Khi vi phạm pháp luật giao thông, không chỉ người điều khiển phương tiện bị xử lý mà người giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển cũng có thể bị liên lụy.
Đoàn Luật sư Đồng Nai tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh Trường trung học cơ sở Tân Thành (xã Bàu Cạn, huyện Long Thành). Ảnh: Đ.PHÚ |
Đây là vấn đề pháp lý ít người biết. Do vậy, khi bị xử lý về hành vi giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển, không ít người phản kháng, nghi ngờ việc thực thi pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền.
Giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển
Mới đây, ông C.V.A. (ngụ huyện Định Quán) nhờ con trai (16 tuổi) lấy xe máy (loại trên 50cm3) của một người bạn nhậu đi ra ngoài mua thức ăn. Trên đường đi, con trai của ông C.V.A. bị công an ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra và tạm giữ phương tiện do không đủ điều kiện tham gia giao thông. Không chỉ con trai ông A., mà cả chủ xe (là bạn của ông A.) cũng bị xử phạt hành chính về hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện. Ông A. thắc mắc, lực lượng chức năng làm vậy có đúng hay không?
Do bận công việc gấp, ông P.T.Y. (ngụ huyện Xuân Lộc) nhờ người cháu là P.V.B. (19 tuổi) lấy xe ô tô 5 chỗ chở ông đi mua một số vật dụng. Khi đang lưu thông trên quốc lộ thì bị cảnh sát giao thông dừng xe kiểm tra. Anh B. đang trong thời gian học lái xe, không có giấy phép lái xe ô tô theo đúng quy định, lại còn bỏ chạy khi có hiệu lệnh dừng xe của cảnh sát giao thông nên anh này đã bị xử phạt vi phạm hành chính khá nặng. Ông Y. thắc mắc, cháu ông lái xe đã bị xử phạt nặng rồi, nhưng vì sao ông cũng bị lực lượng chức năng xử lý hành chính?
“Mục đích của việc xử phạt vi phạm hành chính người giao phương tiện cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông ngoài đảm bảo sự chế tài nghiêm khắc, nghiêm minh của pháp luật, còn hướng đến công tác giáo dục người vi phạm và giáo dục chung đối với tất cả mọi người” - luật sư NGUYỄN ĐỨC (Đoàn Luật sư Đồng Nai) bày tỏ.
Ngày 27-3, Tòa án nhân dân huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) xử phạt chị Rơ Ma Pil (38 tuổi, ngụ xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) 24 tháng tù (cho hưởng án treo) về tội giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo Điều 464 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Trước đó, chị Rơ Ma Pil đã giao xe mô tô (dung tích động cơ 109cm3) cho con trai là Rơ Mah Tinh (17 tuổi) tham gia giao thông và gây tai nạn (trong tình trạng có sử dụng rượu, bia) làm chết 4 người (trong đó có Rơ Mah Tinh). Vụ án không chỉ gây xôn xao dư luận tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, nơi chị Rơ Ma Pil sinh sống, mà còn là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc cho những ai giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Pháp luật quy định rất rõ
Với bản án của chị Rơ Ma Pil, dư luận cho rằng Tòa án nhân dân huyện Chư Prông phán quyết như vậy là nhân văn, có xem xét tới hoàn cảnh (nghèo khó, hiểu biết pháp luật hạn chế, con trai là lao động chính cũng mất…). Bởi vì, với hậu quả chết 4 người, chị Rơ Ma Pil có thể bị xử phạt mức án lên đến 7 năm tù giam theo khoản 3, Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an thành phố Long Khánh lập biên bản xử lý hành chính các học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi. Ảnh: Đ.PHÚ |
Còn với ông A. và ông Y., theo luật sư Vũ Văn Nam (Đoàn Luật sư Đồng Nai), việc cơ quan có thẩm quyền tạm giữ phương tiện và xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, lẫn chủ phương tiện như vậy là hoàn toàn đúng. Việc xử phạt này chiếu theo Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và khoản 11, Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28-12-2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.
Theo đó, đối với trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm³ trở lên thì bị phạt tiền từ 400-600 ngàn đồng; trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe ô tô, máy kéo, các loại xe tương tự xe ô tô không đủ điều kiện tham gia giao thông thì bị phạt tiền từ 2-4 triệu đồng. Đối với việc chủ xe giao xe cho người chưa đủ tuổi, không đủ điều kiện điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800 ngàn đến 2 triệu đồng; đối với xe ô tô thì phạt tiền từ 4-6 triệu đồng.
“Nếu người vi phạm có hành vi không chấp hành, ngăn cản, chống đối, xúc phạm người, cơ quan có thầm quyền xử lý thì tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi gây ra có thể bị phạt với mức cao nhất của khung xử phạt mà điều luật quy định, hoặc bị xử phạt thêm về các hành vi chống đối người đang thi hành công vụ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” - luật sư Vũ Duy Nam lưu ý.
Cũng theo luật sư Vũ Duy Nam, trong xử phạt vi phạm hành chính, người và cơ quan có thẩm quyền quyết định mức phạt tiền cao hay thấp tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và mức phạt tỷ lệ thuận với nhau. Mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phụ thuộc vào khách thể mà hành vi xâm phạm tới, thiệt hại thực tế hành vi gây ra, công cụ, phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi, điều kiện, hoàn cảnh hành vi được thực hiện, hình thức lỗi…
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin