Toàn thành phố Biên Hòa hiện có nhiều cầu vượt, hầm chui (gọi chung là nút giao khác mức). Những công trình này được xây dựng trong 10 năm trở lại đây, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông (TNGT) ở các giao lộ trọng điểm. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, ngay tại các cầu vượt, hầm chui này vẫn tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
Ngã tư Tân Phong (thành phố Biên Hòa) được xây dựng hầm chui để tránh “xung đột” giao thông ở nút giao này. Ảnh: CTV |
* Vẫn còn bất cập
Mỗi ngày đi làm từ huyện Trảng Bom tới thành phố Biên Hòa, anh Phan Văn Hữu phải đi ô tô qua cầu vượt ngã tư Amata. Mỗi lần qua đây anh đều cho xe di chuyển chậm, vì dòng xe máy đông đúc di chuyển chung làn với xe ô tô trên cầu vượt nhỏ hẹp, rất dễ xảy ra va chạm.
Anh Hữu cho biết: “Cầu vượt ngã tư Amata khá dốc, có chiều dài hơn 200m, mỗi hướng di chuyển có 2 làn xe, gồm 1 làn cho ô tô và 1 làn hỗn hợp cho cả xe ô tô và xe máy. Việc cho xe máy lưu thông chung với xe ô tô trong cùng một làn khá nguy hiểm. Đặc biệt là khi xe ô tô đang lên dốc phải đạp ga mạnh hơn, nếu có tình huống đột ngột xảy ra thì tài xế xe ô tô khó thắng kịp, nhất là với xe đầu kéo, xe tải đang chở nặng”.
Lo lắng của anh Hữu không phải không có căn cứ. Mới đây nhất, sáng 13-3, xe tải biển số 60H-042.77 va chạm với xe máy biển số 68G1-505.20 lưu thông cùng chiều trên cầu vượt ngã tư Amata đã làm 2 người ngồi trên xe máy ngã xuống đường, tử vong tại chỗ. Vị trí xảy ra va chạm ở đoạn lên dốc, ngay trên làn hỗn hợp.
Hiện nay, toàn thành phố Biên Hòa có các nút giao khác mức gồm: hầm chui ngã tư Tân Phong, hầm chui Tam Hiệp, cầu vượt ngã tư Amata, hầm chui và cầu vượt tại ngã tư Vũng Tàu. Những công trình này được các ngành chức năng đánh giá đã góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, TNGT khi tránh được việc va chạm giữa các xe tại vị trí giao cắt.
UBND tỉnh đã kiến nghị các cơ quan trung ương sớm nghiên cứu, xây dựng nút giao khác mức (hầm chui, cầu vượt) tại vòng xoay Cổng 11 (giao giữa đường Bùi Văn Hòa và Võ Nguyên Giáp, qua địa phận thành phố Biên Hòa). Điều này nhằm đảm bảo ATGT, tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông khi đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được xây dựng, đưa vào khai thác trong tương lai. |
Tuy nhiên, tại các công trình này thời gian qua vẫn còn xảy ra các vụ TNGT, va chạm, sự cố giao thông xuất phát từ việc người lái xe thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tay lái. Chẳng hạn, xe ô tô thường húc đổ barrier giới hạn chiều cao ở cửa hầm chui ngã tư Vũng Tàu do không chú ý đến chiều cao thùng xe vượt quá chiều cao barrier… Nhiều trường hợp còn cố tình vi phạm các quy định như: xe ô tô chạy quá tốc độ trong hầm chui ngã tư Tân Phong (giới hạn 40km/h), xe máy chạy vào hầm chui Tam Hiệp (cấm xe máy)…
Bên cạnh ý thức của người lái xe còn hạn chế, một số nút giao khác mức cũng bộc lộ một số điều bất hợp lý khi đưa vào sử dụng, nhất là tại hầm chui ngã tư Vũng Tàu và cầu vượt ngã tư Amata (xe máy và ô tô đi chung làn hỗn hợp).
Cụ thể, hầm chui ngã tư Vũng Tàu có tổng chiều dài 630m (trong đó phần hầm chui dài 480m và phần đường dẫn 2 đầu dài 150m). Hầm được thiết kế mặt đường 9m và đoạn mở rộng 11m giúp các loại xe từ quốc lộ 51 đi ra quốc lộ 1 (hướng Đồng Nai đi Thành phố Hồ Chí Minh) mà không phải vòng qua ngã tư Vũng Tàu. Hầm được xây dựng cong nên dù đoạn cong được mở rộng lên 11m nhưng nếu tài xế không chú ý di chuyển sẽ gặp nguy cơ lật xe, nhất là với các loại xe chở chai lọ chứa chất lỏng và xe đầu kéo kéo theo rơ-moóc.
Thực tế đã có không ít vụ lật xe ở đoạn hầm chui này. Cụ thể, vào chiều 14-9-2023, xe tải chở bia biển số 51C-531-69 trong lúc ôm cua tại hầm chui ngã tư Vũng Tàu (từ hướng quốc lộ 51 đi quốc lộ 1) thì bất ngờ làm đổ hàng trăm thùng bia ra hầm chui. Ngoài ra, trong các năm 2022 và 2023 đều ghi nhận tình huống xe đầu kéo lật ngang khi di chuyển dưới đoạn hầm cong nói trên (không có thương vong).
* Nâng cao ý thức người lái xe
Theo Sở Giao thông vận tải, các nút giao khác mức chủ yếu được xây dựng trên những giao lộ giữa quốc lộ 1, quốc lộ 51 và những tuyến đường trọng điểm. Mục đích là để các loại xe có thể di chuyển liên tục trên các trục giao thông chính được thuận tiện. Đồng thời, hạn chế các dòng xe “xung đột” với nhau, vì các nút giao nói trên thường có lượng xe lớn, lại đóng vai trò “cửa ngõ” của thành phố Biên Hòa.
Xe đầu kéo lật ngang khi di chuyển qua hầm chui ngã tư Vũng Tàu vào năm 2023. Ảnh: Đ.Tùng |
Vì vậy, để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) tại các khu vực nút giao khác mức nói riêng và đảm bảo ATGT toàn tỉnh trong năm 2024 nói chung, UBND tỉnh đã giao Công an tỉnh tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế, kéo giảm TNGT. Trong đó tập trung xử lý các lỗi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT như: đi ngược chiều, chạy quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn...
Ngoài ra, trước một số tồn tại ở các cầu vượt, hầm chui, nhiều người đi đường cũng đề nghị lực lượng chức năng áp dụng biện pháp ghi hình, “phạt nguội” với các trường hợp như: xe ô tô chạy quá tốc độ, vượt xe khác trong hầm chui; xe máy chạy vào hầm chui… Đồng thời, bố trí thêm các đèn cảnh báo chớp vàng ở các thành cầu vượt để người lái xe lần đầu đi lên cầu dễ quan sát vào ban đêm hoặc khi có mưa.
Anh Huỳnh Văn Đông (ngụ phường An Bình, thành phố Biên Hòa) đề xuất, cơ quan chức năng có thể nâng cao lan can của các cầu vượt ngã tư Amata, ngã tư Vũng Tàu; nâng cao dải phân cách cứng giữa các hầm chui để đảm bảo an toàn hơn cho các lái xe. Nhất là khi chẳng may có va chạm sẽ giảm nguy cơ xe lao qua lan can xuống cầu hoặc “leo” qua dải phân cách sang phần đường bên kia của các hầm chui.
Bên cạnh đó, vào giữa năm 2023, cử tri thành phố Biên Hòa đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cần quan tâm và có phương án xây dựng cầu vượt hoặc hầm chui tại khu vực công viên 30-4 (giao giữa quốc lộ 1 và đường Nguyễn Ái Quốc) nhằm hạn chế tình trạng kẹt xe và TNGT tại khu vực này.
Tài xế LÊ VĂN THẮNG (chạy taxi công nghệ tại thành phố Biên Hòa): Giảm áp lực ùn tắc nhờ hầm chui, cầu vượt
Nhờ có các hầm chui, cầu vượt mà việc di chuyển qua các giao lộ lớn tại thành phố Biên Hòa trở nên thuận tiện hơn; giúp cho cả người đi xe máy và tài xế xe ô tô bớt đi nỗi lo va chạm giao thông.
Tôi kiến nghị cần nghiên cứu làm nhiều cầu vượt bằng thép hoặc hầm chui tại các nút giao có tình hình giao thông phức tạp, qua đó ngăn ngừa TNGT giữa xe máy và các loại xe ô tô lớn ở những điểm giao cắt.
Ông NGUYỄN VĂN LONG (ngụ phường An Bình, thành phố Biên Hòa): Chỉ nên cho phép xe máy lên cầu vượt ngã tư Amata vào giờ thấp điểm
Để không còn cảnh đau lòng như vụ tai nạn thương tâm giữa xe tải và xe máy làm 2 người đi xe máy tử vong trên cầu vượt Amata vào sáng 13-3, theo tôi nên cấm xe máy lên cầu vượt vào các khung giờ cao điểm; hoặc có thể áp dụng như cầu vượt ngã tư Vũng Tàu là cấm hoàn toàn xe máy. Có như vậy mới hạn chế việc xe máy và ô tô đi chung làn hỗn hợp trên cầu vượt ngã tư Amata dẫn tới va chạm nguy hiểm.
Minh Thành (ghi)
Đăng Tùng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin