Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng mua bán người hiện nay diễn biến khá phức tạp. Nạn nhân không chỉ bị mua bán ra nước ngoài, mà còn bị mua bán liên tỉnh với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Bị cáo Vương Văn Thành cùng đồng phạm bị xử phạt mức án nặng vì mua bán người. Ảnh: T.Tâm |
Thực trạng mua bán người đã gây ra hậu quả nghiêm trọng đến trật tự trị an, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bị hại nên cần phải nghiêm trị.
* Triệt phá nhiều đường dây buôn bán người
Bằng nhiều chiêu trò và thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ qua mạng xã hội, các đối tượng mua bán người đã khiến nhiều bị hại “sập bẫy”.
Đơn cử, cuối tháng 12-2023, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Đắk Nông triệt phá đường dây mua bán phụ nữ sang Trung Quốc “núp bóng” hình thức môi giới hôn nhân tại TP.HCM và tỉnh Đắk Nông. Các đối tượng chủ mưu cầm đầu lần lượt bị bắt giữ gồm: Vày Tuyết Mai (41 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM); Nguyễn Thị Nho (39 tuổi, ngụ H.Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông); Trần Quang Phát (45 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM).
Theo điều tra ban đầu của cơ quan công an, Mai biết nhu cầu tìm vợ của đàn ông Trung Quốc nên đã cùng đồng phạm tìm những phụ nữ Việt Nam để mai mối. Các đối tượng đã “vẽ” ra cảnh giàu sang khi sống nơi đất khách; đồng thời, hứa với nạn nhân nếu đồng ý sang Trung Quốc lấy chồng sẽ được nhận số tiền hồi môn từ 80-120 triệu đồng. Tuy nhiên, khi sang đến Trung Quốc, các nạn nhân bị giam lỏng, kiểm soát, thu hộ chiếu, điện thoại và yêu cầu phải kết hôn theo chỉ định của nhóm đối tượng này. Nếu nạn nhân không đồng ý sẽ phải đền bù toàn bộ số tiền khách hàng Trung Quốc chi trả khoảng 200-300 triệu đồng/người cho các đối tượng.
Tại Đồng Nai, thực trạng mua bán người thời gian qua cũng xảy ra. Nhiều đối tượng mua bán người đã trả giá. Điển hình như ngày 25-9-2023, TAND tỉnh tuyên phạt các bị cáo: Vương Văn Thành (36 tuổi, ngụ xã Phú Lợi, H.Định Quán) 12 năm 6 tháng tù; Phạm Say Dinh (33 tuổi, ngụ xã Phú Lợi) 8 năm tù; Trịnh Quốc Phú (ngụ xã Phú Lợi) 7 năm 6 tháng tù; Cao Sỹ Huy (41 tuổi, quê tỉnh Quảng Ngãi) 7 năm 6 tháng tù, cùng về tội mua bán người. Liên quan trong đường dây này, 7 bị cáo khác cũng phải lãnh mức án 3-7 năm tù/bị cáo về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh, từ tháng 2-2022 đến tháng 6-2022, các bị cáo: Thành, Phú, Dinh và Huy thông qua mạng xã hội, sử dụng tài khoản ảo đăng tải bài viết tuyển lao động với mức thu nhập cao nhằm lừa người Việt Nam đi sang Campuchia làm việc. Sau đó, các đối tượng tổ chức vận chuyển, chuyển giao người lao động cho các công ty có trụ sở tại Campuchia, do người Trung Quốc quản lý nhằm bóc lột sức lao động của người Việt Nam. Khi người lao động muốn về Việt Nam thì gia đình phải gửi tiền chuộc cho các đối tượng ở bên Campuchia thì mới cho về Việt Nam. Các đối tượng đã bán hàng trăm người qua nước ngoài để thu lợi bất chính từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TBXH) ĐẶNG XUÂN HÒA cho biết, nạn nhân trong các vụ mua bán người thường là phụ nữ, người đang trong độ tuổi kết hôn, người dưới tuổi vị thành niên sống tại các vùng nông thôn nghèo, không có việc làm ổn định, dân trí thấp, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Chủ yếu nạn nhân bị bắt làm các việc như: mại dâm, nô lệ tình dục, lao động cưỡng bức, đẻ thuê... Nạn nhân của các vụ mua bán người không chỉ là phụ nữ và trẻ em như những năm trước đây, mà còn có cả nam giới và trẻ sơ sinh.
* Tuyệt đối không tin “việc nhẹ, lương cao”
Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TBXH) Đặng Xuân Hòa cho hay, tình hình mua bán người hiện nay diễn biến phức tạp, với các hình thức, thủ đoạn tinh vi như: lợi dụng việc cho nhận con nuôi, kết hôn với người nước ngoài, làm ăn kinh tế, lao động hợp tác xuất khẩu, đi du lịch... để lừa bán nạn nhân sang nước ngoài, đưa vào các quán cà phê trá hình, các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội.
Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng mua bán người hiện nay nổi lên chủ yếu như: làm quen, dụ dỗ các nạn nhân là phụ nữ nhẹ dạ, cả tin đến làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự (quán karaoke, cơ sở massage, quán bar, quán cà phê chòi...), sau đó uy hiếp, cưỡng ép các nạn nhân phải bán dâm, kích dục cho khách. Nếu nạn nhân không đồng ý thì buộc phải trả một khoản phí môi giới việc làm. Trường hợp không có tiền thì các đối tượng ép ký giấy vay nợ, buộc phải làm việc cho chúng để trả nợ, nếu không thì chuyển giao nạn nhân đến các cơ sở khác. Mỗi lần chuyển giao các nạn nhân phải ghi giấy nợ cao hơn.
Mặt khác, lợi dụng nhu cầu tìm việc làm của một số thanh thiếu, niên thất nghiệp, các đối tượng mua bán người đã sử dụng mạng xã hội đăng thông tin tuyển dụng với nội dung: việc nhẹ, lương cao, chỉ cần biết sử dụng máy vi tính, không cần bằng cấp, kinh nghiệm làm việc... Khi “con mồi” dính “bẫy” thì chúng sẽ đưa các nạn nhân sang Campuchia buộc làm gái mại dâm tại các cơ sở như: quán karaoke, massage, tụ điểm kinh doanh cờ bạc online..., thậm chí bị cưỡng bức lao động không lương. Nếu nạn nhân không đồng ý thì các đối tượng đe dọa, đánh đập và yêu cầu người nhà phải trả một khoản tiền chuộc nhất định thì mới đưa nạn nhân về Việt Nam.
Thời gian tới, ngoài sự vào cuộc quyết liệt đấu tranh, triệt phá các đường dây tội phạm mua bán người của lực lượng công an, để ngăn chặn tình trạng mua bán người trên địa bàn tỉnh, Sở LĐ-TBXH sẽ phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tăng cường tuyên truyền thủ đoạn của các đối tượng mua bán người, nhất là ở vùng sâu, vùng xa để người dân nâng cao cảnh giác; tăng cường các kênh giới thiệu việc làm; tiếp tục duy trì mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Tố Tâm
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin