Ngày 6-12, TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo Đỗ Minh Tuấn (34 tuổi, ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) 16 năm tù giam; đồng thời buộc bị cáo bồi thường thiệt hại 270 triệu đồng và phải cấp dưỡng nuôi 2 con hàng tháng đến năm 18 tuổi. Trước đó, ngày 13-12-2022, Tuấn đã dùng xăng đổ vào người chị L., vợ của Tuấn và bật lửa đốt, khiến chị bị thương tật 79%.
Bị cáo Đỗ Minh Tuấn (đứng) tại phiên tòa xét xử. Ảnh: T.TÂM |
Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau khi trong một phiên tòa bị cáo và bị hại là vợ chồng, giữa họ còn những người con thơ dại. Việc hiện diện của họ tại các phiên tòa là hậu quả của mối quan hệ rạn nứt, nạn bạo lực gia đình (BLGĐ) dẫn đến phải xử lý hình sự. Cuối cùng bị cáo dù bị xử lý theo đúng quy định pháp luật nhưng bị hại, cũng như mọi người trong gia đình bị hại cũng không thể vui mừng bởi rồi đây, con cái của bị cáo và bị hại cũng sẽ thiệt thòi, thiếu người chăm lo, giáo dục.
Bi kịch này sẽ không xảy ra nếu nạn BLGĐ được ngăn ngừa từ sớm. Muốn vậy, mỗi thành viên trong gia đình phải luôn yêu thương, thấu hiểu, tin tưởng và cùng nhau tháo gỡ, giải quyết những bất đồng quan điểm, những mâu thuẫn xảy ra trong cuộc sống; nói không với BLGĐ. Trong trường hợp không giải quyết được mâu thuẫn, các thành viên trong gia đình có thể nhờ người thân, tổ hòa giải cơ sở, tránh để xảy ra xung đột dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật như: cố ý gây thương tích, thậm chí giết người thân.
Tại tọa đàm Vai trò của nữ luật sư trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, công bằng xã hội trong giai đoạn hiện nay do Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức ngày 13-10, nhiều ý kiến cho rằng, để bảo vệ phụ nữ, trẻ em trước nạn BLGĐ, phụ nữ phải hiểu rõ các quy định pháp luật về phòng, chống BLGĐ, thế nào là BLGĐ để biết cách phòng tránh, tự bảo vệ mình và các con. Khi bị BLGĐ cần mạnh dạn nhờ các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương, các điểm tư vấn pháp luật tư vấn, hỗ trợ và có các biện pháp bảo vệ. Song song đó, phụ nữ cũng phải có các kỹ năng mềm trong giao tiếp ứng xử; biết hạn chế xảy ra xung đột, lường trước những mối nguy hiểm cho bản thân và con trẻ; tạo dựng các giá trị của bản thân trong công việc, thu nhập, các mối quan hệ xã hội...
Đặc biệt, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần chú trọng hơn nữa trong tuyên truyền, triển khai các hoạt động về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với BLGĐ; xây dựng các địa điểm bảo vệ nạn nhân BLGĐ từ cơ sở. Làm sao để địa điểm này được đông đảo người dân biết, tin tưởng, tìm đến khi bị BLGĐ. Việc ngăn ngừa BLGĐ từ cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ phụ nữ, trẻ em là những đối tượng yếu thế trong các vụ BLGĐ; góp phần thực hiện bình đẳng giới, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
Đặng Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin