Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo tính nhân văn, giáo dục trong các bản án treo

Phạm Huệ
09:00, 19/03/2024

Việc xét xử cho bị cáo được hưởng án treo thể hiện tính nhân văn, khoan hồng của pháp luật. Bản án treo sẽ tạo điều kiện cho người phạm tội tự cải tạo ngoài cộng đồng nhưng vẫn đảm bảo tác dụng giáo dục, răn đe người phạm tội.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra các bản án cho bị cáo được hưởng án treo tại buổi giám sát Tòa án nhân dân tỉnh mới đây. Ảnh: P.HUỆ

Điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo bao gồm: bị xử phạt tù không quá 3 năm; có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự…

* Án treo thể hiện tính nhân văn

Trên thực tế, đa số các bị cáo được hưởng án treo chủ yếu là phạm các tội danh ít nghiêm trọng như: vi phạm về quy định khi tham gia giao thông, trộm cắp tài sản, đánh bạc… Trong đó, một số đối tượng do tính chất phạm tội ít nghiêm trọng nên ngay từ cấp xét xử sơ thẩm đã được hưởng án treo theo quy định của pháp luật.

Đơn cử như bị cáo Lê Xuân Minh (32 tuổi, ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) đã được Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Biên Hòa tuyên phạt 1 năm tù, cho hưởng án treo về tội trộm cắp tài sản.

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Trương Thị Mỹ Dung cho rằng, ngành tòa án cần cân nhắc, nhận định chứng cứ phù hợp trên cơ sở quy định của pháp luật để đưa ra bản án đúng người, đúng tội, nhất là trong các bản án treo; đảm bảo mỗi người dân khi vi phạm pháp luật đều được xét xử công bằng trước pháp luật.

Theo nội dung bản án, Minh làm nhân viên giao hàng cho một công ty tại phường Long Bình. Vào ngày 28-1-2023, Minh đã có hành vi mở hộp hàng và lấy trộm chiếc điện thoại di động trị giá hơn 12 triệu đồng của khách hàng. Với tội danh trộm cắp tài sản, vào cuối năm 2023, Minh đã bị TAND thành phố Biên Hòa tuyên phạt 1 năm tù, cho hưởng án treo. Hội đồng xét xử nhận định Minh thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu, có nơi cư trú rõ ràng, có nhân thân tốt… nên cho bị cáo được hưởng án treo.

Cũng có những vụ án khi xét xử sơ thẩm, bị cáo bị xử án tù giam, nhưng sau khi kháng cáo lên cấp phúc thẩm thì được chuyển sang án treo bởi bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Đơn cử, vào tháng 6-2023, TAND tỉnh chuyển hình phạt tù đối với bị cáo Hoàng Công Tâm (37 tuổi, ngụ huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ từ 1 năm 4 tháng tù giam sang 1 năm 4 tháng tù cho hưởng án treo.

Cụ thể, vào ngày 19-4-2022, tại một tuyến đường thuộc phường Phước Tân (thành phố Biên Hòa), bị cáo Tâm có hành vi điều khiển xe ô tô vượt đèn đỏ, tông vào xe ô tô do anh N.V.D. (ngụ huyện Trảng Bom) điều khiển, khiến anh D. tử vong. Tháng 2-2023, bị cáo Tâm bị tuyên phạt 1 năm 4 tháng tù giam, nhưng sau đó được cấp phúc thẩm chuyển sang án treo. Nguyên nhân là bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ và tình tiết mới như: bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu, ăn năn hối cải, gia đình có công với cách mạng, bị cáo từng tham gia nghĩa vụ quân sự…

Cũng có những bản án ở cấp sơ thẩm bị cáo được cho hưởng án treo nhưng lên cấp phúc thẩm lại bị chuyển sang án giam, vì hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xét thấy việc xét xử án treo đối với bị cáo là chưa nghiêm khắc, chưa đủ sức răn đe.

* Đảm bảo xét xử án treo đúng người, đúng tội

Việc cho bị cáo được hưởng án treo là chế định thể hiện tính nhân văn và khoan hồng của pháp luật. Điều này nhằm giúp người phạm tội có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng, tự cải tạo, tự sửa chữa.

Theo Chánh Văn phòng TAND tỉnh Võ Thị Thanh Phượng, theo Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15-5-2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự về án treo và Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15-4-2022 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15-5-2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao quy định về điều kiện hưởng án treo xác định, án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện.

Trong năm 2023, TAND 2 cấp đã xét xử hơn 3,3 ngàn vụ, hơn 7 ngàn bị cáo trong tổng số gần 3,9 ngàn vụ, gần 8,4 ngàn bị báo thụ lý. Trong đó, số vụ án có bị cáo cho hưởng án treo là 516 vụ.

Các quy định nói trên được áp dụng cho người bị kết án phạt tù không quá 3 năm, không buộc họ phải chấp hành hình phạt tù khi có đầy đủ những căn cứ và điều kiện nhất định do pháp luật hình sự quy định nhằm khuyến khích họ cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội. Đồng thời cũng cảnh cáo họ, nếu phạm tội mới trong thời gian thử thách thì án tù treo sẽ bị chuyển sang án phạt giam.

Cũng theo Chánh Văn phòng TAND tỉnh, trong năm 2023, việc xét xử vụ án hình sự cho hưởng án treo của TAND 2 cấp nhìn chung đảm bảo đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định. Số lượng án treo bị cấp phúc thẩm chuyển sang án giam chiếm tỷ lệ thấp. Số vụ án tòa cấp phúc thẩm chuyển từ tù giam sang án treo hầu hết đều do có tình tiết mới và đáp ứng các điều kiện về việc cho hưởng án treo theo quy định.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho biết thêm, ngoài đảm bảo đủ các điều kiện cho bị cáo được hưởng án treo theo luật định, bản án còn phải đảm bảo hình phạt áp dụng tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả hành vi phạm tội của bị cáo; thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Tuy nhiên, việc xét xử án treo vẫn còn một số hạn chế như: việc nhận thức và áp dụng pháp luật của cơ quan tố tụng còn chưa thống nhất; các quy định pháp luật tuy chặt chẽ nhưng vẫn còn một số bất cập, chồng chéo lẫn nhau. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho việc xét xử án treo trong một số vụ án chưa phù hợp và có sự thay đổi từ các cấp xét xử.

Do đó, đại diện các cơ quan tố tụng đề nghị cần có hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất giữa các cơ quan tố tụng; định kỳ tổ chức các buổi tập huấn, rút kinh nghiệm chung để thẩm phán, kiểm sát viên nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn. Ngoài ra, cơ quan tố tụng các cấp cần tập hợp những vụ án, những vi phạm điển hình, có tính chất lặp lại của tòa án các cấp về vi phạm trong việc áp dụng pháp luật để thông báo cho các cơ quan tiến hành tố tụng được biết, rút kinh nghiệm, nhất là đối với các bản án treo.

Phạm Huệ

Tin xem nhiều