Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động phòng cháy ngay từ đầu mùa khô

Đăng Tùng
08:13, 28/11/2023

Giữa tháng 11-2023, mùa khô 2023-2024 đã chính thức bắt đầu, đây cũng là thời điểm cuối năm 2023 nên nhu cầu tích trữ hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, mua sắm tăng cao. Kéo theo đó là nguy cơ cháy bắt đầu gia tăng tại các khu vực đô thị - nơi tập trung lượng người ở đông đúc, nhu cầu dùng thiết bị nhiệt, đồ điện luôn ở mức cao.

Đội chữa cháy cơ sở của Trung tâm Thương mại Lotte Mart Đồng Nai (TP.Biên Hòa) diễn tập chữa cháy, cứu người vào ngày 24-11. Ảnh Đ.Tùng
Đội chữa cháy cơ sở của Trung tâm Thương mại Lotte Mart Đồng Nai (TP.Biên Hòa) diễn tập chữa cháy, cứu người vào ngày 24-11. Ảnh Đ.Tùng

* Nguy cơ cháy gia tăng

Trưa 18-11, người dân KP.4, P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) hốt hoảng khi thấy căn nhà bán trái cây trên đường Huỳnh Văn Nghệ (đối diện Khu du lịch Bửu Long) bốc cháy ngùn ngụt. Các hộ dân xung quanh, lực lượng chữa cháy tại chỗ và Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã kịp thời khống chế, dập tắt đám cháy khoảng 1 giờ sau đó.

Trước đó 5 ngày, rạng sáng 13-11, căn nhà phía sau chợ Hóa An (P.Hóa An, TP.Biên Hòa)  của ông N.V.H. bỗng bốc cháy dữ dội.

Khi các sự cố hỏa hoạn nêu trên xảy ra, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã kịp thời dập tắt đám cháy, không để phát sinh thiệt hại về người nhưng việc liên tục trong 1 tuần giữa tháng 11-2023, tại TP.Biên Hòa đã xảy ra 2 sự cố cháy làm dấy lên lo ngại của người dân về nguy cơ cháy. Nhất là những ngày cuối năm đang cận kề và khi mùa khô 2023-2024 chỉ mới bắt đầu.

Ông Đ.V.Đ. (ngụ P.Bửu Long) bày tỏ, hiện TP.Biên Hòa có rất nhiều nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hoặc nhà ở riêng lẻ nằm san sát nhau nên nguy cơ cháy rất lớn. Khi chẳng may xảy ra cháy sẽ dễ gây cháy lan sang các hộ lân cận, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.

Lo ngại của người dân là có cơ sở khi trong 10 tháng của năm 2023, toàn tỉnh đã xảy ra 30 vụ cháy, làm chết 2 người, 1 người bị thương, thiệt hại tài sản khoảng 19,1 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ cháy tăng 3, số người chết tăng 1, số người bị thương tăng 1, thiệt hại tài sản giảm 124,8 tỷ đồng.

Đại điện Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Đồng Nai phân tích, vào thời điểm mùa khô hiện nay, nguy cơ cháy tập trung chủ yếu tại 3 loại hình cơ sở chính là: nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; doanh nghiệp nằm trong và ngoài khu công nghiệp; trung tâm thương mại và chợ. Vì đây là những nơi đông người ở hoặc làm việc, khi xảy ra cháy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất.

Về các nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nguy cơ cháy đến từ bất cập giữa thiết kế nhà ở ban đầu đã được chỉnh sửa nhiều lần để phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Do đó, nhiều hệ thống điện xuống cấp, nhiều nhà bố trí hàng hóa chồng chất hoặc đè lên đường điện hoặc khu vực nấu ăn (nơi phát sinh nguồn nhiệt lớn) có thể gần nơi đặt hàng hóa. Việc này dẫn tới khả năng cháy cao tại loại hình cơ sở này và trong thời điểm cuối năm hiện nay, nguy cơ cháy tiếp tục gia tăng khi nhiều người tích trữ hàng hóa chuẩn bị phục vụ nhu cầu mua sắm.

Việc tích trữ nhiều hàng hóa, nguyên - vật liệu cũng xuất hiện tại các chợ, trung tâm thương mại, doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, dẫn tới các loại hình cơ sở trên cũng nằm trong nhóm có nguy cơ cháy cao vào dịp cuối năm, đầu mùa khô.

Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy diễn tập chữa cháy, cứu nạn tại Trung tâm Thương mại Lotte Mart Đồng Nai (TP.Biên Hòa) ngày 24-11. Ảnh: ĐĂNG TÙNG
Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy diễn tập chữa cháy, cứu nạn tại Trung tâm Thương mại Lotte Mart Đồng Nai (TP.Biên Hòa) ngày 24-11. Ảnh: ĐĂNG TÙNG

Đại tá Trần Anh Sơn, Phó giám đốc Công an tỉnh phân tích thêm, nguy cơ cháy tập trung chủ yếu do sự cố hệ thống điện và sử dụng thiết bị tiêu thụ điện không đảm bảo an toàn PCCC. Ngoài ra, tại các chợ, trung tâm thương mại còn thường xuất hiện các hành vi vi phạm về an toàn PCCC như: không quản lý chặt chẽ về nguồn lửa, nguồn nhiệt; vi phạm trong việc bố trí hàng hóa không đảm bảo an toàn PCCC đối với thiết bị điện, không trang bị hoặc trang bị nhưng không đảm bảo phương tiện PCCC ban đầu…

Riêng các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, từ lâu đã được kiểm soát chặt chẽ về PCCC từ cả phía cơ quan chức năng lẫn bản thân doanh nghiệp. Tuy nhiên, vào dịp cuối năm và đầu mùa khô, nguy cơ cháy vẫn đến từ việc bố trí hàng hóa đè lên các hệ thống điện hoặc quên vệ sinh công nghiệp (nhất là các doanh nghiệp ngành dệt may, gỗ) dẫn tới phát sinh cháy khi các sợi bông, mạt cưa chất thành đống bị bén tia lửa điện.

* Củng cố phòng cháy ngay từ cơ sở

Trước các nguy cơ cháy vào dịp cuối năm và đầu mùa khô, lực lượng cảnh sát PCCC toàn tỉnh xác định phải chủ động phòng cháy thông qua các biện pháp chủ yếu là: kiểm tra, xử lý ngay các vi phạm về an toàn PCCC và củng cố phòng cháy cho từng cơ sở. Việc này đòi hỏi sự chủ động từ cả cơ quan quản lý nhà nước và người đứng đầu, người có trách nhiệm tại mỗi cơ sở (cả với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; trung tâm thương mại và chợ).

Theo thống kê, trong 10 tháng của năm 2023, cơ quan chức năng các cấp đã kiểm tra  hơn 70,3 ngàn lượt cơ sở, phát hiện và lập 588 biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC với số tiền phạt hơn 4,1 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với 133 cơ sở; tạm đình chỉ hoạt động đối với 101 cơ sở.

Theo Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ tỉnh, qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng đã hướng dẫn người đứng đầu và lực lượng PCCC cơ sở thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, yêu cầu cơ sở khắc phục những thiếu sót, vi phạm về PCCC có thể phát sinh cháy, nổ. Đặc biệt là các hành vi có thể khắc phục ngay như: bố trí lại hàng hóa không che chắn hệ thống điện hoặc lối thoát hiểm, trang bị đủ số lượng bình chữa cháy theo quy định, sửa chữa hoặc thay mới hệ thống điện thiếu an toàn...

Đại tá TRẦN ANH SƠN, Phó giám đốc Công an tỉnh:

Tăng cường diễn tập các phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở

Thời gian tới, lực lượng cảnh sát PCCC phải rà soát bổ sung và tăng cường diễn tập các phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở, nhất là các công trình trọng điểm, các khu dân cư, các chợ, trung tâm thương mại có nguy cơ cháy, nổ cao. Các phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải phù hợp với tính năng, phương tiện, con người và khả năng triển khai của lực lượng, phương tiện. Sử dụng triệt để hệ thống PCCC của cơ sở, đặc biệt là phải thường xuyên tổ chức diễn tập các phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có nhiều lực lượng tham gia.

Phó chủ tịch UBND P.An Bình (TP.Biên Hòa) HOÀNG THỊ THANH HOA:
Củng cố lực lượng chữa cháy tại chỗ ở các khu dân cư

Chính quyền địa phương thường xuyên có những đợt tuyên truyền về PCCC với người dân thông qua các buổi họp dân hoặc trang Zalo của UBND P.An Bình. Đặc biệt là đề nghị người dân trang bị bình chữa cháy cho từng nhà để chủ động xử lý khi đám cháy vừa phát sinh. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Công an TP.Biên Hòa tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn người dân và huấn luyện cho lực lượng bảo vệ dân phố địa phương các bước xử lý an toàn, hiệu quả khi có cháy, nổ xảy ra.

Về mặt củng cố năng lực PCCC tại cơ sở, từ đầu tháng 9-2023 đến nay, Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ các cấp đã tổ chức diễn tập chữa cháy tại các nhà chung cư, siêu thị, khu dân cư… để làm điểm cho các cơ sở khác rút kinh nghiệm. Đồng thời, tập huấn, huấn luyện cho các đội dân phòng, bảo vệ dân phố và nhân viên các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị.

Riêng năm 2023, có một điểm mới là UBND tỉnh đề ra chỉ tiêu đến ngày 30-12-2023, mỗi hộ gia đình có ít nhất một người được tuyên truyền, huấn luyện về PCCC và trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy. Do đó, để đảm bảo chỉ tiêu đề ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố phân loại, lồng ghép việc tổ chức huấn luyện, tuyên truyền kiến thức về PCCC cho từng loại đối tượng. Đồng thời, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các nguồn lực xã hội hóa để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao về trang bị bình chữa cháy tới mỗi hộ dân.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ tỉnh cũng khuyến cáo các cơ sở (cả với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; trung tâm thương mại và chợ) phải chú trọng việc bố trí, sắp xếp hàng hóa vào dịp cuối năm. Tuyệt đối để xa nguồn nhiệt, nguồn điện và không che chắn lối thoát hiểm. Có như vậy mới hạn chế được nguy cơ cháy, cháy lan, cháy lớn vào dịp cuối năm 2023 và đầu mùa khô 2023-2024.

Đăng Tùng

 

 

Tin xem nhiều