Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng lợi ích, giảm rủi ro khi dùng mạng xã hội:
Bài 2: Hệ lụy khôn lường từ mặt trái, tiêu cực

Trần Danh - An Nhơn
08:17, 24/05/2024

Mạng xã hội (MXH) mang lại nhiều lợi ích, giá trị tích cực nhưng cũng tồn tại không ít tiêu cực và gây ra những hệ lụy khôn lường đến đời sống xã hội.

Cơ quan chức năng lập hồ sơ xử lý một trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội. Ảnh: Trần Danh
Cơ quan chức năng lập hồ sơ xử lý một trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội. Ảnh: Trần Danh

Đặc biệt, MXH đã trở thành công cụ cho các đối tượng tội phạm lợi dụng để hoạt động hoặc một số người lợi dụng MXH để có những hoạt động vi phạm pháp luật.

* Dễ “sập bẫy” lừa đảo

Theo các cơ quan chức năng, thời gian qua, trên các nền tảng MXH đã xuất hiện không ít thông tin xấu, độc gây ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội. Các đối tượng sử dụng MXH để truyền bá những luận điệu sai trái, đưa ra thông tin xấu, độc, gây hại, công bố phát ngôn gây thù hận trong xã hội.

Bên cạnh đó, một số đối tượng lợi dụng MXH để thể hiện hành vi phản văn hóa, vi phạm thuần phong mỹ tục, sử dụng ngôn từ tục tĩu để thóa mạ, chửi bới người khác.

Điển hình trường hợp bà H. (ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) đã sử dụng MXH để lăng mạ một số nghệ sĩ và những người nổi tiếng chỉ vì không cùng quan điểm sống. Bà H. sau đó đã bị truy tố về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017; bị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử và tuyên phạt 3 năm tù về tội danh nói trên.

Khi trẻ em “nghiện” MXH

Thời gian qua, tình trạng trẻ em sử dụng MXH diễn ra phổ biến. Nếu thiếu sự quan tâm, kiểm soát của cha mẹ, trẻ dễ sa đà vào các nội dung nhạy cảm, hình ảnh khiêu dâm; trào lưu thử thách nguy hiểm; bạo lực học đường…

Thời gian qua, không ít người sử dụng MXH để đăng tải những thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các trường hợp này đều bị lực lượng công an vào cuộc điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Đặc biệt, vào thời điểm đại dịch Covid-19 xảy ra trên cả nước, trong khi các lực lượng chức năng căng mình chống dịch thì một số đối tượng lại sử dụng MXH đăng tải những thông tin sai sự thật gây khó khăn cho cuộc chiến chống dịch.

Điển hình, vào tháng 9-2021, đối tượng N.M.T. (ngụ thành phố Biên Hòa) đăng lên tài khoản Facebook cá nhân những thông tin sai sự thật về việc tiêm vaccine ngừa Covid-19. Điều này đã gây hoang mang cho nhiều người dân. Sau khi nhận được thông tin, Công an thành phố Biên Hòa đã nhanh chóng vào cuộc và mời T. lên làm việc, buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật và lập hồ sơ xử phạt theo quy định.

Ngày 28-3, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với ông L.X.T. (61 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo trên MXH. Đồng thời, buộc ông T. gỡ bỏ các thông tin sai sự thật đã đăng tải trên không gian mạng.

* Nhận diện thông tin xấu, độc

Phó giám đốc Công an tỉnh, thượng tá Nguyễn Mạnh Toàn cho rằng, thời gian qua, nhiều đối tượng lợi dụng MXH để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho Nhà nước, người thi hành công vụ; xâm phạm đến quyền lợi ích hợp pháp của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, còn có một số hành vi khác như: cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo; xúi giục, lôi kéo người khác phạm tội; các hoạt động tệ nạn mại dâm, mua bán người; cung cấp, chia sẻ thông tin về những hành động man rợ, kinh dị; kích động bạo lực, tội ác; quảng bá, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ cấm...

Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Vũ Ngọc Hà chia sẻ, năm 2021, nhiều bài viết đăng trên MXH với nội dung chưa chuẩn xác về việc lãnh bảo hiểm xã hội một lần hoặc chốt sổ bảo hiểm chỉ còn 15 năm thay vì 20 năm... đã gây hoang mang, lo lắng cho đông đảo người lao động, thậm chí nhiều công nhân lao động tính đến chuyện xin thôi việc để được lãnh bảo hiểm xã hội một lần.

Theo Sở Thông tin và truyền thông, thời gian qua, sở thường xuyên rà soát nhằm chủ động phát hiện thông tin sai sự thật hoặc gây hiểu lầm về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin cá nhân lãnh đạo Đảng, Nhà nước... Năm 2023, sở đã ban hành 12 văn bản đề nghị Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử hỗ trợ gỡ bỏ 30 tài khoản Facebook, TikTok.

Trước vấn đề trên, trung tâm kịp thời triển khai nhiều hình thức, trong đó có sử dụng MXH để tuyên truyền, tư vấn pháp luật kịp thời cho công nhân lao động. Nhiều người lao động nhờ đó đã hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật hiện hành và đưa ra lựa chọn sáng suốt để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi về sau.

Trưởng bộ môn Hành chính - Hình sự, Trường đại học Sài Gòn, tiến sĩ Đinh Thị Thanh Nga cho rằng, việc sử dụng MXH có 4 nguy cơ xảy ra gồm: khủng bố, gián điệp, chiến tranh mạng; xâm phạm an ninh quốc gia; xâm phạm lợi ích hợp pháp cá nhân, tổ chức; tội phạm mạng.

Dấu hiệu nhận diện thông tin xấu, độc là nội dung thường vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội, vi phạm pháp luật; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức…

Theo luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư Đồng Nai), pháp luật quy định khá cụ thể mức phạt của các loại hành vi vi phạm khi sử dụng MXH. Chẳng hạn, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử phạt hành chính với mức từ 5-10 triệu đồng; hoặc tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt từ 10-15 triệu đồng (Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử).

Nếu việc lan truyền các thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; hoặc bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì có khả năng chịu trách nhiệm hình sự về tội vu khống. Tội này sẽ bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù đến 7 năm (Điều 156, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017). Người vi phạm còn có khả năng phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại (nếu có) theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Nếu người sử dụng MXH có hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước thì có thể bị xử phạt từ 10-15 triệu đồng (Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP). Tuy nhiên, nếu người có hành vi làm hoặc tung những hình ảnh, clip xuyên tạc sai sự thật nhằm phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý thì bị phạt tù từ 5-20 năm về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước (Điều 117 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017). Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù từ 1-5 năm…

“Khi sử dụng MXH, mọi người nên chọn lọc thông tin, lựa chọn kênh truyền thông phù hợp để tiếp cận, thu thập thông tin cũng như đăng tải thông tin đúng sự thật, từ nguồn chính thống là những điều cần thiết để trở thành người dùng thông thái, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra” - luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân chia sẻ

Trần Danh - An Nhơn

Bài 3: Sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả

Tin xem nhiều