự khô khát trước cái nắng hạn, ông và rất nhiều nông dân khác, sau khi khoan giếng mới không có nước, buộc phải mua từng khối nước ở bên ngoài về tưới cho cây.

“Mỗi đợt tưới như vậy chi phí hơn 2 triệu đồng, nếu nông dân chúng tôi tiếc tiền thì cây chết. Làm nông nghiệp mà mua từng khối nước tưới cây là điều lạ, nhưng nông dân chúng tôi bất đắc dĩ phải áp dụng tới giải pháp tốn kém này” - ông Dũng bày tỏ.

Khoản 2, Điều 32 Luật Tài nguyên nước năm 2023 có quy định, tổ chức, cá nhân có hoạt động mà gây sụt, lún đất, suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nguồn nước thì phải thực hiện các biện pháp khắc phục; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Theo Luật Tài nguyên nước năm 2023, nước dưới đất là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất ở đất liền, hải đảo, dưới đáy biển. Mạch nước ngầm dưới lòng đất tuy dồi dào ở nhiều nơi nhưng nó không phải là vô tận. Chính vì vậy, khi tầng nước ngầm bị sụt giảm trước nắng hạn, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh không ngần ngại áp dụng giải pháp khoan giếng mới, giếng sâu mà quên đi việc lấp giếng cũ.

Để hướng dẫn, giáo dục và định hướng cho người dân trong việc bảo vệ nguồn nước ngầm, các cấp chính quyền cơ sở hiện đang phối hợp với các ngành, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Tài nguyên nước năm 2023. Đặc biệt chú trọng truyền thông các kiến thức về bảo vệ nguồn nước ngầm, sử dụng nước tiết kiệm, việc khoan giếng mới và lấp các giếng không còn sử dụng…

Cụ thể, nghiêm cấm xả nước thải vào nguồn nước dưới đất (khoản 2, Điều 8);  tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc trám lấp giếng bị hỏng, không còn sử dụng hoặc không có kế hoạch tiếp tục sử dụng (khoản 1, Điều 31); Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân nghiên cứu giải pháp và thực hiện việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất (khoản 1, Điều 39)… của Luật Tài nguyên nước năm 2023.

Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong sử dụng tài nguyên nước

Do tài nguyên nước không còn là vô tận nên việc sử dụng, khai thác nước trong sinh hoạt, sản xuất phải tiết kiệm, hiệu quả.

Để hướng dẫn vấn đề này, tại khoản 1, Điều 58 Luật Tài nguyên nước năm 2023 quy định rõ, sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm, hiệu quả là việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước đúng mục đích, hợp lý; xây dựng kế hoạch thay thế phương tiện, thiết bị, công nghệ lạc hậu, tiêu thụ nhiều nước; cải tiến quy trình sử dụng nước; áp dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước; tăng khả năng sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước, tích trữ nước mưa; bố trí cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn nước…

Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước ngay trong giai đoạn xây dựng dự án (khoản 1, Điều 59); tổ chức, cá nhân đầu tư sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; thu gom, sử dụng nước mưa; sử dụng nước được khử muối từ nước biển, đầu tư thiết bị, công nghệ tiết kiệm nước được ưu đãi theo quy định của pháp luật (khoản 1, Điều 60 Luật Tài nguyên nước năm 2023).

Luật gia Nguyễn Thanh Sơn, Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, cho biết việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hiện không chỉ là lời kêu gọi, vận động chung mà còn là nghĩa vụ bắt buộc cá nhân, tổ chức phải có trách nhiệm tuân thủ.

Theo đó, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước có các nghĩa vụ bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan; sử dụng nước đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và an toàn; không gây cản trở hoặc làm thiệt hại đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; bảo vệ nguồn nước do mình trực tiếp khai thác, sử dụng; thực hiện nghĩa vụ về tài chính; bồi thường thiệt hại do mình gây ra trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của pháp luật…

Trong quá trình khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước, ngoài sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm, tổ chức, cá nhân không được vi phạm điều cấm như: đổ chất thải, rác thải, đổ hoặc làm rò rỉ các chất độc hại, xả khí thải độc hại vào nguồn nước. Xả nước thải vào nguồn nước dưới đất; xả nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải vào nguồn nước mặt, nước biển. Xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.Thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất trái phép. Lấn, lấp sông, suối, kênh, mương, rạch; đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ chứa, kênh, mương, rạch nhưng không có biện pháp khắc phục...

Đoàn Phú

Tin xem nhiều